Làng nghề nón lá Trường Giang

Với những bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, chau chuốt trong từng công đoạn, những người thợ ở làng nghề nón là Trường Giang, xã Trường Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã làm ra những chiếc nón mộc mạc, duyên dáng làm say lòng người.

Là một làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Thanh, nón lá Trường Giang được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng tất cả những vật liệu để có thể làm ra nón lá đều phải nhập từ nơi khác. Lá được lấy từ cây buông ở các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai…, còn vành tạo hình dáng lấy từ cây vàu, cây nứa trên các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Thế nhưng, bằng niềm yêu nghề cũng như sự chăm chỉ của người dân, làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Nguyên vật liệu làm nón được lựa chọn rất kỹ, trước khi đưa vào sử dụng phải được phơi khô, xếp giữ cẩn thận để tránh bị nhăn, rách.

Một chiếc nón lá đơn sơ, mộc mạc tưởng chừng như rất đơn giản. Nhưng để có sản phẩm ưng ý, người làm nón phải qua rất nhiều công đoạn. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm để hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản.

Theo những người làm nghề nơi đây, làm nón không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, kỳ công và tinh tế.

Ngoài ra, người thợ phải biết cách chọn lá thật trắng, tẽ lá không được để rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu. Tre, nứa làm vành được vót tròn, đều và khi khâu không làm đứt cước. Lá phẳng, láng, có màu trắng xanh là đẹp nhất.

Từ bàn tay khéo léo của người thợ, những thanh tre được chuốt nhẵn rồi uốn thành vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau thành những vành nón. Vành nón to có đường kính đến 50cm, cái tiếp theo nhỏ dần, có đến 16 vòng khác nhau, vòng nhỏ nhất cũng chỉ bằng đồng xu. Tất cả được xếp lên một khuôn hình chóp.

Sau khi đã hoàn chỉnh phần xương nón, người thợ cẩn thận xếp đều, xâu lá lên khung sao cho từng chiếc lá san sát nhưng không chèn lên nhau giúp cho chiếc nón mỏng và thanh.

Khâu nón là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo để đường kim phải thẳng, các mũi khâu phải vừa đều tăm tắp lại vừa mềm mại theo độ cong của vành nón.

Để tăng thêm nét sih động và vẻ đẹp cho từng chiếc nón, người thợ còn gắn các hình ảnh bông hoa, cảnh thiên nhiên vào bên trong nón.

Trung bình mỗi lao động làm được 3 - 5 chiếc/ngày. Bình quân mỗi chiếc nón có giá 20.000 - 40.000 đồng, tùy từng loại.

Ông Đậu Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trường Giang cho biết: “Ở làng này, trẻ em khoảng 8, 9 tuổi là bắt đầu biết làm nón. Hiện toàn xã có 900 hộ làm nón, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Nghề làm nón tuy thu nhập không cao nhưng nó tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương những lúc nông nhàn”.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian nhưng Làng nghề nón lá Trường Giang vẫn đứng vững và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Thu Hà – Hoài Thu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/lang-nghe-non-la-truong-giang/111847.htm