Làng nghề thêu long bào Đông Cứu tìm sức bật sau cách ly

Sau 28 ngày thực hiện cách ly xã hội, ổ dịch Covid-19 cuối cùng của Hà Nội ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) được dỡ phong tỏa. Thật khó diễn tả niềm hạnh phúc lâng lâng của người làng nghề khi được trở lại nhịp sống thường nhật...

Tin tưởng làng nghề sẽ "trỗi dậy"

Thời điểm này, do gần một tháng ngưng trệ nên làng nghề chưa thể “vào nhịp” ngay được, những khó khăn đang chờ chính quyền cùng người dân gỡ dần từng bước. Song, ai cũng có niềm tin mãnh liệt vào nết cần cù, chịu thương, chịu khó của mỗi người cùng sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng, làng nghề nơi đây sẽ trỗi dậy mạnh mẽ sau kết thúc cách ly xã hội…

Đón chúng tôi trong niềm vui của ngày đầu dỡ phong tỏa, chị Nguyễn Thị Phường, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đông Cứu, dù rất tất bật với việc tổ chức lại sản xuất của xưởng may gia đình nhưng vẫn nhiệt tình chia sẻ: "Thôn Đông Cứu chủ yếu làm nghề thêu, gia đình tôi là số ít hộ chọn nghề may. 28 ngày cách ly xã hội bởi Covid-19, xưởng may gần như đóng cửa, hơn chục công nhân cũng phải nghỉ việc".

Những ngày phong tỏa đúng vào dịp cao điểm sản xuất hàng mùa hè. Khi hết phong tỏa, lượng hàng trong kho của nhà chị Phường còn tồn nhiều, đặc biệt là mẫu mã thời trang hè 2020 cũng có nhiều biến động nên không thể ngày một ngày hai là xưởng có thể sản xuất ngay được.

Không chỉ có xưởng may tại địa phương, gia đình chị Phường còn thuê cửa hàng bán đồ may mặc tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm).

“Mỗi tháng tiền thuê mặt bằng hết 35 triệu đồng, hàng thì tồn, chưa bán được, nguyên liệu nhập về e rằng cũng lỗi mốt, khó sản xuất tiếp nên khó khăn chồng chất”, chị Phường bộc bạch. Tuy nhiên, với sự năng động, tâm huyết với cả việc riêng và chung, sự quyết tâm vượt khó vẫn thể hiện tràn đầy trên gương mặt chị.

Rời xưởng may vẫn vắng bóng công nhân, hàng hóa tồn đọng chất đầy, chúng tôi đến xưởng thêu Đốc Phà, một trong những xưởng thêu quy mô lớn của thôn.

Chị Phan Thị Phà, chủ cơ sở chia sẻ: "Mong mãi từ sáng mà vẫn chưa có lượt khách nào đến mua hàng. Trong thời gian phong tỏa và trước đó, gia đình đã tồn đọng tới gần 400 bộ quần áo dài, mũ, hài, hia… Gia đình sản xuất toàn đồ cao cấp trị giá từ 20 đến 40 triệu đồng/bộ, chủ yếu phục vụ tế, lễ… nay tồn hàng với số lượng lớn, gia đình rất khó khăn về vốn".

Trước đây, lúc nào xưởng của nhà chị Phà cũng có ít nhất 20 người thêu, chưa kể gia công tại các gia đình trong vùng với mức lương 4-8 triệu đồng/người/tháng. Giờ hàng tồn nhiều, chị Phà phải lo trả tiền nhân công, lo nhập nguyên liệu về sản xuất…

"Cơ sở chúng tôi chỉ mong sao món vay ngân hàng được giãn nợ, giảm lãi và khách hàng tới giao thương trở lại để cơ sở hồi phục sản xuất", chị Phà bày tỏ.

Cùng chung tâm sự, anh Vũ Văn Dũng, chủ một xưởng thêu lớn của thôn Đông Cứu cho biết, xưởng sản xuất của gia đình chuyên sản xuất, thêu, phục chế khăn chầu, áo ngự với hơn 30 nhân công chủ yếu ở các xã: Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên..., mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng. Khi thực hiện cách ly, gia đình anh mất nhiều mối hàng, thiệt hại nặng nề.

Mong mỏi sau cách ly

Bên cạnh niềm vui bởi Đông Cứu hết thời hạn cách ly, chủ cơ sở bán nón thêu Vấn Huyến chia sẻ: "May mắn là thôn đã dỡ được phong tỏa. Dù khó khăn bởi hàng tồn, nguyên liệu khó nhập mới, nhưng chúng tôi vẫn động viên những thợ thêu ở các thôn: Ba Lăng, Cao Xá… hoặc người làm nghề ở các xã lân cận: Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên… yên tâm trở lại làm việc hoặc mang hàng về gia công tại nhà".

Hiện nay, tình hình dịch bệnh của thôn cũng như cả nước đã được kiểm soát, bởi vậy, Đông Cứu mong mọi người không e ngại khi tới giao dịch hoặc làm việc để làng nghề nhanh chóng hồi phục và phát triển…

Còn nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cho biết, nghề thêu đã xuất hiện ở Đông Cứu từ giữa thế kỷ XV. Sản phẩm của làng nghề thêu Đông Cứu chủ yếu là các loại trang phục cung đình, các loại áo tế, lễ…, đòi hỏi sự cầu kỳ trong nhiều công đoạn. Vừa qua, thực hiện cách ly xã hội, nhiều công đoạn của làng nghề bị “đứt gãy”.

Ông Giỏi mong rằng, qua đợt này, với sự hỗ trợ về vốn của cơ quan chức năng cùng nỗ lực của các xưởng sản xuất, Đông Cứu tiếp tục là nơi thu hút nhiều thợ giỏi gắn bó với làng nghề.

Theo Trưởng thôn Đông Cứu Phạm Văn Mến, toàn thôn có 572 hộ thì có tới 90% số hộ làm nghề thêu, trong đó, hơn 100 cơ sở thêu lớn (10 lao động trở lên). Ngoài thêu tay, hiện ở Đông Cứu, một số hộ đầu tư vào thêu máy. Trước khi thực hiện cách ly để phòng, chống dịch Covid-19, lúc nào trong thôn cũng tấp nập người đến lao động và giao thương.

Sau thời gian dài ngưng trệ, ngoài số hàng hóa sản xuất trong các hộ làng nghề bị tồn đọng, việc vực dậy sản xuất của nhân dân, nhất là các cơ sở lớn, đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nhân công, khách hàng truyền thống…

Hiện nay, nhiều xưởng sản xuất lớn của làng nghề vay vốn của các ngân hàng thương mại (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng). Bởi vậy, người dân Đông Cứu mong được sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các ngân hàng giảm lãi suất; cho vay vốn ưu đãi, kịp thời giải ngân vào thời điểm này để làng nghề sớm hồi phục và phát triển sôi động trở lại.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/967366/lang-nghe-theu-long-bao-dong-cuu-tim-suc-bat-sau-cach-ly