Lạng Sơn: Cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư để phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Để phát huy lợi thế là điểm xuất phát của con đường huyết mạch 1A và cũng là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng..., tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách phù hợp, cải cách hành chính nhằm tăng cường thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp.

Lạng Sơn triển khai thực hiện có hiệu quả các quy trình thủ tục hành chính đã ban hành; Nâng cao năng lực quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ hành chính công của chính quyền các cấp; Rà soát, cải tiến bộ thủ tục hành chính phù hợp theo từng lĩnh vực cụ thể theo hướng đơn giản hóa; Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về đất đai cho các tổ chức, doanh nghiệp, đi đôi với bãi bỏ các thủ tục không cần thiết trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng mục đích sử dụng. Giảm số lượng các loại giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện và các quyết định chấp thuận với doanh nghiệp.

Công khai, minh bạch hóa thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông tin để hiểu rõ hơn các chiến lược, định hướng và kế hoạch đầu tư phát triển của tỉnh; Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các dự án, doanh mục kêu gọi đầu tư; Công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đầu tư, khoản phí, lệ phí…tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Chính sách thu hút đầu tư và những kết quả đã đạt được

Trong thời gian gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chủ chương khá cởi mở nhằm “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư như: Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 11/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 05/11/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 11/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ thị số 02/CT- UBND ngày 04/01/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp…Theo đó các dự án khi đầu tư vào tỉnh, ngoài được ưu đãi chính sách chung còn được ưu đãi, hỗ trợ về tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động.

Điểm nhấn nổi bật trong thu hút đầu tư tại Lạng Sơn thời gian qua là tỉnh tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư cuối tháng 9 năm 2019 với chủ đề “Lạng Sơn, điểm đến thành công của nhà đầu tư”, thu hút hơn 500 đại biểu là lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài tham dự.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Lạng Sơn đã xem xét lựa chọn, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định lựa chọn nhà đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết các biên bản ghi nhớ, đăng ký đầu tư vào tỉnh cho 102 dự án, với tổng số vốn đăng ký 105 nghìn tỷ đồng của hơn 80 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điểm mới của hội nghị đầu tư lần này là Lạng Sơn mời gọi, đón tiếp nhà đầu tư bằng những chính sách xúc tiến đầu tư đồng bộ với mức ưu đãi cao nhất, đồng thời cam kết luôn đồng hành cùng nhà đầu tư ngay từ khi khảo sát lập dự án. Trong quá trình dự án đi vào hoạt động, chính quyền, chủ đầu tư cùng sát cánh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để bảo đảm cho các dự án phát huy hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là thông điệp Lạng Sơn muốn gửi đến các nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa kỳ vọng trở thành đầu mối, điểm giao lưu, trung tâm dịch vụ thương mại cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc với Việt Nam và cả ASEAN.

Bên cạnh đó UBND tỉnh thực hiện các hoạt động đối ngoại trong đó có lồng ghép công tác xúc tiến đầu tư, tổ chức thành công Chương trình gặp gỡ đầu Xuân 2019 giữa Bí thư Tỉnh ủy 04 tỉnh biên giới của Việt Nam và Bí thư Khu ủy Quảng Tây (Trung Quốc) và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp lần thứ 10. Chủ động xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác tiềm năng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Australia các thương hội, doanh nghiệp Trung Quốc. Tổ chức đoàn công tác của tỉnh tiếp xúc, làm việc Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA) và Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM)…

Tính đến thời điểm tháng 10 năm 2019, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án mới, tổng vốn đăng ký 3.073,7 tỷ đồng; điều chỉnh 34 dự án đầu tư trong nước tổng, tổng vốn điều chỉnh tăng 765,6 tỷ đồng. Cấp Quyết định lựa chọn nhà đầu tư cho 06 dự án (trong đó 05 dự án sử dụng đất, 01 dự án hình thức PPP) với tổng số vốn đầu tư 5.657,3 tỷ đồng. Đã thành lập mới 305 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 2.867 tỷ đồng; tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 10 tỷ đồng, tăng 15%; ước cả năm 2019 có khoảng 400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 80% kế hoạch. Thành lập mới 32 hợp tác xã (HTX), giải thể 07 HTX; tổng số HTX toàn tỉnh hiện có 245 HTX với tổng vốn điều lệ là 321 tỷ đồng.

Cùng thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 257,9 triệu USD. Trong đó có 14 dự án hoạt động ổn định, 05 dự án đang tạm ngừng hoạt động, 03 dự án gặp khó khăn vướng mắc, 07 dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục hành chính về xây dựng cơ bản.

Mặc dù trong năm đã có nhiều cố gắng nhưng việc huy động các nguồn vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa nhiều các dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo đòn bẩy cho việc thu hút các doanh nghiệp đến Lạng Sơn đầu tư sản xuất kinh.

Định hướng và giải pháp thu hút đầu tư

Mục tiêu của Tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh gắn với thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để đạt được mục tiêu này Lạng Sơn đề ra một số giải pháp chủ yếu thực hiện trong thời gian tới như sau: Giải pháp đầu tiên cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư, thủ tục đầu tư, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các luật, nghị định về đầu tư để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ. Hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế, tài chính trong Khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp; tạo quỹ đất thực hiện đầu tư hoàn thành các khu, cụm công nghiệp hoàn chỉnh sẵn sàng đón nhận các dự án lớn, có tính chất lan tỏa, công nghệ cao từ ngoài tỉnh và nước ngoài.

Tiếp đó là tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thiểu thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, đảm bảo tính công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để khảo sát, điều tra cập nhật các thông tin, ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư để làm cơ sở, căn cứ xây dựng và công bố bộ chỉ số đánh giá chất lượng cải cách hành chính, điều hành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và rào cản đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Đây sẽ là điều kiện, cơ hội tạo môi trường thuận lợi để Lạng Sơn thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường hội nhập. Với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện cùng với tiềm năng, lợi thế và các giải pháp đồng bộ, tích cực và quyết tâm của các cấp chính quyền, Lạng Sơn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hà Anh

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/can-biet/lang-son-cai-cach-hanh-chinh-nham-thu-hut-dau-tu-de-phat-trien-kinh-te-nhanh-va-ben-vung-a307426.html