Lạng Sơn đưa trải nghiệm văn hóa vào chương trình giáo dục

Để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương, thời gian qua, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện mô hình 'Trường học gắn với di sản văn hóa', qua đó, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh.

Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh.

Từ năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm đối với cấp tiểu học là: xây dựng mô hình nhà trường tiểu học gắn với thực tiễn dạy học và đời sống nhằm cho học sinh và giáo viên biết vận dụng học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, tạo được môi trường giáo dục mở, thân thiện, an toàn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy truyền thống. Trong các mô hình được lựa chọn thì việc giáo dục truyền thống và trải nghiệm các di sản văn hóa lịch sử của địa phương được nhiều nhà trường lựa chọn thực hiện vừa lồng ghép vào chương trình học vừa cho các em tham quan thực tế. Qua đó đã giúp học sinh biết trân trọng các giá trị văn hóa của địa phương, dân tộc.

Tại Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, hằng năm, nhà trường đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa tham quan Bảo tàng tỉnh; thăm, dâng hương tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ; thăm các danh thắng Nhất, Nhị, Tam Thanh… nhằm tạo môi trường lý tưởng giúp học sinh chủ động tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Cô Vũ Thị Quyên, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tại mỗi hoạt động đó, nhà trường sẽ chọn lọc các nét văn hóa truyền thống hay các di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu của địa phương như: lễ hội Lồng tồng, Hội đền Kỳ Cùng – Tả phủ; di tích thành nhà Mạc, núi Tô Thị… vào giới thiệu trong các tiết học và các buổi ngoại khóa để học sinh hiểu rõ hơn về truyền thống quê hương, nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.

Trường Tiểu học Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hằng năm đều tổ chức các hoạt động theo từng tháng, từng quý với các chủ đề, chủ điểm khác nhau để giới thiệu về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương. Cô Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ năm học 2018 – 2019, nhà trường đã xây dựng chủ đề học sinh tập làm hướng dẫn viên du lịch, cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm các di tích đền thờ, lễ hội… với mong muốn tất cả học sinh nhà trường cùng tham gia tìm hiểu về di tích văn hóa, lịch sử của địa phương để giới thiệu với du khách, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngoài ra, để học sinh hiểu rõ hơn giá trị văn hóa lịch sử của địa phương, các trường học còn chủ động phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm theo chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh. Theo đó, từ năm 2014, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các trường không chỉ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn mà còn phối hợp với các trường ở các huyện tổ chức chiếu các clip, phim về di sản văn hóa lồng ghép với việc tham quan, giới thiệu tại nhà trưng bày của bảo tàng và duy trì vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn trong năm, tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Thống kê năm 2018, Bảo tàng tỉnh đã thu hút 14.800 lượt khách, trong đó, học sinh, sinh viên chiếm trên 90%.

Em Vi Tiến Đạt, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Trong thời gian học tập tại trường, nhất là các tiết học về lịch sử, địa lý, tự nhiên và xã hội các thầy cô thường xuyên kể các câu chuyện, sự kiện lịch sử diễn ra trên địa bàn về thân thế, sự nghiệp người chiến sĩ cách mạng Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ. Cùng đó, nhà trường còn tổ chức cho chúng em đi tham quan tại Bảo tàng tỉnh, giúp chúng em biết về văn hóa và di tích lịch sử của tỉnh nhà.

Thông qua hoạt động mang tính "mở" được các nhà trường linh hoạt tổ chức thực hiện như: lồng ghép dạy học tích hợp, liên môn hay chiếu phim tư liệu văn hóa và lịch sử, đưa học sinh đi tham quan bảo tàng, di tích, đài tưởng niệm, các làng nghề truyền thống, dạy hát các làn điệu dân ca, liên hoan văn nghệ, thi tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề… đã giúp học sinh có thêm cơ hội được tìm hiểu, khám phá, mở rộng kiến thức về văn hóa, lịch sử của quê hương mình, và ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa quê hương./.

Theo Báo Lạng Sơn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/lang-son-dua-trai-nghiem-van-hoa-vao-chuong-trinh-giao-duc-20191024144418937.htm