Làng rèn Đa Sỹ vẫn bền bỉ đỏ lửa suốt trăm năm

Bằng bàn tay khéo léo, sự tâm huyết gửi gắm trong từng sản phẩm, người dân làng rèn Đa Sỹ vẫn từng ngày hăng say với nghề truyền thống của cha ông truyền lại.

Tin nên đọc

Tới Hội chợ sách cũ Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám 'săn' sách độc, lạ

Triều Trần và những vị vua tài - đức vẹn tròn

Giọng hát Việt 2017 - Tập 2: Chàng trai 18 tuổi làm dậy sóng ghế nóng

Giọng hát Việt 2017: Huấn luyện viên bị chê tơi tả vì giỏi nói hơn giỏi huấn luyện

Nép mình bên dòng sông Nhuệ hiền hòa, làng rèn Đa Sỹ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) vốn là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng và lâu đời tại đồng bằng Bắc bộ. Con đường nhỏ dẫn vào làng quanh co, tiếng đe, tiếng búa thi nhau vang lên chan chát, từng viên gạch dưới chân cứ thế rung lên theo nhịp đập.

Danh thơm một thuở

Nhiều năm về trước, dao kéo Đa Sỹ nức tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tiếng lành đồn xa, người Lào, người Campuchia cũng tìm về tận Đa Sỹ để mua hàng. Cả làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa, tiếng xe...

Nhiều năm về trước, dao kéo Đa Sỹ nức tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tiếng lành đồn xa, người Lào, người Campuchia cũng tìm về tận Đa Sỹ để mua hàng. Cả làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa, tiếng xe...

Theo sử sách, trước đây làng có tên là làng Sẽ, sau đổi thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ, và cuối cùng làng được đổi là Đa Sỹ từ giữa thế kỷ 18. Cái tên Đa Sỹ được dùng cho tới ngày nay mang ý nghĩa là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ.

Làng Đa Sỹ là nơi sản sinh ra 11 tiến sĩ, 1 lưỡng quốc trạng nguyên được lưu danh trên văn bia Quốc Tử Giám.

Nổi bật trong số đó là tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, làm quan qua 4 triều vua, là người có công lập nên "Vườn học" duy nhất của nước ta dưới thời Lê. Còn lưỡng quốc trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú được người đời truyền tụng với Sớ 7 điều dâng vua.

Dân làng lập miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa được vinh danh là "Lương y dược đại vương" dưới thời Lê, hậu duệ đời đời ghi ơn với 208 bài thuốc trị bệnh cứu người, được coi là ông tổ ngành quân y Việt Nam và tôn thờ làm Thành Hoàng làng. Có 38 đạo sắc phong vua ban cho các tiến sĩ làng Đa Sỹ được lưu giữ tới ngày nay.

Dù bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, Đa Sỹ vẫn cố gắng giữ nghề truyền thống lâu đời.

Theo các bậc cao niên trong làng, nghề rèn ở Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó, người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ như giáo mác cung cấp cho các lạc hầu, lạc tướng, giữ yên bờ cõi và rèn các nông cụ phục vụ sản xuất lao động.

Phải đến thời nhà Trần, Đa Sỹ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đến từ Thanh Hóa truyền dạy cho dân làng bí quyết nghề rèn để tạo ra các sản phẩm tinh xảo.

Bền bỉ giữ nghề tổ

Ông Trinh thuộc lớp thợ lâu năm của làng chia sẻ: "Nghề rèn giờ không còn hấp dẫn như xưa, các thanh niên trai tráng lớn lên đều đi học hoặc làm công nhân trong nhà máy chứ ít ai nối nghiệp cha ông như thế hệ chúng tôi".

Nghề rèn vất vả, quanh năm phải tiếp xúc với hơi than độc hại. Nhất là trong những ngày hè oi bức, ngồi bên bếp than rực lửa với tiếng đe, tiếng búa chan chát bên tai, không phải ai cũng muốn gắn bó.

Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ bộc bạch: "Trước đây, cả làng có gần 1000 hộ làm nghề rèn, nay chỉ còn hơn 800. Số thanh niên theo đuổi nghề cũng ít dần theo đà đô thị hóa, số giỏi nghề lại càng đếm trên đầu ngón tay".

