Lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt

Ông Đặng Văn Khoa - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX cho rằng, Mặt trận cần lắng nghe từ nhiều chiều cũng như tôn trọng sự khác biệt. Sự tôn trọng ý kiến khác nhau là con đường ngắn và đúng nhất để đi đến chân lý.

Ông Đặng Văn Khoa.

Ông Đặng Văn Khoa.

PV: Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX đã diễn ra thành công tốt đẹp và mở ra một nhiệm kỳ mới, vậy ông chờ đợi và kỳ vọng gì vào nhiệm kỳ mới?

Ông Đặng Văn Khoa: Về dự Đại hội MTTQ Việt Nam tôi suy tư và kỳ vọng rất lớn nhưng có lẽ không phải sự suy tư và kỳ vọng của cá nhân mà còn là suy tư, kỳ vọng từ sâu thẳm trong biển cả của nhân dân. Trước khi dự khai mạc Đại hội MTTQ Việt Nam tôi cũng đưa một tin trên trang Facbook cá nhân là tôi đi dự Đại hội MTTQ và mình sẽ phát biểu gì đây. Ngay lúc đó đã có khoảng 400 – 500 phản hồi và comment thể hiện sự quan tâm của người dân đối với đại biểu dự Đại hội.

Tất cả các comment đó, chia sẻ đó đều mong muốn người đại biểu nói lên những điều sáng trong, những điều có lợi cho nước cho dân, đặc biệt có rất nhiều comment nói mạnh về vấn đề Biển Đông, và những sự xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông. Trở lại vấn đề hôm nay, từ Đại hội này quá nhiều vấn đề đặt ra mà người đại biểu đại diện cần phải nói lên, cần phải truyền tải mong mỏi của người dân với Đại hội.

Mặt trận là tổ chức rộng rãi, đại diện cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn cho rằng, trước những vấn đề lớn của đất nước cũng như trước những vấn đề phát sinh mà người dân đang rất quan tâm, Mặt trận cần thể hiện rõ chính kiến của toàn dân hơn. Vì sự đồng hành của Mặt trận với người dân đậm hay nhạt, sâu hay nông, lỏng lẻo hay bền chặt chính là ở chỗ này.

Là đại biểu đến từ TP Hồ Chí Minh, một trong những thành phố sôi động nhất nước và cũng là nơi đang có nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội. Để các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận phán ánh được đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân thì theo ông, Mặt trận các cấp cần phải làm gì?

- Đối với TPHCM đặc biệt là ở Thủ Thiêm, hay Khu công nghệ cao… là những câu chuyện lớn lao và đau xót. Đây không chỉ là câu chuyện yếu kém của chính quyền cơ sở mà còn có trách nhiệm của chính quyền thành phố. Nếu Mặt trận làm tốt được vai trò đại diện của dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt được số lượng, dự án một cách đầy đủ và có nghĩa khí nói lên điều phải nói thì câu chuyện Thủ Thiêm không xảy ra.

Ông chờ đợi và kỳ vọng gì vào các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp trong thời gian tới?

- Cách đây vài năm sau 10 năm chờ đợi chúng ta mới có một quy chế: Quy chế giám sát và phản biện xã hội. Quy chế này ra đời là một bệ phóng mở ra một thời cơ mới đồng thời cũng là một thách thức mới của hệ thống Mặt trận. Nếu làm tốt được điều này chúng ta sẽ hình thành nên một đốm lửa, trăm đốm lửa, triệu đốm lửa trong sự giám sát, phản biện xã hội, trong sự tập hợp trí lực của toàn dân trong điều hành nhà nước. Tuy nhiên cũng có một điều đáng lo là chúng ta có bệ phóng này rồi mà chúng ta thực hiện giám sát, phản biện một cách hời hợt, một cách né tránh, một cách qua loa, một cách “nhìn trước ngó sau” thì không những lỡ mất thời cơ tạo nên hào khí Diên Hồng trong đất nước mà còn làm rạn vỡ tấm gương, lòng tin của người dân.

Khoảng 5 năm, 10 năm trước chúng ta đã có những làn sóng đóng góp trí tuệ, trí lực vào các chủ trương, chính sách của Đảng một cách hào sảng nhưng tiếc là những làn sóng đóng góp của người dân đó ít được tiếp thu, ít được đón nhận một cách đầy đủ, một cách đúng mực cho nên không tạo thành một dòng chảy chính trị khuyến khích mà nó trở thành nhỏ bé hơn.

Chúng ta phải lắng nghe, phải tôn trọng sự khác biệt những ý kiến đóng góp của người dân, của trí thức, của kiều bào không chỉ đóng góp vào vấn đề cụ thể dân sinh của Thủ Thiêm, của Khu công nghệ cao, của con đường này con đường kia mà còn cả vấn đề dân chủ. Không phải những vấn đề cụ thể ngày hôm nay mà còn cả con đường phát triển đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Tất cả những ý kiến đóng góp đó đều rất hay và phong phú. Tất cả ý kiến đóng góp đó đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, cái tâm, cái tầm của người dân.

Vậy Mặt trận cần làm gì với những ý kiến đóng góp đó, thưa ông?

- Theo tôi, Mặt trận cần lắng nghe từ nhiều chiều cũng như tôn trọng sự khác biệt. Sự tôn trọng ý kiến khác nhau dù nhiều kiểu cũng là con đường ngắn và đúng nhất để đi đến chân lý. Trên một tinh thần rộng mở, không giáo điều, không quy chụp là điều cần phải làm. Tôi đã được tham gia rất nhiều diễn đàn trong xã hội ở nhiều hệ thống khác nhau nên tôi thấy rằng Mặt trận phải là nơi tốt nhất, là diễn đàn để những tiếng nói đa chiều khác nhau được vang lên, được tôn trọng và chia sẻ.

Đây là thế mạnh của Mặt trận và thế mạnh đó cần được phát huy. Tôi mong Mặt trận sẽ làm được điều đó, tôn trọng sự khác biệt trong thảo luận của các Ủy viên Ủy ban Mặt trận. Điều mà Mặt trận đã làm được trước đây. Tôi cũng mong mỏi rằng Mặt trận của chúng ta trên cơ sở bệ phóng giám sát, phản biện sẽ nhóm lên được hào khí Diên Hồng để người dân mang hết trí lực của mình đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tuệ Phương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/lang-nghe-ton-trong-su-khac-biet-tintuc447963