Lắng nhịp phố xưa

Cùng với 36 phố phường Kẻ Chợ - Thăng Long đã làm nên cái chất riêng có của đất Kinh kỳ, Hà Nội có những phố phủ, phố huyện, phố chợ ăm ắp trầm tích thời gian. Phố chợ Xốm là một ví dụ. Mái xưa cũ, gợi hoài niệm một thời với chiếc xe tay chở người, xe bò gỗ chở đồ, vài ba cửa hàng buôn bán nhỏ bé và những gương mặt lam lũ giữa đời thường. Nhịp sống thân thương của con phố bao đời đang thay đổi và mỗi người đều có thể cảm nhận từng ngày...

Ký ức chưa xa

Phố Xốm một thời là ấp, là trang còn gọi là trang Thanh Lãm (theo thần phả của làng Thanh Lãm). Nơi đây có nghề canh cửi, con gái chuyên dệt lụa tiến vua, con trai học hành đỗ đạt ra làm quan cho triều đình. Ở cái đất thị tứ (nơi cộng đồng dân cư buôn bán sinh sống mang tính bộ lạc) nho nhỏ này, người ta đào được trống đồng, mũi tên đồng từ thời Hai Bà Trưng. Có truyền thuyết về Nội thị tướng quân Phùng Thị Chính, Đinh Cống, Đinh Lượng đều là danh tướng của hai Bà. Ăm ắp những câu chuyện truyền kỳ, phố Xốm như một nốt trầm lặng lẽ.

Phố Xốm hôm nay.

Bà Đặng Thị Tục năm nay 92 tuổi kể chuyện: Quãng cuối thế kỉ XIX, có tên cướp khét tiếng tên là “Tợp” quê bên Bình Đà, thấy người dân vùng chợ Xốm có của ăn của để bèn cùng đàn em lân la cướp bóc. Dân phố Xốm không vừa, hai ông Đặng Như Khôi và Phạm Đình Thanh giỏi võ nhất chợ đã quần thảo và bắt sống tên “Tợp” nhưng vì tên này to khỏe, võ nghệ cao cường nên hai ông cũng bị thương rất nặng rồi mất. Bị trói gô, tên “Tợp” ngửa mặt lên trời than: Đời ta chưa biết thua ở đâu, nay lại bị chết đuối đọi đèn, chết rét quạt mo! Từ đó dân trong vùng có câu “Chơi với Xốm không ốm cũng què”. Người dân phố Xốm đã thờ hai ông Khôi, Thanh tại đình làng, cúng tế vào dịp 1-4 âm lịch (cúng cầu mát). Chợ Xốm còn có một ngôi chùa rất thiêng quen gọi là chùa ông Tư Đình. Phường trộm cắp chó mèo không bao giờ dám bén mảng đến đây vì đồn rằng cứ chạm vào vật gì thì về nhà cũng bị phát bệnh dại.

Xe tay bắt đầu xuất hiện ở đây cùng thời với xe Hà Nội. Ông Lê Đình Thành cho thuê kéo từ Ba La về phố Xốm và tỏa đi khắp nơi. Hàng hóa bày bán ở phố Xốm vào thế kỉ XIX chủ yếu do chính tay người dân làm ra như: Áo tơi làm bằng cói, rạ, hoặc sang hơn là lá cọ; nơm, giỏ, hàng xén... Trên các chõng tre làm sạp hàng là những mớ rau còn ướt sũng sương đêm cùng đủ thứ củ, quả của những mảnh vườn xung quanh phố Xốm, ở các làng Quang Lãm, Thuần Lãm, Huyền Kỳ... Những quả bí đỏ to tròn, bí đao, mướp dài thượt rồi những mớ rau cải xoong, rau bí, rau rút xếp từng chồng cao… cho người ta những liên tưởng đẹp đẽ về những thảm xanh ở thôn quê Bắc Bộ. Còn người buôn bán phải dậy từ tờ mờ sáng, đi đến các làng mua rau, củ, quả rồi gánh về hoặc chất tất cả lên những chiếc xe bò cũ kĩ, lộc cộc chở về chợ Xốm bán mua.

Phố Xốm xưa là vậy, vào những thập niên 90 của thế kỷ trước, phố Xốm bắt đầu trở mình theo dòng chảy của kinh tế thị trường. Lúc đó mẹ tôi ký hợp đồng với Hợp tác xã Phú Lãm cho thuê bán cửa hàng Bách hóa tổng hợp phục vụ người dân đủ thứ, từ cái kim, sợi chỉ đến quần áo, chăn ga, gối đệm, đồ điện... Tôi được giao nhiệm vụ ngủ lại trông cửa hàng cho mẹ nên hiểu được phần nào chuyển động đổi thay của phố Xốm.

