Lắng nghe người dân hiến kế: Tập trung nguồn lực phát triển TP HCM

Khi tập trung nguồn lực trong kinh tế, sẽ tạo cơ hội cho một số ngành có điều kiện thuận lợi nhất phát triển, bao gồm cả việc chia sẻ các nguồn lực hiện đang dành cho ngành kinh tế khác

TP HCM là trung tâm kinh tế của cả nước và hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự phát triển của TP HCM tác động rất lớn đến sự tăng trưởng kinh tế vùng và kinh tế đất nước. Do đó, định hướng đúng đắn các ưu tiên phát triển kinh tế TP là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Trung tâm thương mại, kinh tế, xã hội

Điều kiện địa lý tự nhiên đã giúp TP HCM trở thành trung tâm thương mại, kinh tế, xã hội của khu vực Nam Bộ từ xa xưa. Nhờ đó, hoạt động của dân cư TP hầu hết đều gắn liền với thương mại và có nhiều kinh nghiệm kỹ năng, mối mai bạn hàng lâu đời trong lĩnh vực thương mại... Qua thời gian, TP tạo dựng nên các chợ tập trung là đầu mối thương mại cho cả vùng Nam Bộ, kể cả các ngành hàng truyền thống phục vụ nhu cầu cơ bản, đến những trung tâm mua sắm hàng hiệu hiện đại.

Khi thương mại phát triển sẽ lôi kéo nhiều người đến với TP HCM và tác động trực tiếp đến sự phát triển của một số ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch. Cũng như hoạt động thương mại, sự phát triển của du lịch TP HCM trước hết xuất phát từ vị trí trung tâm của khu vực. Từ TP HCM, khách dễ dàng di chuyển đến các tỉnh, thành khác trong vùng, thậm chí qua các quốc gia lân bang. Bên cạnh đó, du lịch TP HCM còn sở hữu số lượng khách sạn hàng đầu cả nước, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của tất cả hạng khách. Đội ngũ nhân sự hoạt động trong ngành du lịch rất lớn, có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo chuyên nghiệp, có khả năng ngoại ngữ thành thạo. Đây là ưu thế nổi bật của du lịch TP HCM so với các tỉnh, thành khác.

Hoạt động kinh tế phát sinh sự tương tác giữa các ngành kinh tế và tác động trực tiếp tới ngành kinh tế hỗ trợ. Tại TP HCM, sự phát triển của logistics là tất yếu phục vụ việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu qua các cảng nổi tiếng xưa nay. Vì vậy, hoạt động dịch vụ hậu cần logistics luôn được xác định là ngành kinh tế chủ yếu, mang lại nguồn thu lớn cho TP.

TP HCM là trung tâm kinh tế của cả nướcẢnh: Hoàng Triều

TP HCM là trung tâm kinh tế của cả nướcẢnh: Hoàng Triều

Cần hàng loạt chính sách đồng bộ

Bất cứ hoạt động nào muốn thành công thì cần phải tập trung cả vật chất và tinh thần để đạt được mục tiêu nhất định. Khi tập trung nguồn lực trong kinh tế, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho một số ngành có điều kiện thuận lợi nhất phát triển, bao gồm cả việc chia sẻ các nguồn lực hiện đang dành cho ngành kinh tế khác. Chủ trương tập trung nguồn lực đã được thể hiện tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15-1-2019 về việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Thực tế cho thấy việc tập trung kinh tế xảy ra thường xuyên trên thị trường, đặc biệt ở các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.

Trên thế giới, kinh nghiệm tập trung hóa được thể hiện ấn tượng tại Hàn Quốc. Trong kế hoạch 10 năm (từ 1970 đến 1980), kinh tế Hàn Quốc tập trung vào các ngành công nghiệp nặng và sản xuất xe hơi. Nhờ đó, các tập đoàn kinh tế như Posco, Hyundai, Samsung trở nên hùng mạnh khiến cho Mỹ, Nhật... cũng phải kiêng nể. Kế hoạch 10 năm phát triển điện ảnh và 10 năm phát triển thời trang (1990 đến 2010) đã khiến phim ảnh Hàn Quốc tràn ngập thế giới... Kết quả là trong giai đoạn cuối của thế kỷ XX, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. GDP bình quân đầu người (PPP) nhảy vọt từ mức chỉ khoảng 100 USD vào năm 1963 lên mức hơn 25.000 USD vào năm 2007 và hơn 32.000 USD hiện nay.

Đối với TP HCM, để phát triển ngành cốt lõi là thương mại du lịch, logistics trong kế hoạch 10 năm tới, cần hàng loạt chính sách đồng bộ tập trung cho các ngành này.

Trước hết, công tác quy hoạch cần hướng đến việc thiết lập các trung tâm mua sắm lớn, các chợ truyền thống mở rộng, thuận tiện mua sắm. Du lịch cần được ưu tiên mua sắm các phương tiện hiện đại, xây cất các công trình khách sạn hiện đại, các trung tâm giải trí lớn nhằm đáp ứng lượng khách lớn hơn. Bên cạnh đó, cần quy hoạch mở rộng luồng lạch, cầu cảng, phương tiện, giao thông để có thể tiếp nhận tàu thuyền tải trọng lớn, thiết bị xếp dỡ hiện đại đáp ứng yêu cầu logistics, có thể cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực.

Ngoài ra, công tác đào tạo nhân lực chuyên nghiệp trong các ngành trọng điểm trên phải tiến hành nhanh chóng; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ để mỗi người dân TP là một đại sứ thiện chí; an ninh trật tự phải được nghiêm túc coi trọng, không để tình trạng nhếch nhác, mất an toàn xảy ra. Một số kinh nghiệm tốt về quản lý hành chính và trật tự vệ sinh ở một số tỉnh, thành như Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Tháp... cần được nghiên cứu, học hỏi và nhân rộng. TP HCM cũng nên dành ngân sách cho việc tham quan, học hỏi ở một số TP tiên tiến trên thế giới.

Cần có ban điều hành

Một quy tắc rất quan trọng trong phát triển là cần có sự liên kết và thống nhất giữa các ngành. Ví dụ, sự phát triển của thương mại cần hướng tới và phục vụ du lịch, đồng thời cần sự hỗ trợ tích cực của logistics. Trong khi đó, du lịch cần sự cung ứng hàng hóa đa dạng, chất lượng từ hoạt động thương mại và cũng cần có giao thông đường bộ, đường hàng không, đường thủy... thuận tiện nhờ từ ngành logistics... Với yêu cầu trên, việc điều hành tập trung, thống nhất trong kế hoạch phát triển là vô cùng cần thiết. Muốn vậy, TP cần thiết lập ban điều hành phát triển kinh tế theo các kế hoạch 10 năm và trao quyền thực tế cho ban triển khai các chương trình đề ra.

ThS-LS Nguyễn Đức Nghĩa (Tổng Giám đốc Công ty CP TVTM Trí Nguyễn)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-tap-trung-nguon-luc-phat-trien-tp-hcm-20191209214316159.htm