Làng ngư dân tỉ phú

Đội tàu cá hiện đại cùng với tính chuyên nghiệp trong sản xuất làm cho những làng biển ở Hoài Nhơn ngày càng có nhiều tỉ phú.

Xuân này, đến với những làng chài ở huyện Hoài Nhơn – địa phương chiếm tới 90% sản lượng khai thác cá ngừ ở Bình Định, mọi người sẽ dễ dàng chứng kiến sự đổi thay trong tư duy làm ăn và đánh bắt cá ngừ của ngư dân nơi đây. Đội tàu cá hiện đại cùng với tính chuyên nghiệp trong sản xuất làm cho những làng biển ở Hoài Nhơn ngày càng có nhiều .

Lão ngư Nguyễn Được hướng dẫn tàu cá ngoài khơi vào cảng cá Tam Quan.

Lão ngư Nguyễn Được hướng dẫn tàu cá ngoài khơi vào cảng cá Tam Quan.

Lão ngư Nguyễn Được, ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn - là người hướng dẫn các thuyền trưởng đưa tàu câu cá ngừ đại dương cập cảng cá Tam Quan. Ông được xem là những người đầu tiên hành nghề câu cá ngừ đại dương ở làng biển Tam Quan Bắc. Trải qua bao nhiêu năm làm nghề câu, năm vừa qua là năm thành công nhất của gia đình ông do áp dụng bảo quản cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản.

"Nhật Bản hướng dẫn ngư dân mình làm kỹ thuật để làm sao ướp con cá cho nó tươi nên được giá. Vì vậy hiện nay, Tam Quan Bắc, Tân Thành 2 nhiều người khấm khá sắm tàu to, xây nhà nuôi yến nhiều" - Lão ngư Nguyễn Được chia sẻ

Cá ngừ đại dương được ngư dân đánh bắt đưa vào cảng cá.

Theo ông Được, ở làng biển Tân Thạnh 2 bây giờ, nghề câu cá ngừ đại dương phát triển rất mạnh với 500 hộ. Nhiều ngư dân tậu được 5, 7 chiếc tàu cá công suất lớn, tài sản cả chục tỷ đồng.

Ngư dân Kiệt Văn Lực, chủ 2 tàu cá công suất 530 và 710 CV khoe chuyện làm ăn ngày càng phát đạt. Năm ngoái, 2 con tàu của ông đi được 9 chuyến biển. Mỗi chuyến câu được từ 1 tấn đến 1 tấn rưỡi cá ngừ, giá cá ổn định 130 triệu đồng một tấn. Sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Lực cũng dành dụm được dăm ba trăm triệu, bạn tàu ăn Tết rôm rả.

Hối hả đưa cá lên bờ sau một chuyến biển.

"Tôi cũng học qua mấy lớp đào tạo, được hướng dẫn để khi đánh bắt được cá thì bảo quản làm sao cho tốt, như vậy thì các đại lý mua của mình không bị trừ cân. Tiêu thụ tốt hơn mọi khi, giá ổn định hơn. Tôi chưa thống kê cả năm nhưng ước chừng cũng được khoảng mưới mấy - 20 tấn. Thu nhập cũng kiếm được vài trăm triệu sau khi trừ chi phí, chia cho thuyền viên, còn lại phần chủ nghề" - anh Lực cho biết.

Chịu khó làm ăn, chắt chiu dành dụm, biển đã không phụ lòng người. Từ chỗ đi làm thuê trên tàu, nhiều ngư dân đã mua được tàu to máy lớn, xây biệt thự khang trang trên làng biển quê mình. Và quan trọng hơn là tư duy làm ăn của ngư dân cũng thay đổi đáng kể. Bà con đã đầu tư mua sắm các thiết bị giám sát hành trình, máy định vị, có sổ nhật trình ghi chép, khai báo với cơ quan Biên phòng khi đi biển. Anh em đều thay nhau trực canh lên máy nhắn tin báo về trạm bờ vị trí đánh bắt, tránh vi phạm về đánh bắt bất hợp pháp.

Biệt thự của ngư dân bên cảng cá Tam Quan.

Tho ngư dân Nguyễn Văn Lý, chủ tàu 2 tàu cá BĐ - 97378 và BĐ - 95265: "Ngư dân của mình đây là chủ động làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều. Tết năm nay rất khá vì chuyến biển vừa rồi đèn nào cũng “có gạo” hết, thu nhập khá. Vợ con ở nhà cũng phấn khởi, trăng biển vừa rồi trúng mánh hết...".

Ngay những ngày đầu Xuân mới, nhiều ngư lại giương buồm ra khơi. Ngư dân Võ Thành Công, thuyền trưởng tàu cá BĐ 97440 đã nhiều năm lênh đênh ngoài khơi ăn Tết trên biển. Giữa mênh mông trời biển, anh Công vẫn mang theo đầy đủ những món ăn nồng ấm hương vị quê hương.

Làng biển Tân Thạnh 2 bây giờ.

"Ăn Tết trên biển nhưng những món ăn ở quê hay dùng vẫn đầy đủ. Ngày mồng Một và đón Giao thừa cũng chúc Tết qua lại rồi cùng quây quần trên chiếc thuyền. Anh em tự tạo không khí vui tươi, phấn chấn để hoàn thành chuyến biển cho tốt đẹp. Nếu gặp thì mồng 8 vào, còn nếu kém thì 12, 13 mới vào".

Ngày Tết, giữa nghìn trùng biển khơi, tàu cá vẫn thẳng tiến vươn xa. mang theo nỗi nhớ quê nhà khi mùa xuân đang về./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/lang-ngu-dan-ti-phu-871412.vov