Làng nghề tăm hương Việt Nam đẹp rực rỡ dưới nắng hè

Đến với làng nghề tăm hương truyền thống, bạn sẽ được tận mắt tìm hiểu những công đoạn làm tăm hương ở đây và chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của mảnh đất lưu giữ nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt.

Làng nghề tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu thuộc huyện Ứng Hòa, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 30 km. Ngôi làng cổ còn lưu giữ nhiều nét cổ kính và quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình... nằm bên sông Đáy hiện tại cũng thu hút được rất nhiều du khách tìm về như một điểm đến để tìm hiểu về những giá trị văn hóa của người Việt Nam.

Dưới ánh nắng của mùa hè, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, huyện Phú Hòa, Hà Nội hiện lên với khung cảnh đẹp đến nao lòng.

Nghề sản xuất tăm hương trước đây được biết đến như một nghề phụ, một việc làm quen thuộc với những người nông dân sống ở phường Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Người dân ở đây chỉ làm việc này trong những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, sau đó, nghề này đã và đang trở thành nghề chính, tạo ra thu nhập ổn định, đem lại công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân trong vùng nên nhiều người quyết định gắn bó và phát triển với nghề thủ công này, dù có phải bận rộn quanh năm ngày tháng hay vất vả với nhiều quy trình, công đoạn sản xuất phức tạp.

Mặt hàng tăm hương Quảng Phú Cầu hiện nay không chỉ được phân phối trên khắp cả nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Trung Quốc Và Malaysia.

Những bãi đất được người dân nơi đây tận dụng để phơi khô vầu.

Được hình thành và phát triển từ khoảng hơn 100 năm trước. Ban đầu, nghề làm hương chỉ tập trung ở thôn Phú Lương Thượng, nhưng vài năm trở lại đây, nghề này đã được mở rộng ra các thôn còn lại của xã như: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú.

Nghề tăm hương có phần vất vả với nhiều công đoạn khác nhau, nhưng những người thợ làm tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu luôn tâm niệm một điều, tuyệt đối không được cẩu thả, dù chỉ một bước, bởi vì hương liên quan đến thế giới tâm linh.

Sau khi vầu được phơi khô, người ta sẽ đem đi chẻ. Tuy nhiên, trước kia, mọi người thường làm tất cả các công đoạn theo cách thủ công khá vất vả nhưng ngày nay đã đầu tư máy móc để thay thế, giúp rút ngắn thời gian và tiết kiệm công sức hơn.

Tiếp theo, người nhân công sẽ phân loại và sắp xếp thành từng bó nhỏ. Những que tăm chất lượng thì được mang đi nhuộm chân hương rồi phơi khô, những que tăm có chất lượng kém hơn thì sẽ dùng để tái chế.

Sau khi được nhuộm đỏ, nhuộm hồng, người ta mang tăm đem phơi khô, biến các con đường làng trở nên đỏ rực, đẹp hút hồn.

Người dân ở đây lựa chọn thời khắc khi mặt trời lên cao để đem tăm hương ra phơi khô sau khi đã nhuộm. Và đây cũng chính là lúc quảng cảnh ở đây đẹp hơn bao giờ hết khi khắp mọi nẻo đường, ngõ xóm đều được phủ kín bởi sắc đỏ, sắc hồng của các loại tăm hương.

Dưới đôi bàn tay khéo léo và cần mẫn của những người dân làng nghề truyền thống ở huyện Ứng Hòa đã góp phần đem tới mùi hương thơm nồng cho các ngôi nhà của người Việt Nam.

Trải qua những biến động, thăm trầm của thời gian, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu ngày càng phát triển mạnh và trở thành sản phẩm đặc trưng của mảnh đất này.

Rảo bước trên các con đường, bạn sẽ được "đắm mình" trong mùi hương thơm ngào ngạt, lan tỏa và bao trùm khắp nơi nơi.

Không chỉ là làng nghề đem lại nguồn thu nhập chính và cuộc sống khá giả của người dân ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Nơi đây còn mang vẻ đẹp vô cùng độc đáo mà rất ít nơi trên cả nước còn lưu giữ được, hấp dẫn bước chân của du khách ghé thăm chiêm ngưỡng và tìm hiểu, khám phá nghề này.

Xem thêm

Minh Hiếu

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/lang-nghe-tam-huong-viet-nam-dep-ruc-ro-duoi-nang-he-75924.html