Lắng nghe tiếng lòng của nghệ nhân...

Diễn ra trong 3 ngày từ 19-22.4 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay đã mang tới nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thú vị.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sự đóng góp rất đặc biệt của hàng trăm đại biểu từ 15 cộng đồng dân tộc của 13 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền cả nước đã thực sự mang lại một bản hòa âm đa sắc.

Đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc tại “Ngôi nhà chung”

Ngày Văn hóa dân tộc Việt Nam năm nay có nhiều nét mới và thu hút nhiều thành phần dân tộc tham gia, trong đó điểm khác là việc tổ chức hoạt động với chủ đề “Bản hòa âm sắc màu” với sự trình diễn các nhạc cụ tạo nên bản hòa âm giai điệu vùng miền do các nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện.

Mỗi một dân tộc có những sắc thái riêng cùng với những hợp âm đa sắc tạo nên một bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam thật sống động. Nhiều không gian văn hóa của các vùng miền được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn như không gian Tây Bắc, không gian Tây Nam Bộ, không gian Tây Nguyên. Ngoài việc tái hiện một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, giới thiệu nghề truyền thống các dân tộc có phần tương tác trình diễn của các nghệ nhân và du khách. Trong đó, du khách có cơ hội được thưởng thức nhiều không gian văn hóa đặc sắc của từng vùng, từng dân tộc như tham dự Lễ hội cồng chiêng của dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), hòa nhịp cùng Tiếng chày trên sóc Bom Bo với làng dân tộc X’Tiêng tỉnh Bình Phước…

Không chỉ khoe với du khách những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, hơn 100 đại biểu là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các cộng đồng dân tộc ở các vùng miền đã chia sẻ tâm tư và đóng góp các ý kiến hữu ích cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc và miền Trung trong khuôn khổ Ngày hội năm nay.

Thấu hiểu hơn khi tre già, măng chưa mọc…

NNND Sầm Văn Dừ, dân tộc Cao Lan, đến từ Tuyên Quang cho biết, ông được thừa hưởng khoảng 200 đầu sách quý từ cha ông để lại, trong đó có rất nhiều sách có nội dung quan trọng, từ các tục lệ, các nghi lễ truyền thống của đồng bào Cao Lan… Từ các tài liệu này, ông đã học và truyền dạy lại cho bà con trong thôn các nghi lễ truyền thống, dạy bà con trong bản những điệu múa, bài hát là di sản của dân tộc. Tuy nhiên, nghệ nhân Sầm Văn Dừ cũng chia sẻ, khó khăn hiện nay là nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ còn chưa mặn mà với văn hóa dân tộc, nên việc vận động bà con tham gia các hoạt động còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những khó khăn về kinh phí để hoạt động cũng là nguyên nhân dẫn đến hoạt động bảo tồn, gìn giữ văn hóa của đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Hy vọng Nhà nước có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

NNƯT Hoàng Tương Lai, dân tộc Tày (Yên Bái) chia sẻ ngày nay, chỉ có lớp người già từ 60 tuổi trở lên là còn mê nghệ thuật dân tộc, còn một bộ phận lớp trẻ ngày càng trở nên xa lạ với nghệ thuật của địa phương, đồng thời không có người truyền dạy… Trong khi đó, nhiều công trình sưu tầm của các nhà nghiên cứu chỉ để lưu giữ, nhiều làn điệu còn đang “nằm kín” trong đầu của những nghệ nhân cao tuổi, những người biết hát thuần thục các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình còn rất ít, một số cụ cao tuổi chỉ nhớ được một số bài, hát được một số làn điệu… Việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống này đang trong giai đoạn cần được các cấp quan tâm thành chương trình kế hoạch cụ thể.

Trước những lo lắng, trăn trở của các nghệ nhân về công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tiếp thu các ý kiến, đồng thời cho biết Bộ cũng đã và đang có nhiều nỗ lực quan tâm tới công tác bảo tồn gìn giữ phát triển văn hóa dân tộc như sắp tới tổng kết việc triển khai Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các ý kiến tại Hội nghị cũng giúp cho Bộ có thêm căn cứ để hoàn thiện về các chế độ chính sách từ thực tiễn gắn với cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng.

Những năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân, có những chính sách để các nghệ nhân tham gia truyền dạy văn hóa cho cộng đồng, đặc biệt là các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống cần quan tâm và có những điều chỉnh trong thời gian tới. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các địa phương cần có sự quan tâm thiết thực hơn nữa đến các nghệ nhân, tạo điều kiện để các nghệ nhân có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa trong việc phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong thời gian tới. Những việc đó có thể bắt đầu từ một số nhiệm vụ cụ thể như tổ chức các lớp truyền dạy chữ viết, dân ca dân vũ, thành lập các đội văn nghệ, các câu lạc bộ theo từng loại hình văn hóa dân tộc nổi trội ở từng vùng miền, từng địa phương, tổ chức nhiều hơn các hoạt động giao lưu văn hóa, phối hợp với cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc giáo dục di sản cho các thế hệ trẻ.

THÚY HIỀN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/artmid/428/articleid/17764/lang-nghe-tieng-long-cua-nghe-nhan