Lắng nghe và hành động nhiều hơn vì trẻ em

Từ những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chu đáo, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã góp phần tạo dựng được môi trường sống an toàn, lành mạnh, đảm bảo cho trẻ em được hưởng đầy đủ quyền học tập, vui chơi, chăm sóc sức khỏe tốt.

Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2020. Ảnh: Hải Hà

Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2020. Ảnh: Hải Hà

Có thể nói, đa dạng hóa các mô hình thiết thực tại cộng đồng là cách làm được Quảng Ninh chú trọng để triển khai sâu rộng, có hiệu quả cao trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em suốt nhiều năm qua. Thay vì một công thức chung cứng nhắc, mỗi địa phương, vùng miền trong tỉnh lại rất linh hoạt lựa chọn áp dụng mô hình phù hợp với đặc thù văn hóa, xã hội của mình. Từ đó nhằm lắng nghe và hành động đầy đủ, phù hợp nhất cho lớp trẻ em trên địa bàn quản lý.

Riêng về lĩnh vực can thiệp, trợ giúp trẻ em, toàn tỉnh hiện có 8 mô hình lớn. Mục tiêu hoạt động của các mô hình là nâng cao nhận thức, giảm sự kỳ thị trong cộng đồng, tạo sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, lâu dài đối với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (hộ nghèo, khuyết tật, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tự kỷ, đang trong và sau giáo dưỡng...).

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (TP Cẩm Phả) tham dự buổi tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường với sự tư vấn của cán bộ Công an thành phố.

Điển hình như mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” với 7 gia đình tại Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên hiện đang nuôi dưỡng 7 trẻ. Ngoài ra còn có 200 gia đình khác cũng đã được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo đầy đủ các điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Từ đó có kế hoạch triển khai, giám sát chặt chẽ, an toàn, đúng quy định và mục tiêu đề ra.

Hay như mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” đang được triển khai tại Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả với 4 CLB lớn. Thành viên của CLB bao gồm những phụ huynh đang nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Hoạt động chính là duy trì kết nối giữa các gia đình để sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống; đặc biệt là phổ biến rộng rãi những kiến thức, kỹ năng sống phù hợp để chung tay phòng ngừa nguy cơ từ HIV/AIDS với trẻ em.

Lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại xã Hồng Phong (TX Đông Triều).

Cùng với đó, để cụ thể hóa việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em, toàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình lớn, như: “Đội tuyên truyền măng non” tại toàn bộ 194 liên đội các trường THPT, THCS của 13 địa phương; các CLB “Quyền tham gia của trẻ em” được thành lập và hoạt động thông qua hướng dẫn của các hội đồng đội cấp huyện; mô hình “Nâng cao nhận thức về nạn ấu dâm”, “Nhận biết, phòng tránh tệ nạn ma túy” tại các trường THCS trên địa bàn Quảng Yên, Đông Triều; mô hình về bảo tồn một số cây thuốc nam quý hiếm tại Trường THCS thị trấn Ba Chẽ và Trường Dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ...

Vào dịp hè hằng năm, công tác trẻ em được tập trung vào việc tổ chức kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Theo đó, các địa phương từ cấp huyện đến các khu dân cư tiến hành sát sao việc triển khai lập danh sách bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn.

Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội phối hợp chặt chẽ để tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè vui tươi, bổ ích, phù hợp, đặc biệt là trang bị cho trẻ kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình thông qua các lớp dạy bơi, an toàn khi tham gia giao thông...

Học sinh trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long) tham gia tiết học kỹ năng sống về xử lý tình huống bị bắt cóc. Ảnh: Thu Nguyệt

Hằng năm, Tháng hành động vì trẻ em vẫn là dịp cao điểm để các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, gia đình và cộng đồng đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động, lan tỏa thông điệp về chung tay bảo vệ lớp thế hệ măng non.

Năm 2020, Tháng hành động có chủ đề là “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Theo kế hoạch của UBND tỉnh (số 67/KH-UBND ngày 17/4/2020), các hoạt động hưởng ứng trong toàn tỉnh sẽ tập trung vào nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em, giúp các em được sống trong môi trường an toàn, có cơ hội tiếp cận bình đẳng với những dịch vụ xã hội để phát triển toàn diện.

Nhìn chung, trẻ em toàn tỉnh đã được tạo điều kiện về mọi mặt để phát triển thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều em sống tại các vùng khó khăn, các gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt vẫn đang rất cần sự chung tay, góp sức thường xuyên của cộng đồng.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/lang-nghe-va-hanh-dong-nhieu-hon-vi-tre-em-2486179/