Lãng phí hệ thống vườn ươm cây giống ở Bắc Cạn

Thời gian qua, từ ngân sách nhà nước, tỉnh Bắc Cạn đã đầu tư nhiều vườn ươm ở các huyện với mục tiêu sản xuất cây giống sạch bệnh, chất lượng cao phục vụ nhu cầu ở địa phương. Tuy nhiên hiện tại, toàn bộ các vườn ươm đều không hoạt động hiệu quả, nhiều cơ sở vật chất bị bỏ hoang, gây lãng phí...

Cơ sở vật chất vườn ươm Cao Kỳ bị bỏ hoang.

Cơ sở vật chất vườn ươm Cao Kỳ bị bỏ hoang.

Hoạt động kém hiệu quả

Năm 2011, tỉnh Bắc Cạn đầu tư gần 14 tỷ đồng thực hiện dự án sản xuất giống cây cam, quýt và hồng không hạt; xây dựng, cải tạo ba vườn ươm, gồm: Cao Kỳ (Chợ Mới), Bản Chiêng (Đôn Phong) và Nà Pài (TP Bắc Cạn). Đây là ba vườn ươm lớn nhất tỉnh vào thời điểm đó. Tuy nhiên, qua tám năm, số cây giống sản xuất ra không đáng kể.

Vườn ươm Cao Kỳ nằm sát quốc lộ 3, rất thuận tiện cho sản xuất, tiêu thụ cây giống. Nhưng hiện hệ thống nhà lưới, khu sản xuất cỏ mọc đầy, phơi mình dưới nắng. Nhiều cây cam, quýt đầu dòng xác xơ, quặt quẹo. Cả một khu đất rộng hơn 9.000 m2 bỏ hoang, gây lãng phí.

Theo dự án, vườn ươm này được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh và xây mới sáu nhà lưới sản xuất cây có múi sạch bệnh, nhà kho, nhà đóng bầu, khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, đường giao thông trên diện tích đất hơn 9.000 m2 với năng lực sản xuất 1,3 triệu cây giống/năm. Tuy nhiên, từ khi xây dựng xong, vườn chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi bỏ hoang. Đến năm 2017, tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo giao vườn ươm lại cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ xuống để khôi phục sản xuất, nhưng cũng chỉ chăm sóc những cây đầu dòng, sản xuất được hơn 500 nghìn cây giống, doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019. Hoạt động sản xuất cũng chỉ thực hiện ở các bãi trống trong vườn ươm, còn hệ thống sáu nhà lưới để mặc sương, gió bào mòn, rỉ sét, ngập cỏ. Theo thiết kế, trong các nhà lưới này có quạt thông gió, nhưng tại thời điểm chúng tôi có mặt thì không thấy một chiếc nào. Các bãi đất trống cũng không còn sản xuất cây giống.

Năm 2012, Bắc Cạn đầu tư hơn bốn tỷ đồng xây dựng vườn ươm Đồng Tâm ở xã Kim Lư, huyện Na Rì sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng với quy mô thiết kế từ một đến 1,5 triệu cây giống/năm. Nhưng từ khi hoạt động, vườn ươm này chưa bao giờ sản xuất đạt tới một triệu cây/năm, thậm chí, năm 2019 chỉ sản xuất được 50 nghìn cây. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bắc Cạn, thiết kế công trình vườn ươm này rất bất cập, hệ thống thoát nước thường xuyên ngập úng, không có đường cho xe ô-tô ra vào; hệ thống dẫn nước tưới tắc, hỏng, thủng cho nên không có nước, hệ thống tưới tự động thì “đắp chiếu” từ lâu. Vì vậy, cây giống sản xuất ra phần lớn không đạt tiêu chuẩn xuất bán, nằm lưu vườn rất lãng phí.

Tương tự là vườn ươm Đon Nhậu, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, được đầu tư từ năm 2002 phục vụ cho sản xuất cây giống chè Shan tuyết, quế, hồi. Sau khi nhận bàn giao lại từ Ban quản lý dự án (BQLDA) 661, Sở NN và PTNT kiểm tra thì toàn bộ hàng rào lưới thép, hai nhà xây cấp bốn, hai bể chứa nước, các cọc bê-tông, giàn che sắt đã xuống cấp, không thể sử dụng do bị bỏ hoang từ năm 2006. Một số diện tích ngoài hàng rào, người dân đã trồng keo. Sở NN và PTNT tìm mãi mà không thấy hồ sơ thiết kế, quyết toán của dự án này ở đâu.

