Lắng nghe ý dân

Ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã xin lùi Dự án Luật Giáo dục sửa đổi đến kỳ họp thứ 7 mới trình lại sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dẫu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định dừng mà mới chỉ đạo cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện; song 'bước lùi' của Bộ trưởng Nhạ là một việc làm thận trọng để tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân.

Siết chặt thi cử để lấy lại công bằng cho thí sinh. Ảnh: Quốc Anh.

Lý do được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin lùi là để “ tiếp tục lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi” và đặc biệt riêng vấn đề thi “sẽ có những cuộc hội thảo lớn để tạo sự đồng thuận cao từ phía nhân dân để Luật thật sự có chất lượng”. Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra trong bối cảnh một cuộc “rượt đuổi điểm số”, sau Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, và tiếp đến là Hòa Bình đang vươn lên dẫn đầu là địa phương có học sinh đạt điểm cao thi vào các trường thuộc lực lượng vũ trang.

Câu chuyện gian lận thi cử xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua thực sự gây sốc cho toàn xã hội. Làm gì để ngăn chặn tiêu cực thi cử, lấy lại công bằng cho những thí sinh “học thật thi thật” được nằm ở sau lời giải xuất phát từ 2 yếu tố là con người và thể chế được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục sửa đổi. Nghĩa là phải dùng quy chế giám sát để không thể gian lận.

Thi chỉ là một phần của giáo dục bên cạnh chương trình, dạy và học nhưng qua đó cũng phần nào nói lên chất lượng dạy và học. Nhưng những sự gian dối, những sự gian lận đang ngược lại với kết quả dạy và học. Dạy và học chỉ là thực chất khi thi thực chất. Mặt khác, ngay trong vấn đề thi THPT, hiện Luật Giáo dục sửa đổi vẫn đang còn loay hoay giữa bài toán thi hay không tổ chức thi? Hoặc nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này? Điều đó cho thấy, ngay bản thân những người làm chính sách, cơ quan soạn thảo còn đang lúng túng chưa chọn được phương án tối ưu để luật hóa. Bởi khi đã định rồi, khó có thể có đường lùi.

Chính vì vậy, từ thực tiễn kỳ thi THPT năm 2018 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã cho rằng, cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, nghiên cứu lại kỳ thi, lấy thêm ý kiến để chọn ra giải pháp tạo sự ổn định, sau khi chính ông đưa ra dẫn chứng: “Chúng ta trước đây học cả phổ thông và đại học mà đều thấy tốt. Lúc đó, đất nước còn nhiều khó khăn, trình độ năng lực, phương tiện và điều kiện vật chất cho thi cử khó khăn hơn mà làm tốt. Giờ cái gì cũng hơn nhưng cứ thế, năm này qua năm khác cứ thay đổi, phụ huynh rất vất vả trong chuyện này”.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Sau khi xảy ra tiêu cực thi cử vừa rồi, nhân dân rất quan tâm Luật này. Không thể không lấy ý kiến rộng rãi vì vấn đề “đụng” tới từng nhà. Từ Dự án Luật sửa đổi một số điều thành Dự án Luật sửa đổi toàn diện cho nên giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó tổng hợp, hoàn thiện trình Quốc hội. Đổi mới là cần thiết nhưng cần ổn định, đừng năm nào được năm đấy”.

Hôm qua (9/8), tại cuộc tọa đàm: “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch”, TS phương pháp giảng dạy toán Lê Thống Nhất đã nhắc đến một “cú sốc” đối với chính bản thân ông khi lâu nay người ta nghĩ tội phạm thường có trong những lĩnh vực khác, không phải trong giáo dục. “Nhưng những vụ việc vừa rồi là cú sốc cho các thầy cô, em học sinh. Những sự việc ấy thật sự đau xót, phẫn nộ khi tội phạm là nhà giáo còn đau xót hơn những tội phạm trong lĩnh vực khác. Những con người ấy đáng lên án” - ông Nhất nói cùng với một đề nghị phải có hình thức xử phạt phải nghiêm minh, để tất cả ai liên quan tới thi cử ở Việt Nam để không dám gian lận nữa. Bởi ta có cố gắng bao nhiêu thì kẻ xấu vẫn có. Vì vậy phải dùng quy chế, công nghệ, giám sát để không thể gian lận được.

Còn PGS. TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII đã nói “không còn gì để bình luận”. Bản thân bà đưa ra đánh giá: Nhìn hình ảnh diễn ra trước hàng triệu đôi mắt trong trẻo của các em học sinh khi phải chứng kiến cảnh thầy cô bị “tra tay vào còng”, khi mà trước đó vẫn cầm phấn giảng dạy. Đây là những con sâu mà chúng ta phải loại bỏ để năm sau không lặp lại. Do đó, cần có giải pháp cơ bản và cốt lõi hơn để thay đổi.

Sốc, phẫn nộ hay đằng sau nó là một sự ám ảnh. Nhưng chỉ có thể khắc phục bằng việc tạo ra một thể chế, một quy trình giám sát để không thể gian lận. Điều đó đang đặt ra những bài toán cần được luật hóa trong Luật Giáo dục sửa đổi lần này. Khó thể đưa ra một sự so sánh trong hai hoàn cảnh khác nhau lại có những kết quả khác nhau được - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói. Nhưng nhìn ở góc độ làm chính sách vĩ mô, đây là Dự án Luật tác động lớn đến mọi đối tượng và toàn xã hội được nhân dân, cử tri và ĐBQH quan tâm khi cả nước có đến 20 triệu người là học sinh, sinh viên. Luật là sự điều chỉnh các mối quan hệ của cuộc sống, chính sách chỉ đem lại hiệu quả khi phản ánh hơi thở của cuộc sống, khi xuất phát từ thực tiễn. Bên cạnh việc đổi mới chương trình, đổi mới việc dạy và học, đổi mới thi, thì điều cần nhất vào lúc nào chính là đổi mới tư duy từ những con người làm chính sách. Muốn vậy, lắng nghe ý kiến nhân dân để điều chỉnh chính sách là việc làm thận trọng hơn hết vào lúc này. Để chuyện thi cử không còn là tốn kém, không còn là áp lực, và hơn hết là không bị “điều khiển” theo ý muốn không tích cực. Cùng với việc chấn chỉnh từ đội ngũ giáo viên, những vấn đề lớn, chính sách cụ thể cần thêm thời gian phân tích, đưa ra giải pháp khả thi trong điều kiện bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta. Và có lẽ, việc dừng lại để lắng nghe ý dân trước khi thông qua Luật là một sự cần thiết.

Nói như lời Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì: “Đây là vấn đề liên quan đến toàn dân, tác động lớn tới toàn xã hội cho nên cần lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Chúng ta đã có Luật Trưng cầu ý dân rồi nhưng việc lấy ý kiến nhân dân chưa được quan tâm lắm. Do đó cần lấy ý kiến để làm cơ sở quyết theo lòng dân, và nhân dân sẽ đánh giá cao quyết sách của Quốc hội”.

Hoài Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/lang-nghe-y-dan-tintuc412280