Phố Xốm hôm nay

Cách nay mấy năm, phố Xốm của tôi vẫn là đất thuần nông, đồng xanh cò bay thẳng cánh. Người dân chỉ biết trông cậy vào luống rau, ruộng lúa, mở mắt đã ra đồng cặm cụi đến khi mặt trời lặn, sương vương áo mới trở về. Đến nhà lùa vội bát cơm, “ba xoa, hai đập” là lên giường, chẳng biết đến xem phim, nghe ca nhạc là gì. Lũ trẻ con như chúng tôi cũng phải làm và tối đến, cơm xong lại xếp sách vở vào cặp rồi đi ngủ nên chẳng mấy đứa học giỏi. Cuộc sống lúc đó bình yên nhưng nghèo quá.

Bây giờ thì khác xưa quá rồi! Từ dạo giá cả nhà đất tăng “chóng mặt” theo những “cơn sốt” của thị trường, một số gia đình bán được giá, có chút vốn liếng, mở rộng kinh doanh buôn bán, đời sống dần khấm khá. Nhà nào cũng có tivi, đầu đĩa, xóm phố rộn ràng tiếng nhạc, tiếng hát. Chợ Xốm cũng đông vui rộn rã bán mua. Và cứ đến mùa bóng đá, đám trai tráng trong phố lại tụ bạ hò hét cổ vũ cũng có thắng thua chút đỉnh nhưng không có cá độ như ở phố lớn.

Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, phố Xốm trở thành phường Phú Lãm của quận Hà Đông. Trường Đại học Đại Nam và Cao đẳng Kỹ thuật thương mại được dựng lên, học sinh, sinh viên ngày càng đông. Rồi những công ty, cơ sở sản xuất hiện đại được mở ra thu hút một lượng lớn công nhân... Những cửa hàng bày bán đủ thứ vật dụng hằng ngày, những dãy nhà trọ cho thuê ngày càng dày thêm… Phố Xốm thêm sầm uất! Trong nhịp sống hiện đại, phố Xốm của tôi đã đổi thay với một tốc độ đáng kinh ngạc.

Lắng hồn cùng phố

Phố Xốm nhẹ nhàng trong mỗi sớm thu, mùi thơm ngai ngái của cỏ mật từ những thửa ruộng ven đường, tiếng hút thuốc lào lóc xóc của quán nước mở sớm hòa cùng tiếng xe máy, xe đạp hối hả của những người đến chợ... Nhưng đến trưa đã là một không gian khác, nắng gắt xuyên qua kẽ lá tạo thành tấm vải kẻ sọc trên đường. Những người công nhân uể oải cùng bữa ăn vội vàng bên hè phố, những ánh mắt tư lự vô hướng cùng sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt.

Chiều về, nhìn dòng người qua lại ngược xuôi, ken đặc cùng ôtô, xe máy, những gánh hàng rong, sải bước chân trên đoạn đường thân thuộc, bất chợt, có cảm giác như đang bước qua sợi chỉ ranh giới giữa những nét kiến trúc cũ và hiện đại (có thể kể từ đợt chợ bị cháy năm 2015). Chân phải bước lên mà như thể đã cách chân trái một thời kì, một sự khác biệt rõ rệt trong lòng phố. Khu phố khang trang, trầm lặng đứng trước sân nhà - bên cánh cửa gỗ đã ngả màu thời gian, những cụ già ngồi bên chén nước chè nhớ lại chuyện xưa. Và một cô cháu gái thướt tha tà áo dài sau buổi tan trường như mang về những hoài niệm ký ức...

Đêm. Phố Xốm sáng đèn, sau một ngày làm việc với những lo toan, mỗi người đã có thể thư thả trong không gian gia đình. Và nếu cùng nhau dạo phố trong tiếng nói cười, tiếng xe, tiếng đài hai bên đường, có thể cảm nhận nhiều điều về một con phố trẻ trung, căng sức sống.

Phố Xốm của tôi là thế, đơn giản và dễ cảm nhận. Những đổi thay của đời sống hiện tại dường như không phá vỡ lối sống, tâm hồn của người dân nơi đây. Và điều đó đã làm nên: Phố Xốm trong tôi!

Nguyễn Hữu Tiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/892633/lang-nhip-pho-xua