Làng nghề tại huyện Thạch Thất: Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Huyện Thạch Thất nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống cùng các sản phẩm mộc dân dụng.

Tuy nhiên đa số đều tự phát theo quy mô hộ gia đình, người dân chưa quan tâm đúng mức tới an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy (PCCC) nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Tận dụng mọi nơi làm nhà xưởng
Hiện trên địa bàn huyện Thạch Thất có 10 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, thu hút hơn 1.000 DN và trên 20.000 hộ sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề như mây tre đan, mộc dân dụng, kim khí… Toàn huyện có một khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp làng nghề với diện tích trên 160ha. Tuy nhiên, diện tích này chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân, đa số các hộ phải mở xưởng tại nhà hoặc tận dụng mọi quỹ đất có thể, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ.

Ông Nguyễn Đức Lâm, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng xã Canh Nậu kiểm tra các thiết bị PCCC tại gia đình. Ảnh: Phương Nga

Trên thực tế trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại về tài sản. Đơn cử như vụ cháy tại làng nghề mộc xã Hữu Bằng vào tháng 10/2016 đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng sản xuất hàng nội thất của gia đình anh Phan Văn Khánh, thiệt hại ước tính lên đến cả trăm triệu đồng. Trước đó, vào tháng 6/2016 địa phương này cũng để xảy ra một vụ cháy xưởng sản xuất gia công bàn ghế với diện tích xưởng rộng 2.000m2. Dù lực lượng chữa cháy có mặt kịp thời nhưng thiệt hại về tài sản lên tới gần chục tỷ đồng. Nguyên nhân đám cháy được xác định là do chập điện.
Người dân vẫn chủ quan
Qua phân tích thực tế các vụ cháy cho thấy, ngoài những yếu tố khách quan, nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là do ý thức của con người. Đa phần người dân, các hộ kinh doanh vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức tới việc phòng chống cháy nổ trong mỗi gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình, thiếu kiến thức PCCC. Anh Nguyễn Đăng Khoa - chủ một cơ sở sản xuất máy đột dập ở làng nghề Phùng Xá cho rằng, nghề cơ khí của địa phương nguy cơ cháy nổ thấp, nên anh không cần trang bị thiết bị PCCC. Bản thân gia đình anh cũng đã rất cẩn thận khi hết giờ làm việc là đóng tất cả các cầu dao điện nên không có khả năng cháy nổ. Chính tâm lý chủ quan này đã dẫn tới những vụ hỏa hoạn đáng tiếc. Không chỉ riêng hộ anh Khoa, mà đây là tình trạng chung của nhiều hộ sản xuất trên địa bàn huyện. Thậm chí, có trường hợp trang bị bình bọt chữa cháy nhưng lại không hướng dẫn cho công nhân cách sử dụng như thế nào.
Thiếu tá Đỗ Văn Mạnh - Phó trưởng CA huyện Thạch Thất cho biết: Thạch Thất là một địa bàn rộng, rất khó khăn trong việc triển khai các phương án PCCC kịp thời. Trong khi đó, người dân chưa thật sự quan tâm đến công tác PCCC. Dù Đội Cảnh sát PCCC huyện đã tích cực tổ chức hướng dẫn, phổ biến, tập huấn và kiểm tra công tác PCCC cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn, nhưng nhiều hộ viện lý do không tham gia hoặc trang bị thiết bị PCCC theo kiểu đối phó.
Để chủ động xử lý tốt mọi tình huống cháy nổ xảy ra, UBND huyện Thạch Thất liên tục tổ chức các buổi diễn tập PCCC, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC với phương châm “4 tại chỗ”, phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường, phổ biến kiến thức PCCC và kỹ năng, biện pháp thoát nạn cho người dân. Thiếu tá Đỗ Văn Mạnh nhấn mạnh: “Công tác PCCC là trách nhiệm không của riêng ai. Để tránh hỏa hoạn, bảo vệ tính mạng và tài sản, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, điều quan trọng là phải bắt đầu từ ý thức, hành vi của mỗi người dân trong việc chủ động PCCC”.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lang-nghe-tai-huyen-thach-that-tiem-an-nguy-co-chay-no-324592.html