Lắng nghe người dân

Trước mỗi cuộc phản biện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lạng Giang (Bắc Giang) luôn lắng nghe ý kiến của người dân. Cùng với đó là huy động các Ban tư vấn, đại diện các tổ chức thành viên tham gia phản biện. Cách làm này đã mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong nhân dân.

Thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

Thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

Theo Đề án sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp xã để mở rộng, phát triển không gian đô thị, năm 2019, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đăng ký sáp nhập 4 đơn vị cấp xã thành 2 đơn vị mới. Cụ thể: Sáp nhập xã Phi Mô vào thị trấn Vôi với tên gọi mới là thị trấn Vôi, xã Tân Thịnh với thị trấn Kép với tên gọi mới là “thị trấn Kép Tân”.

Ngoài ra, huyện cũng dự kiến sáp nhập 27 thôn, tổ dân phố chưa đạt 50% tiêu chí về quy mô số hộ gia đình theo Thông tư số 09 của Bộ Nội vụ với 17 thôn đạt từ 50% tiêu chí về quy mô số hộ trở lên (có từ 100 hộ trở lên) để thành lập 21 thôn mới, giảm được tổng số 23 thôn.

Tìm sự đồng thuận của người dân qua kênh phản biện, mới đây Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lạng Giang đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề án “sắp xếp, nhập đơn vị hành chính cấp xã huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cụ thể nội dung chính là sắp xếp, nhập xã Phi Mô vào thị trấn Vôi và nhập xã Tân Thịnh vào thị trấn Kép.

“Do đó, tổ chức hội nghị phản biện đối với Dự thảo Đề án là rất cần thiết, vừa đảm bảo quy trình, phát huy dân chủ, là một bước quan trọng để cơ quan soạn thảo xem xét lại Dự thảo Đề án trước khi trình HĐND huyện” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lạng Giang Nguyễn Văn Mười cho biết.

Với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, tại Hội nghị đã có 11 ý kiến phản biện đại diện Mặt trận, các tổ chức thành viên, Ban tư vấn cơ bản thống nhất với Dự thảo Đề án và cho rằng việc sắp xếp, nhập xã Phi Mô vào thị trấn Vôi và nhập xã Tân Thịnh vào thị trấn Kép là tất yếu khách quan, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của huyện. Trong đó, có 8 ý kiến phát biểu phản biện trực tiếp vào các nội dung đánh giá các tác động, mục tiêu, giải pháp, định hướng khi sắp xếp, nhập xã Phi Mô vào thị trấn Vôi và xã Tân Thịnh vào thị trấn Kép.

Bên cạnh sự đồng tình, các ý kiến phản biện cũng thể hiện sự băn khoăn và đề nghị bổ sung, làm rõ khi trong Dự thảo Đề án không đề cập đến một số vấn đề khó khăn, cần đưa ra định hướng, giải pháp giải quyết như: Việc nhân dân thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan nhân thân hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Việc xử lý công nợ, nguồn kinh phí của các đơn vị khi được nhập vì đây không phải là vấn đề dễ xử lý, ảnh hưởng đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, đặc biệt là của nhân dân các xã, thị trấn sau khi sáp nhập.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ngô Minh Đoàn ghi nhận các ý kiến phản biện, góp ý rất chính xác và xác đáng, UBND huyện sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến hợp lý để chỉnh sửa và hoàn chỉnh Dự thảo có chất lượng tốt nhất nhằm đảm bảo tính khả thi của Đề án.

Về phía MTTQ, ông Nguyễn Văn Mười nhấn mạnh, trước mỗi cuộc phản biện, Ủy ban MTTQ huyện đều lắng nghe ý kiến của nhân dân, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng hợp pháp của nhân dân. Cùng với đó là huy động các Ban tư vấn, đại diện các tổ chức thành viên tham gia phản biện. Cách làm này đã mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong nhân dân.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-noi-co-so/lang-nghe-nguoi-dan-tintuc434913