Làng sản xuất lợn đất nhộn nhịp dịp Tết Kỷ Hợi 2019

Những ngày giáp Tết nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, người dân ở làng gốm sứ Bát Tràng càng tất bật hơn bởi phải hoàn thành các đơn hàng phục vụ Tết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào dịp cuối năm ở làng gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) nhiều cơ sở sản xuất lợn đất đang tích cực hoàn thiện các đơn hàng cho khách và phục vụ người dân mua sắm dịp cuối năm.

Chia sẻ với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mai Hương , cơ sở sản xuất Anh Hương (thôn 3, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, sang 2019 là năm Kỷ Hợi nên cơ sở nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách.

Ngoài việc mua theo mẫu có sẵn thì rất nhiều đơn được đặt theo mẫu của khách hàng để làm quà tặng. Khi đó, trên con lợn đất sẽ in, vẽ những hoa văn, thông điệp của khách hàng.

“Bên cạnh các mặt hàng gốm sứ thông thường, chúng tôi cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng đặc biệt như lợn đất dát vàng, sản xuất lợn đất cỡ lớn, hai người khiêng,…”, bà Hương cho hay.

Theo bà Hương, giá thành lợn đất năm nay không tăng so với mọi năm. Giá thành lợn đất cũng từ 30.000 đồng lên đến khoảng một triệu đồng tùy kích thước. Nhiều lợn đất đặc biệt được đặt dát vàng hay cỡ đại thì sẽ có những giá tiền cao hơn phụ thuộc vào kích cỡ và tỉ lệ dát vàng.

Dưới đây là một số hình ảnh về quy trình sản xuất lợn đất Bát Tràng:

Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua lợn đất để bỏ tiền tiết kiệm tăng cao khiến những người làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng cũng tất bật hơn. Để kịp phục vụ nhu cầu của khách hàng, cơ sở Anh Hương (Bát Tràng, Hà Nội) huy động gần 20 công nhân làm các công đoạn nhanh chóng để gửi hàng cho khách.

Một công nhân đang rỡ lợn đất ra khỏi khuôn đúc rồi xếp lên ván để phơi khô.

Nữ công nhân tạo khe nhét tiền trên lợn đất.

Xong các công đoạn, người công nhân sẽ đưa lợn vào ván gỗ rồi phơi lên giá để hong khô.

Khi lợn đất khô thì sẽ được chuyển lên bộ phận làm mịn. Những người công nhân sẽ dùng khăn để xoa lợn đất cho nhẵn, mịn.

Sau đó, lợn đất được chuyển ra phơi khô, khi đủ độ khô sẽ được chuyển vào đổ màu tùy theo mẫu cần sản xuất. Với những mẫu lợn có đủ màu sắc thì cần đổ màu trước rồi mới vẽ hoa văn, trang trí. Với những mẫu lợn màu trắng thì sẽ không đổ màu mà chỉ vẽ hoa văn trang trí rồi chuyển qua lò nung.

Những công nhân làm công việc kỹ thuật, ngồi vẽ mắt, mũi, mồm và hoa văn lên lợn đất. Những người này có thể vẽ theo mẫu sẵn có và vẽ theo mẫu của khách hàng.

Chị Thu, công nhân trang trí lợn đất cho biết, thời gian đầu chị không biết vẽ nhưng rồi cố gắng tập luyện và qua thời gian, chị vẽ tốt, vẽ được nhiều mẫu đẹp.

Hình ảnh những chú lợn đất đã được tranng trí hoàn thiện, đang chờ phơi khô để đưa lên lò nung.

Những mẫu lợn đất đã hoàn thiện được trưng bày ra bán và xếp ngăn nắp để giao cho khách hàng.

Nguyễn Minh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/anh-lang-san-xuat-lon-dat-nhon-nhip-dip-tet-ky-hoi-2019-946645.html