Giai đoạn từ năm 2002 đến 2012, Bắc Cạn đầu tư sáu vườn ươm quy mô, trong đó, Sở NN và PTNT quản lý năm vườn, gồm: Cao Kỳ (Chợ Mới), Đồng Tâm (Na Rì), Nà Phẩn (Pác Nặm), Kéo Nàng (Chợ Đồn), Đon Nhậu (Chợ Mới), còn vườn ươm Bản Chiêng đã bàn giao lại cho huyện Bạch Thông. Hiện toàn bộ sáu vườn đều hoạt động kém hiệu quả. Có những vườn bỏ hoang nhiều năm như Kéo Nàng, Đồng Tâm, Đon Nhậu, Bản Chiêng… toàn bộ cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Hầu hết các vị trí đặt vườn ươm đều rất bất cập. Thí dụ, vườn ươm Kéo Nàng nằm trong vùng hẻo lánh nhất của xã Bản Thi, đi lại khó khăn; vườn ươm Bản Chiêng chỉ sản xuất giống chè Shan tuyết trong khi huyện Bạch Thông không phải là vùng trồng giống cây này…

Nhiều dấu hiệu sai phạm về kinh tế

Không chỉ lãng phí, nhiều dự án vườn ươm ở Bắc Cạn còn có nhiều dấu hiệu sai phạm, có nguy cơ thất thoát hàng tỷ đồng vốn đầu tư. Dự án sản xuất giống cây cam, quýt và hồng không hạt đầu tư gần 14 tỷ đồng, giao Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án trình thẩm định quyết toán từ năm 2016, được phê duyệt từ năm 2018. Tuy nhiên, giá trị quyết toán được chỉ có hơn 8,5 tỷ đồng, số không quyết toán được gần một tỷ đồng. Đến nay, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã giải thể, dự án này lại được chuyển về cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Cạn Hoàng Văn Hùng, đến nay, đơn vị mới chỉ thu hồi được hơn 388 triệu đồng. Số chưa thu hồi được (hơn 523 triệu đồng) là của các công ty: Xây dựng Hùng Kiều, cổ phần tư vấn xây dựng công trình Bắc Cạn, cổ phần xây dựng thủy lợi Bắc Cạn và một doanh nghiệp hiện không rõ ở đâu là Công ty TNHH Gia Phát... Đáng chú ý, dự án này đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu sai thẩm quyền, tự ý xây dựng trạm biến áp không nằm trong quy mô dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt với số vốn hơn 300 triệu đồng. Các vườn ươm khác, do bỏ hoang nhiều năm cho nên cơ sở vật chất xuống cấp, hư hại không sử dụng được, gây lãng phí hàng tỷ đồng vốn đầu tư.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Bắc Cạn Nguyễn Mỹ Hải cho biết, đối với những sai phạm tại dự án sản xuất giống cây cam, quýt và hồng không hạt, Sở đã tổ chức hội đồng kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, do BQLDA này đã giải thể, hội đồng không kiểm điểm trách nhiệm tập thể đối với ban này. Hội đồng kiểm điểm bốn cá nhân, gồm: Sầm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ), nguyên Trưởng BQLDA Lý Văn Thanh, nguyên Phó Trưởng BQLDA (đã về hưu); Chu Thế Nam, Phó Trưởng phòng Thông tin tổng hợp (Trung tâm Khuyến nông), nguyên thành viên BQLDA và Bế Sỹ Tuyển, kế toán Vườn quốc gia Ba Bể, nguyên kế toán BQLDA. Đồng thời, Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai các giải pháp thu hồi số vốn đầu tư đã bị thất thoát trong dự án này.

Ngày 15-7-2019, Sở NN và PTNT Bắc Cạn đề xuất UBND tỉnh thu hồi toàn bộ năm vườn ươm, bàn giao cho địa phương quản lý. Lý giải về điều này, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Bắc Cạn Nguyễn Mỹ Hải cho biết, hiện tại, việc sản xuất cây giống đã được xã hội hóa, hầu như ở địa bàn nào cũng có vườn ươm của tư nhân, sản xuất cây giống bảo đảm chất lượng, giá cả lại hợp lý vì vận chuyển ngắn, gần đất trồng rừng. Do vậy, nếu tiếp tục cho các vườn ươm do sở quản lý sản xuất cây giống là không phù hợp vì giá cả tăng, cây dễ hư hại khi vận chuyển.

Tuy nhiên, sau khi bàn giao rồi, ai sẽ chịu trách nhiệm về hàng tỷ đồng cơ sở vật chất bị bỏ hoang, lãng phí ở các vườn ươm trong một thời gian dài? Vì sao lại không sớm có phương án khôi phục, chuyển đổi công năng những vườn ươm này trong những năm qua, trong khi cấp huyện khó có kinh phí để vận hành khi nhận bàn giao? Những câu hỏi này vẫn là điều dư luận băn khoăn, cần được làm rõ để tránh lãng phí gần 50 ha đất và nhiều tài sản của Nhà nước trên đất.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41870002-lang-phi-he-thong-vuon-uom-cay-giong-o-bac-can.html