Lãng phí chợ nông thôn

Trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chợ nông thôn) được đánh giá có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số địa phương do chạy theo thành tích, thiếu khảo sát đánh giá thực tế khiến chợ được xây xong bỏ hoang, lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Chợ không có người họp

Với kinh phí 500 triệu đồng, chợ Mường Phăng, tỉnh Điện Biên được đầu tư khang trang với diện tích hơn 1 nghìn mét vuông bao gồm đầy đủ các hạng mục cần thiết cho hoạt động mua, bán tại địa phương. Thế nhưng, đã hơn chục năm nay, chợ vẫn vắng bóng kẻ bán, người mua.

Một số chợ nông thôn rơi vào cảnh đìu hiu

Một số chợ nông thôn rơi vào cảnh đìu hiu

Chợ Nhạo Sơn xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Được xây dựng từ năm 2008 trên diện tích 7.000m2 bao gồm một khu chợ chính và 2 dãy nhà với 30 ki ốt. Tuy nhiên, do là xã được chọn làm điểm của tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2013, chợ Nhạo Sơn tiếp tục được đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với nhiều công trình hoàn thiện hơn như: Nâng cấp các ki ốt, xây dựng nhà vệ sinh, nhà ban quản lý, tường rào và hệ thống sân, đường vào chợ. Hoàn thành tiêu chí này, xã Nhạo Sơn được công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2013. Tuy nhiên, có một thực tế là từ khi xây mới, chợ Nhạo Sơn gần như không hoạt động, các ki ốt trong chợ không có người thuê, thậm chí một số ki ốt đang có dấu hiệu xuống cấp.

Còn tại xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, để đáp ứng đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã này cũng lập quy hoạch và xây dựng chợ. Theo thiết kế, chợ Hưng Phúc được xây trên diện tích đất khoảng 2.000 m2, mức đầu tư lên tới 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xây gần xong phần thô khu đình chợ và cơ bản hoàn thành 1 dãy 10 ki ốt thì dự án bị "đứt gánh" do huyện và tỉnh thẩm định lại. Nhận thấy, xã Hưng Phúc chỉ có hơn 4.000 dân trong khi đã có 2 chợ ở 2 xã Hưng Thịnh và Hưng Châu kề bên nên cấp có thẩm quyền quyết định đưa dự án chợ Hưng Phúc ra khỏi quy hoạch chợ nông thôn mới.

Trong khi chợ Mường Phăng, chợ Nhạo Sơn… chính quyền địa phương vận động rất nhiều nhưng người dân không vào chợ để buôn bán kinh doanh thì mới đây tại xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang lại xảy ra nghịch cảnh chợ được xây dựng nhưng vẫn bị bỏ hoang trong khi nhiều hộ tiểu thương ở địa phương này không có nơi mua, bán phải ngồi ngoài lề đường, gây cản trở giao thông mất mỹ quan. Nguyên nhân do thiếu vốn nên một số hạng mục phụ kèm theo như: Hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy… chưa được đầu tư nên chưa thể đưa vào hoạt động.

Nguyên nhân từ đâu?

Tại nhiều địa phương, tình trạng chợ nông thôn có mức đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng nhưng bỏ hoang hoặc chưa thực sự mang lại hiệu quả là điều không khó gặp. Mặc dù các địa phương được đầu tư chợ đã vận động nhân dân vào chợ họp nhưng cũng đều chung lý do một phần sợ mất tiền phí nhưng nguyên nhân chính vẫn là do bán hàng trong chợ sẽ vắng người mua, bởi tính tiện lợi trong việc giao thương.

Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố chính khiến các chợ nông thôn không được sử dụng hoặc sử dụng không hết công năng là đầu tư quá lớn so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là do trong quá trình đầu tư, nhiều địa phương không khảo sát kỹ về nhu cầu cũng như địa điểm đầu tư, không lấy ý kiến người dân. Ðiều này cho thấy, việc đầu tư xây dựng chợ chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch, nhu cầu của người dân, cũng như sự tính toán thiếu hợp lý.

Trước đây, chợ là một tiêu chí bắt buộc khi quy hoạch nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế không phải xã nào cũng phải có chợ vì người dân ở đó không có nhu cầu hoặc nhu cầu quá ít, khi xây xong, chợ không phát huy hiệu quả. Năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4800 về việc hướng dẫn thực hiện và xét tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đến năm 2020. Quyết định này đã gỡ bí cho các địa phương phấn đấu xây dựng nông thôn mới khi quy định, xã có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng hoặc xã không có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong quy hoạch thì sẽ không xem xét Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới được thực hiện trên cơ sở xem xét, đánh giá các Tiêu chí còn lại trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để đưa ra được giải pháp vừa phù hợp với thực tế, vừa giảm khó khăn, cấp ủy và chính quyền các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác quy hoạch, xây dựng. Với các địa phương chưa có chợ hoặc đang có kế hoạch xây dựng chợ cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng trong việc quy hoạch, khảo sát, thiết kế để tránh tình trạng lãng phí trong đầu tư chợ nông thôn như đã xảy ra trong thời gian qua.

Để hoàn thành Tiêu chí số 7, nhiều địa phương đã phải cố gắng tìm nhiều nguồn kinh phí khác nhau để giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng chợ. Vì vậy, các địa phương, cùng các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc tìm giải pháp thích hợp, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tiểu thương vào buôn bán tại những chợ mới xây, dẹp chợ tạm, chợ cóc...

Nguyễn hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-phi-cho-nong-thon-133902.html