'Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động'

'Trẻ em chúng cháu khát khao được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện. Chúng cháu cũng mong muốn có những tổ chức bảo vệ giúp đỡ và hỗ trợ mỗi khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống, được trang bị giáo dục những kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân mình'.

Đó là những chia sẻ của em Lê Trà My - học sinh lớp 8B trường THCS Thọ Sơn, Việt Trì (Phú Thọ) đại diện cho trẻ em của tỉnh Phú Thọ tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2018 vừa diễn ra.

Theo Trà My, trong những năm gần đây quyền trẻ em, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em ngày càng được quan tâm. Các em đã nhận được sự quan tâm chăm sóc, yêu thương, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội; đã được hưởng quyền trẻ em theo quy định pháp luật Việt Nam, các quy định của Công ước quốc tế.

“Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những bạn nhỏ đang phải sống một thế giới mất an toàn và thiếu lành mạnh. Trẻ em chúng cháu vẫn phải đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa như bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước và xâm hại trẻ em”, Trà My nói.

Tháng hành động vì trẻ em gửi đi thông điệp : toàn xã hội chung tay bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em. Ảnh minh họa

Tháng hành động vì trẻ em gửi đi thông điệp : toàn xã hội chung tay bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em. Ảnh minh họa

Thực tế môi trường sống của trẻ em vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: “Mỗi năm cả nước vẫn còn hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện; trẻ em bị tử vong do đuối nước và nhiều tai nạn do sự vô tình của người lớn gây ra. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng hiện nay và thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, với hơn 1/3 số người sử dụng internet là người chưa thành niên và thanh niên tại Việt Nam - môi trường mạng cũng đã và đang tạo ra những rủi ro, nguy hại cho trẻ em”.

Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam - ông Youssouf Abdel – Jelil thông tin: Trên thế giới có hàng triệu trẻ em phải đối mặt với bạo lực, xâm hại, bóc lột cả trong môi trường trực tuyến. Hàng triệu trẻ em khác có nguy cơ phải đối mặt với các hình thức bạo lực như trên.

Ở Việt Nam, theo một thống kê có 68% trẻ em có độ tuổi từ 2-14 tuổi bị xử phạt trong gia đình. Hàng năm có hàng trăm vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo cáo đến các cơ quan chức năng. Bạo lực trẻ em xảy ra ở nhiều nơi kể cả những nơi lẽ ra phải là an toàn cho trẻ em như trường học, gia đình và bạo lực thường do những người thân quen với trẻ gây ra. Điều đáng lo ngại hơn là chỉ một phần nhỏ các vụ việc xâm hại, bóc lột và bạo lực trẻ em được báo cáo và điều tra.

“Tình trạng nêu trên đã đặt ra cho các cơ quan Nhà nước, cấp cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, nhà trường cũng như các tổ chức có liên quan về trẻ em cần phải hành động, quyết tâm nỗ lực nhiều hơn nữa để trẻ em được chăm sóc, được quan tâm, được giáo dục nhiều hơn, được sống, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh hơn”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.

Hơn 20 năm qua, Tháng hành động vì trẻ em thường xuyên được tổ chức là một minh chứng về sự chung tay của toàn xã hội góp phần thực hiện các quyền trẻ em tốt hơn, thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Năm nay với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan, các địa phương trên cả nước tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Hỗ trợ cho gần 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên toàn quốc với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng; tổ chức gặp mặt đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt toàn quốc lần thứ XI; thực hiện các chương trình, dự án cho trẻ em như: Nụ cười trẻ em, Ánh mắt trẻ thơ, Dị tật vận động, Vì trái tim trẻ thơ, học bổng, dụng cụ học tập, xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tuyên truyền về Luật Trẻ em và các văn bản luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em, đảm bảo cuộc sống, an toàn lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số….

Đặc biệt, với các vụ việc nổi cộm, phức tạp, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các cơ quan chức năng kịp thời xác minh, báo cáo để các tổ chức, gia đình, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết theo quy định của Luật Trẻ em và các văn bản có liên quan. “Cần hành động thiết thực, mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa để mọi trẻ em được bảo vệ, được chăm sóc, nuôi dưỡng và được hưởng đầy đủ các quyền của mình”- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà thông tin.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/lang-nghe-tre-em-bang-trai-tim-bao-ve-tre-em-bang-hanh-dong-116108.html