Làng nghề sơn mài Hạ Thái nổi danh Hà Nội

Làng nghề sơn mài Hạ Thái, thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Từ đường trục quốc lộ 1A cũ, đến gần cầu Quán Gánh, rẽ trái vào đường liên xã Duyên Thái, qua cầu chui dân sinh tới Làng nghề thủ công truyền thống sơn mài Hạ Thái. Từ lâu, làng Hại Thái đã nổi tiếng với nghề sơn son thếp vàng sơn mài.

Các sản phẩm từ làng sơn mài Hạ Thái. Ảnh Lao động Thủ đô.

Các sản phẩm từ làng sơn mài Hạ Thái. Ảnh Lao động Thủ đô.

Theo các bậc cao niên trong làng, thì nghề sơn mài Hạ Thái có từ thế kỷ thứ XVI. Trước đây, người thợ sơn mài Hạ Thái chỉ tập trung sản xuất hàng sơn son thếp vàng, chủ yếu là dùng loại sơn ta, cách pha chế theo kinh nghiệm cổ truyền. Loại sơn này chủ yếu được lấy từ tỉnh Phú Thọ, đặc tính rất độc, nếu không cẩn thận sẽ bị sơn dính vào người, vào da thịt, ăn lở loét, sung húp cả mặt. Vì vậy, mà công đoạn pha chế sơn có vai trò đặc biệt quan trọng, nó sẽ quyết định đến vai trò thành bại của sản phẩm.

Với các sản phẩm của sơn mài, dù lớn hay nhỏ, dù đơn giản hay cầu kỳ, hay phức tạp đều đòi hỏi phải có sự công phu, tỉ mỉ trong từng khâu, từng công đoạn. Khâu đầu tiên là tạo cốt (nguyên liệu chính) để phù sơn mài, cái này đối với người thợ là phải hết sức tinh tế. Mỗi sản phẩm cần phải bóng , mịn màng, nhưng lại giữ được độ bền lâu, thì người thợ sơn thường dùng chất liệu như gốm, tre, hoặc gỗ dán để tạo cốt. Sau công đoạn đầu tiên tạo cốt sẽ là hàng loạt các công đoạn được nối tiếp trong vòng gần một tháng để hoàn thiện sản phẩm.

Khâu phơi sản phẩm cũng là một khâu đặc biệt quan trọng, tránh các bụi bẩn bay vào bề mặt sản phẩm vừa được sơn, vừa được vẽ, phù sơn, bởi vì bụi bẩn mà bay vào sẽ làm hỏng ngay độ bóng mịn của nước sơn. Một sản phẩm sơn mài được coi là hoàn hảo khi ngắm nhìn, người xem sẽ dễ dàng cảm nhận được sự óng ánh của màu sắc đến độ lộng lẫy, kiêu sa, mà vẫn toát lên được cái đẹp cái hồn của cảnh vật.

Các sản phẩm sơn son thếp vàng truyền thống của làng nghề sơn mài Hạ Thái như tượng Phật, đồ thờ cúng vốn là sản phẩm chủ đạo của làng nghề được làm từ chất liệu chính là gỗ, tre, nứa, song mây. Ngày nay được bổ sung thêm các chất liệu như mới như gốm sứ, com – puzit… với nhiều mẫu mã đa dạng như: Bát, đĩa, lọ hoa, đến tranh sơn, tranh khảm album… Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống ông cha để lại, càng ngày, những nghệ nhân trong làng càng phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau. Người Hạ Thái biết sử dụng cách khắc trên sơn để tạo ra những đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động.

Ngày nay, làng nghề sơn mài Hạ Thái trở thành địa chỉ có uy tín xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ… Hiện nay, gần 80% người dân làng nghề sơn mài Hạ Thái làm nghề sản xuất đồ sơn son thếp vàng và sơn mài. Mỗi năm thì làng nghề này cũng sản xuất được hàng triệu sản phẩm có giá trị bán ra thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, UBND xã Duyên Thái đã quy hoạch và xây dựng các cụm, điểm công nghiệp để các cơ sở có diện tích đất rộng rãi tập trung sản xuất, phát huy hiệu quả. Đường làng, ngõ xóm đã dần được bê tông hóa với hệ thống cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề. Đây cũng là một cách để thu hút khách nước ngoài, không chỉ là những người có quan hệ giao thương buôn bán, mà còn cả những đoàn khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu về một làng nghề thủ công truyền thống rất nổi tiếng của của huyện Thường Tín, Hà Nội.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lang-nghe-son-mai-ha-thai-noi-danh-ha-noi-75659