Lắng nghe trẻ em phản biện người lớn

Người lớn hay nghĩ trẻ em là 'con nít', chỉ biết ăn, chơi, học, biết gì mà ý kiến. Suy nghĩ này là sai lầm nếu như được tham dự một cuộc họp của Hội đồng trẻ em. Nhiều nhóm vấn đề vốn là nỗi bức xúc của người lớn như: Tình trạng kẹt xe, ngập nước, rác thải ô nhiễm môi trường, phương tiện giao thông công cộng chưa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường… đều đã được trẻ em đề cập tới.

Kỳ họp thứ nhất Hội đồng trẻ em TP HCM ngày 22/6/2017.

Kỳ họp thứ nhất Hội đồng trẻ em TP HCM ngày 22/6/2017.

Hội đồng trẻ em (HĐTE) là mô hình thí điểm giai đoạn 2017 – 2020 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập theo tinh thần Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời nhằm thực hiện Luật Trẻ em và thực hiện có hiệu quả việc phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em.

Cuối tháng 1/2021 đã diễn ra Hội nghị tổng kết triển khai thí điểm mô hình HĐTE giai đoạn 2017 – 2020. Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mô hình HĐTE là thành công nhất, vượt hơn cả mong đợi.

“Chúng em thấy, chúng em bàn”

TP HCM là đơn vị đầu tiên của cả nước chính thức ra mắt HĐTE và tổ chức kỳ họp lần thứ nhất vào ngày 22/6/2017. HĐTE TP HCM gồm 55 đại biểu trẻ em thuộc nhiều đối tượng, lĩnh vực có thành tích học tập tốt, đạo đức tốt, tài năng trẻ… được bình chọn từ các đơn vị cơ sở. HĐTE họp mỗi năm hai lần với từng chủ đề riêng cho từng kỳ họp.

Ở kỳ họp đầu tiên ngày 22/6/2017, các thành viên cùng trao đổi xoay quanh chủ đề “Thành phố tương lai của em”. Nhiều nhóm vấn đề đã được các đại biểu HĐTE nêu lên tại kỳ họp thứ nhất cũng là nỗi bức xúc của người dân TP HCM hiện nay như: Tình trạng kẹt xe, ngập nước, rác thải ô nhiễm môi trường, phương tiện giao thông công cộng chưa đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, chưa đáp ứng kỳ vọng của người sử dụng…

Em Đồng Vân Anh cho rằng, không chỉ phân loại rác đầu nguồn mà còn phải phân loại rác cuối nguồn. “Chúng ta khuyến khích phân loại rác đầu nguồn nhưng lại thu gom chung trên một xe rác thì có khác gì chưa phân loại” - Vân Anh nêu ý kiến. Độc đáo hơn, các em còn nêu ý kiến cho phép các bạn nhỏ tham gia quét dọn rác để thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân vệ sinh, để từ đó tự ý thức không xả rác bừa bãi.

Bên cạnh đó, các em còn nêu ra những vấn đề rất trẻ em, rất thiếu nhi như: Sân chơi, nhà sách, cha mẹ hạn chế mắng mỏ, so sánh… Em Linh Đan phát biểu: “Chúng em muốn có một nhà sách ở huyện Cần Giờ vì ít khi có điều kiện lên thành phố mua sách. Trước đây Cần Giờ đã từng có nhà sách nhưng hiện đã dẹp rồi và vị trí này giờ trở thành tiệm game”…

Được biết, tính từ ngày thành lập đến nay, HĐTE TP HCM đã có 6 kỳ họp với chủ đề riêng cho mỗi kỳ. Những chủ đề này do chính các đại biểu hội đồng chọn dựa trên tỉ lệ phần trăm lĩnh vực các bạn bình chọn sau khi kết thúc kỳ họp lần này và chuẩn bị chủ đề cho kỳ họp lần tiếp theo. Có thể nói chủ đề các kỳ họp đã qua phong phú và rất thời sự: Ô nhiễm môi trường, học lịch sử, phòng chống bạo hành trẻ em, hoạt động văn hóa cho trẻ.

Sẽ tiếp tục nhân rộng

Hội đồng Đội trung ương cho biết, sau 3 năm triển khai, từ 5 mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, cả nước đã xây dựng được 14 mô hình HĐTE cấp tỉnh và 17 mô hình HĐTE cấp huyện.

Mô hình HĐTE đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng; tạo cơ hội, môi trường, diễn đàn để trẻ em được phát huy quyền tham gia đến các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Trao đổi với truyền thông, bà Nguyễn Phạm Duy Trang - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội trung ương - cho biết bà đã dự nhiều kỳ họp của HĐTE TP HCM và sau mỗi kỳ lại thấy sự chững chạc, trưởng thành hơn của các đại biểu.

Theo bà Trang, các thành viên HĐTE đã thể hiện rõ vai trò đại biểu của mình khi biết quan sát, tổng hợp vấn đề phù hợp với chủ đề từng kỳ họp, đồng thời đề xuất giải pháp cho những câu hỏi đặt ra. Lắng nghe và biết phản biện trước những ý kiến của các đại biểu khác rồi cùng bàn thảo để tìm ra cách giải quyết vấn đề hợp lý nhất có thể.

Bà Đoàn Thị Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Yên Bái - cho rằng, mô hình HĐTE thực sự bổ ích vì đã trang bị nhiều điều cho trẻ em. Thông qua mô hình, các em mạnh dạn, tự nhiên trình bày nhiều vấn đề. Các em đã nói lên ý kiến của mình mà không hề e dè. Từ tính thiết thực, bổ ích của mô hình, bà Thanh Tâm kiến nghị mô hình này nên được triển khai đến cấp huyện để các cấp, các ngành dễ tiếp cận và dễ lắng nghe tiếng nói các em hơn.

HĐTE cũng là nơi rèn cho nhiều bạn nhỏ trưởng thành. Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP HCM Mai Hải Yến hiện là cán bộ Đoàn chủ chốt Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6).

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết triển khai thí điểm mô hình HĐTE giai đoạn 2017 – 2020 vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - đánh giá cao kết quả đã đạt được của mô hình hoạt động.

“Có thể nói, trong thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 1235 của Thủ tướng Chính phủ, mô hình HĐTE là thành công nhất, vượt hơn cả mong đợi. Ban đầu chỉ chọn thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, hiện đã có tới 14 tỉnh, thành phố có HĐTE. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các tổ chức như UNICEF và Plan Việt Nam, hiện đã thành lập được 17 mô hình ở cấp quận, huyện. Trong thời gian tới, mô hình HĐTE sẽ được tiếp tục phát triển và nhân rộng tại các tỉnh, thành phố khác trên khắp cả nước” – bà Nga nhấn mạnh.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/lang-nghe-tre-em-phan-bien-nguoi-lon-573201.html