Đã ngoài 60 tuổi, nhưng đôi bàn tay ông Lê Văn Phấn vẫn thoăn thoắt đánh búa vào phôi thép đỏ rực vừa được rút từ trong lò than, chả mấy chốc miếng phôi đã định hình thành một con dao.

Gia đình có truyền thống làm dao, kéo ở Đa Sỹ từ nhiều đời nên ông Phấn được tiếp xúc với nghề rèn từ nhỏ. Theo ông, để tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt rất công phu, khâu quan trọng, đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất là tôi thép và làm nguội.

Đầu tiên, những người thợ sẽ cắt các bản sắt thành hình dạng của sản phẩm, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau. Khi phôi thép nung chuyển sang màu đỏ trắng là đến lúc đặt lên đe để quai búa.

Các cụ ngày xưa còn có một kinh nghiệm để thử nhiệt độ thép nung đạt chuẩn hay chưa là lấy tay vục vào xô nước, nhỏ vài giọt lên bề mặt phôi thép, nếu thấy nước biến thành các hạt nhỏ li ti nhảy múa là đủ độ. Nếu nung quá lửa, dao dễ bị mẻ, bị giòn, dễ vỡ như gang. Do yêu cầu thao tác quai búa phải nhanh, mạnh, dứt khoát, đòi hỏi rất nhiều sức lực của người thợ, vì thế người đứng lò hầu hết là các thanh niên trai tráng.

Theo anh Nghiêm Văn Kiên, một thợ rèn trẻ có tiếng trong làng thì trước đây nguyên liệu được người dân tận dụng từ những chiếc nhíp xe ô tô bỏ đi, sau này là tôn, thiếc, phần lớn được nhập từ Thạch Thất và Nam Định.

Các công đoạn làm dao giờ được máy móc hỗ trợ nên phụ nữ cũng có thể tham gia vào sản xuất.

Qua khâu rèn trong lửa, thì đến công đoạn gọt cánh (gọt bỏ những phần sắt thừa) để tạo hình dáng hoàn chỉnh cho sản phẩm. Người thợ gọt cánh phải kẹp con dao giữa hai thanh tre đặt nghiêng 45 độ thì lưỡi dao mới có độ mỏng đều và sắc. Các công đoạn tiếp theo là mài nước, gạt màu, đánh phớt bóng, bôi dầu, tra cán thường được người già, phụ nữ và thiếu niên đảm nhiệm, bởi khâu này không đòi hỏi sức lực cũng như kỹ thuật cao.

Cũng theo ông Phấn, mỗi hộ rèn ở Đa Sỹ đều có bí quyết riêng, nhưng điểm chung là thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao, cây kéo sắc bén.

Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm nhưng nguyên liệu làm rèn phổ biến vẫn chỉ là gỗ (để làm cán)

và thép (sản phẩm).

Trước đây, người dân Đa Sỹ mất rất nhiều công sức mới làm ra được một sản phẩm. Theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày nay, nghề rèn ở Đa Sỹ đỡ vất vả hơn nhiều, năng suất cũng tăng cao do các hộ làm nghề đầu tư thêm máy móc tự động, bán tự động.

Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động đã được máy móc thay thế bằng búa máy, sạt lưỡi bằng máy... Người thợ chỉ làm thủ công các công đoạn hoàn thiện sản phẩm như tạo hình dáng và kỹ thuật “tôi” để dao sắc và cứng… Vì thế, nghề rèn vẫn giữ chân được người lao động.

Các sản phẩm làng rèn Đa Sỹ không quá cầu kỳ, chủ yếu là dao, kéo và các loại đồ gia dụng kim khí phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, người dân làng nghề vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Dao Đa Sỹ chưa khắc phục được nhược điểm hoen gỉ, mẫu mã, hình thức của sản phẩm cũng chưa hấp dẫn nên chưa thâm nhập được vào thị trường hàng gia dụng cao cấp. Vì vậy, ít được bày bán trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.

Bài & ảnh Nguyễn Hồng - Phương Liên

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/lang-ren-da-sy-van-ben-bi-do-lua-suot-tram-nam-d36587.html