Lạng Sơn: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung

Lạng Sơn có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phù hợp cho việc phát triển một số sản phẩm nông sản đặc thù địa phương có giá trị kinh tế cao. Tỉnh Lạng Sơn đã và đang nỗ lực để định hướng, hỗ trợ cho nông dân sản xuất nông sản hàng hóa theo hướng tập trung, liên kết chuỗi..., tạo giá trị gia tăng cao.

Đến nay, tại Lạng Sơn đã hình thành được một số vùng sản xuất nông sản tập trung với các sản phẩm chủ lực, bao gồm: Vùng sản xuất Na tại các huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, với diện tích 3.500 ha, trong đó có hơn 400 ha na đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm, bình quân đạt 275 triệu đồng/ha.

Vùng sản xuất Rau tại thành phố Lạng Sơn và các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia, đang có xu hướng mở rộng diện tích trồng các loại rau đặc sản, có giá trị kinh tế cao như ngồng cải bắp, cải ngồng hoa vàng, rau bò khai…, với tổng diện tích 3.000 ha; tổng giá trị sản phẩm khoảng 1.000 tỷ đồng/năm; trung bình 01 ha trồng rau đạt 135 triệu đồng/ha.

Vùng sản xuất Hồng tại các huyện Văn Lãng, Cao Lộc với diện tích 1.700 ha, sản lượng đạt 6.000 tấn, giá trị đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm.

Vùng trồng Thạch Đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, diện tích trên 3.000 ha, sản lượng đạt 10.000 tấn, giá trị đạt khoảng 250 tỷ đồng/năm.

Vùng sản xuất Quýt tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn với diện tích 1.400 ha, giá trị thu được gần 100 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, tại Lạng Sơn còn có các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung khác như vùng trồng Khoai Tây, Khoai Lang tại Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng; vùng trồng Hồng Bảo Lâm, Hồng Vành Khuyên tại huyện Cao Lộc, huyện Văn Lãng; vùng trồng Đào cảnh tại thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, huyện Hữu Lũng, huyện Bắc Sơn, huyện Lộc Bình…

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong vài năm lại đây, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai tới 7 mô hình chỉ đạo sản xuất điểm tại các địa phương để hỗ trợ về công tác đầu tư, qui trình kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, thương mại hóa sản phẩm, định hướng xuất khẩu... Nhờ vậy, đến nay, đã có khoảng trên 2.000 ha nông sản, hoa quả các loại đã được nông dân thực hành sản xuất theo qui trình nông nghiệp tốt, được chứng nhận theo tiêu các chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...

Sản xuấ rau sạch tại Lạng Sơn. Ảnh minh họa

Sản xuấ rau sạch tại Lạng Sơn. Ảnh minh họa

Nói về sản xuất nông nghiệp theo các mô hình mới, ông Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Tại Lạng Sơn, hiện đã có 23 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể), 47 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP (trong đó có 15 sản phẩm 4 sao; 32 sản phẩm 3 sao) của 41 chủ thể (04 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã, 04 tổ hợp tác và 13 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh). Trong năm 2021, tỉnh Lạng Sơn cũng đang tiếp tục triển khai hỗ trợ nông dân việc đăng ký cấp mã số vùng trồng cho 115 vùng trồng cây Thạch Đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng nhằm phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu.

Trong thời gian tới, ông Lý Việt Hưng, cho biết: Tỉnh Lạng Sơn đã đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ tiêu chuẩn hóa từ 135-140 sản phẩm của các địa phương theo chương trình OCOP của tỉnh; củng cố, kiện toàn và phát triển mới tổng cộng 150 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất sản phẩm theo chương trình OCOP; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh để hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực cho các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất tham gia sản xuất OCOP; xây dựng hệ thống 12 trung tâm, cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn 11 huyện, thành phố.

Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, gắn với xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ đồng bộ, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trong các chuỗi giá trị phát triển một cách toàn diện, bền vững.

Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo, kết nối thị trường để định hướng sản xuất và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm thị trường để mở rộng đầu ra cho các sản phẩm. Tăng cường hỗ trợ nông dân kết nối, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông nghiệp, cơ sở chế biến nông sản trong việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ thương mại để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm cả ở trong tỉnh, ngoài tỉnh và thị trường quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để truyền thông cho sản phẩm OCOP nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa. Phát triển sản xuất gắn với quản lý thực phẩm theo “chuỗi sản phẩm chủ lực an toàn” cả về số lượng, chất lượng, chủng loại. Phát triển hệ thống kênh phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng và dễ dàng truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-son-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-hang-hoa-tap-trung-161117.html