Lắng nghe 'Tiếng dòng sông chảy' của Đức Doanh

Tập thơ có tên 'Tiếng dòng sông chảy' của tác giả Đức Doanh vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý IV/2018. Cữ đầu đông này tôi nhận được tập thơ tác giả gửi tặng cách tập thơ gần nhất chẵn 4 năm mà chợt thấy sự lao động thơ cũng thật khó khăn chứ không phải dễ dãi gì. Khoảng lặng thời gian, khoảng trống của tâm hồn không phải lúc nào cũng có thể hòa nhập để thăng hoa và sáng tạo thi ca.

Trang bìa tập thơ.

Tiếng dòng sông chảy” có 60 bài thơ. Tên tập thơ không phải là bài lựa chọn cho tập, vì thế tôi thấy tiếc vì tên tập chỉ cần “Tiếng dòng sông” đã đủ lắm, đã thơ lắm rồi, tác giả như sợ người đọc không hiểu nên viết đủ là “dòng sông chảy”… Nhưng không sao, dù sạn một chút ở cái tên tập thơ thì vẫn không cản được những tâm sự để tạo nên một không gian nghệ thuật cho riêng tập thơ này. Bởi cả tập đã nói lên nỗi lòng của tác giả bằng thơ khi tác giả trải lòng ở đủ mọi cung bậc ở mọi trạng huống khác nhau, khi day dứt, lúc lạc quan và chan chứa những dòng tự sự của một người thơ với quê hương đất nước, với những riêng chung của cuộc đời đầy biến động này.

Vì là người từng làm mỏ, những trang viết của tác giả về người và đất Vùng mỏ vẫn dâng lên những cảm xúc rất riêng của người thợ mỏ như các bài: Xóm thợ, Thơ tình vùng than, Vàng Danh và nỗi nhớ, Dẫn con thăm lại. Đó là những câu thơ gan ruột khi tác giả đã và đang ở trong miền đất sáng tác ấy. Đó là miền than điện vùng Uông Bí trầm tư: “…Cha nhớ mãi hôm tấn than vỉa mới/ Kể làm sao hết nỗi vui buồn…/ Găm cha vào ký ức/ Một vết sẹo của than/ Hôm nay cha dẫn con thăm lại/ Dấu ấn Vàng Danh một thời sôi nổi…” (Dẫn con thăm lại). Tình yêu gắn bó với mảnh đất mỏ Vàng Danh luôn đau đáu trong trái tim tác giả, ví dụ trong bài Vàng Danh và nỗi nhớ, tác giả như thảng thốt: “Nhớ em anh nhớ Vàng Danh/ Con đường dốc núi chúng mình vào ca/ Ngỡ ngàng ngày ấy vỉa ba/ Lửa lòng anh cháy hay là tại em…”.

Hoặc ở trạng huống khác, có lẽ tác giả thành công hơn ở thể thơ lục bát, những câu lục bát ẩn chứa những điều chỉ thơ mới nói được. Đó là tác giả đau đáu đi tìm người lái đò trên sông Uông. Tác giả viết về cô lái đò năm ấy đã đưa bộ đội qua sông, người lính trở về đi tìm cô gái ấy thì chỉ thấy một trời day dứt: “…Vầng trăng thì vẫn giữa bầu trời xanh/ Bến Dừa xưa mái nhà tranh/ Con đò vắng bóng sông thành ngẩn ngơ/ Tôi tìm em giữa bơ vơ”. Đó là lát cắt thơ đẹp và buồn và ở “Điều gì chưa nói với nhau”, tác giả đã chinh phục người đọc những câu thơ gan ruột, hàm chứa sự triết lý của lẽ đời mau thưa, bàng bạc và đầy những thân phận cô lẻ: “…Bóng xoan đã đổ sang chiều/ Em ngồi đếm ngược biết bao lá vàng/ Phận người như sách sang trang…”. Đây là một cảm quan riêng của tác giả, góp phần cho tập thơ có những bài thơ, câu thơ sáng lên….

Tập thơ chứa đựng những cảm xúc riêng tư của người thơ, người thợ mỏ ấy là những câu thơ dành cho một thế hệ thợ mỏ mới với vai trò là người vợ lính ở đảo Trường Sa. Câu thơ rung lên nhịp đập trách nhiệm công dân và sự chia sẻ của những người thợ mỏ với nhau, dù tôi thấy tác giả viết về người vợ lính đảo ấy với biết bao trìu mến ở tình thợ mỏ nhưng hình như tác giả đã trộn lẫn cảm xúc và đã bị cảm xúc đề tài chi phối đã làm bài thơ bị phân tán trong bài thơ “Người vợ lính ở đảo Trường Sa”: “Hai mươi năm thợ tuyển than/ Hai mươi năm với nhà sàng đắm say…/ Hôm qua chị gửi cho anh/ Lá thư tới đảo trở thành tin vui/ Của chung tất cả mọi người/ Hải quân canh giữ biển trời Trường Sa”. Tôi thấy bài thơ lẽ ra sẽ rất hay lại bị buông rơi trong trạng thái cố gò nội dung thì đương nhiên sẽ bị thất bại ngay là như thế. Giống như ở bài “Chiều hè đường phố bê tông”, chỉ cái tít bài thôi cũng đã không mang nổi sứ mệnh giãi bày của thi ca, khi những câu chữ tác giả cứ nén vào nhau, liệt kê khô khốc. Dù tác giả cố gắng dùng năng lực tự sự thơ để giãi bày nhưng thật khó để bài thơ thành công.

Và, sau hết, tôi biết, tác giả đã tự thốt lên trước áp lực thi cảm khi đứng trước tên một bài thơ, một vấn đề xã hội mà tác giả muốn gửi gắm thông qua cảm xúc thơ thật khó khăn biết nhường nào. Đó là tâm sự gan ruột của một tác giả cả đời bạc tóc với thơ của Đức Doanh khi tác giả thổ lộ trong bài “Cám ơn người”, tác giả viết: “Tôi làm được một bài thơ thật khó nhọc/ Chẳng khác chi con trâu non đang mới tập cày/ Chẳng bao giờ tôi viết được thơ hay…”. Đó là tâm sự chung không chỉ riêng với Đức Doanh, mà trong đó có cả tôi đồng nghiệp hậu sinh của ông, bởi khát vọng thì vô cùng mà trí lực của con người đâu phải dễ có để có thể làm được.

Dù sao, ở tuổi “xưa nay hiếm”, Đức Doanh vẫn không ngừng đi cùng đam mê sáng tác thơ ca. Vì thế là bạn vong niên của tác giả, tôi vẫn chúc tác giả tiếp tục có thể còn trình làng những bài thơ, câu thơ hay cho độc giả trong thời gian tới.

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201901/lang-nghe-tieng-dong-song-chay-cua-duc-doanh-2417699/