Lạng Sơn: Miền ký ức mãi còn thao thức

Chúng tôi lên Lạng Sơn những ngày kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Mưa bụi tiết xuân gợi không khí hoài niệm, tưởng nhớ. Đường lên xứ Lạng hôm nay đông hơn vì có thêm những đoàn xe về nguồn.

Rất dễ nhận những chiếc xe mang băng đỏ, ghi rõ tên đơn vị, địa và chở theo cả những vòng hoa. Trên xe là những cựu chiến binh trong quân phục chỉnh tề, nhiều người tóc đã bạc trắng đi cùng người thân, bạn bè. Điểm đến của họ là các nghĩa trang nơi đồng đội, người thân còn nằm lại; những vùng từng là nơi chiến sự ác liệt trên chiến trường xưa. Họ đến để tưởng nhớ và sống lại những năm tháng luôn in đậm trong ký ức cuộc đời mình.

Lễ tưởng niệm ở nghĩa trang Thành phố Lạng Sơn.

Lễ tưởng niệm ở nghĩa trang Thành phố Lạng Sơn.

Tại nghĩa trang thành phố, chúng tôi cùng tham dự lễ mặc niệm của các cựu chiến binh Sư đoàn 3 và Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội. Trong không khí trang nghiêm, mọi người lắng nghe lời nhắn gửi các đồng đội đã hy sinh trong những cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ thị xã và những địa bàn trọng yếu khác nơi mảnh đất tiền tiêu; thắp hương tưởng nhớ trên từng ngôi mộ với lòng thành kính và biết ơn của những người còn sống. Chuyện trò với chúng tôi, bác Cao Toàn, nguyên lính trinh sát của Sư đoàn 3; chị Hà Phương, cán bộ Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội đều bày tỏ nỗi tiếc thương các đồng đồng đã hy sinh và niềm xúc động khi thăm lại chiến trường xưa.

Chúng tôi lên huyện Cao Lộc, nơi từng diễn ra những trận đánh rất ác liệt những ngày đầu của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Rất nhiều thay đổi đã diễn ra trên huyện vùng cao biên giới này. Nhưng ký ức vẫn vẹn nguyện trong những con người nơi đây. Bác Chu Minh Tiến, cựu chiến binh thời chống Mỹ và là người đã sống ở Cao Lộc tháng 2/1979, kể về những năm tháng hào hùng khi các chiến sĩ, người dân Cao Lộc chiến đấu, giữ đất quê hương.

Bác Chu Minh Tiến, năm nay đã 70 tuổi, làm công việc trông nom tại nghĩa trang Cao Lộc. Bác cho biết, nghĩa trang có trên 500 ngôi mộ liệt sĩ từ nhiều vùng của đất nước lên chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này, trong đó có mộ của liệt sĩ Lê Đình Chinh, người anh hùng đầu tiên của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Bác đưa chúng tôi đi thắp hương trong nghĩa trang và thăm nơi từng có mộ anh hùng Lê Đình Chinh trước khi hài cốt của anh được gia đình chuyển về quê hương Thanh Hóa. Chúng tôi gặp ở nghĩa trang nhiều cựu chiến binh từ các vùng cùng người thân của các liệt sĩ đến viếng trang.

Nghĩa trang Cao Lộc.

Cầu Khánh Khê là một địa điểm nổi tiếng trong cuộc chiến đấu của quân và dân Lạng Sơn. Trên cây cầu bắc qua sống Kỳ Cùng này, tháng 2/1979, các chiến sĩ Sư đoàn 337 cùng quân dân huyện Văn Quan dã kiên cường chặn đứng 13 đợt tấn công của quân Trung Quốc. Chúng định mở một mũi vu hồi hòng chia cắt, bao vây thị xã Lạng Sơn. Hơn 2.000 quân Trung Quốc đã phải bỏ xác tại khu vực này.

Khánh Khê đứng vững trước chiến thuật biển người của quân Trung Quốc. Bên cây cầu lịch sử bây giờ là một công trình thủy điện sắp hoàn thành. Nhà bia tưởng niệm chiến thắng Khánh Khê dựng trên vách núi cao bên sông. Chúng tôi gặp ở đây đoàn Cựu chiến binh của Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội cũng về tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống ở Khánh Khê trong dịp này.

Chúng tôi lên Đồng Đăng. Mặc dù đã trở lại đây một số lần nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ với những thay đổi ở thị trấn giàu bản sắc này. Suốt 40 năm qua, trong ký ức của người dân ở đây, pháo đài Đồng Đăng luôn là một nỗi đau nhức nhối. Vào tháng 2/1979, tại pháo đài này, trong một trận đánh không cân sức, quân Trung Quốc, do không chiếm được pháo đài, đã dùng bộc phá đánh sập và phun xăng thiêu cháy toàn bộ khu vực ước tính có hơn 300 người, gồm các chiến sĩ C42 Sư đoàn 3 và người dân sơ tán ở bên trong.

Khu tưởng niệm pháo đài Đồng Đăng.

Chúng tôi lên thắp hương tưởng niệm tại khu vực cửa vào pháo đài, nơi có đặt bia tưởng niệm và gặp ở đây những cựu chiến binh, người thân của các gia đình có người hy sinh và cả khách du lịch nước ngoài. Bà Hà Thị Thưa, ngoài 70 tuổi, người dân tộc Tày, nhà ở ngay gần cửa pháo đài, cho biết: Người dân ở đây luôn tưởng nhớ đến những người đã hy sinh còn bị chôn vùi trong lòng đất. Sáng nào cũng vậy, việc đầu tiên của bà là thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất. Điều ấy giúp cho bà cảm giác yên ổn trong mỗi ngày.

Trước bia tưởng niệm nhà báo Isao Takano. Ảnh: Đạo diễn Phạm Lộc

Tôi muốn dành những dòng cuối cùng để tưởng nhớ về nhà báo Isao Takano, đồng nghiệp Nhật Bản, phóng viên báo Akahata. Anh đã trúng đạn của quân Trung Quốc và hy sinh ngay trên đường phố của thị xã Lạng Sơn giữa những ngày chiến sự ác liệt. Anh hy sinh khi đi cùng các đồng nghiệp ở TTXVN và các nhà báo Việt Nam khác đang tác nghiệp, ở độ tuổi tài năng đang chín. Tấm bia tưởng niệm Takano bây giờ được đặt ngay trong nghĩa trang liệt sĩ của thành phố Lạng Sơn. Anh đã ngã xuống trong tư thế của một người chiến sĩ và để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Trên bia tưởng niệm Takano hôm nay vẫn có hoa tươi và những nén hương trầm thành kính. Trong suy nghĩ của những con người trên mảnh đất này, hình ảnh của anh luôn sống mãi.

Lạng Sơn những ngày này là nơi hội tụ của những con người từ nhiều vùng đất. Ở bất cứ đâu, qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, chúng tôi đều cảm nhận được tình cảm chân thành, xúc động, những hồi ức, sẻ chia về những năm tháng hào hùng, bi tráng không thể quên của mỗi con người trong chiến đấu bảo vệ biên cương của tổ quốc 40 năm trước. Một miền ký ức mãi còn thao thức trên mảnh đất này!

Lạng Sơn, 16/2/2019.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng (Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ban-doc/lang-son-mien-ky-uc-mai-con-thao-thuc-20190217071609073.htm