Lắng nghe người dân hiến kế: Đổi mới SGK là cơ hội nâng tầm giáo dục

Sách giáo khoa là một trong nhiều phương tiện nhằm đạt được mục đích trồng người. Các nhà xuất bản và các công ty hãy làm thật sự vì học sinh, không vì lợi ích nhóm hay lợi nhuận

Lần thay sách giáo khoa (SGK) nào, chúng ta cũng nói vì học sinh (HS) và vì một mục tiêu cao cả hơn, đó là nâng tầm tri thức người Việt để hòa nhập cộng đồng tri thức nhân loại. Trong lần thay SGK này, là người TP HCM, tôi xin đóng góp ý nhỏ để giáo dục của TP văn minh - hiện đại - nghĩa tình, HS được giáo dục tốt hơn và xã hội đồng lòng cảm phục.

Khoa học và minh bạch

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc lựa chọn SGK được thực hiện theo tinh thần một chương trình, nhiều bộ sách và việc lựa chọn SKG đưa vào giảng dạy trong các nhà trường thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.

Bộ SGK lớp 1 đã được thẩm định, nghĩa là đạt được mục tiêu giáo dục. Sở GD-ĐT TP HCM cần tổ chức cho đại diện tất cả các bộ sách giới thiệu, trả lời những thắc mắc về nội dung, phương pháp của cán bộ 24 phòng GD-ĐT và ban giám hiệu, khối trưởng khối 1 của TP. Mỗi bộ sách đều có định hướng, tiêu chí, phương pháp để đi đến mục tiêu như thế nào, nên trình bày rõ ràng, khoa học và thuyết phục. Giáo viên (GV) nghe, trao đổi để chọn lựa bộ sách cũng là con đường tốt nhất, có lợi cho HS của mình đạt mục tiêu giáo dục lớp 1.

Bộ SGK Cánh Diều - một trong 5 bộ SGK lớp 1 mới - được Bộ GD-ĐT thông qua hồi tháng 11-2019 Ảnh: YẾN ANH

Bộ SGK Cánh Diều - một trong 5 bộ SGK lớp 1 mới - được Bộ GD-ĐT thông qua hồi tháng 11-2019 Ảnh: YẾN ANH

Các công ty cũng nên minh bạch, công khai phương thức phát hành, tiền hoa hồng dành cho sở, phòng và nhà trường. Các công ty cũng cam kết với GV lắng nghe ý kiến đóng góp để nghiên cứu điều chỉnh trong quá trình giảng dạy mà không quy chụp, phê phán nhà trường và GV.

Sở GD-ĐT nên coi đây là cơ hội để nâng cao giáo dục TP như tôi đã có đề nghị các năm vừa qua. Cụ thể, giảm sĩ số mỗi lớp còn 35 HS và tầm nhìn vài năm sau là 25-30 HS/lớp bằng cách xây thêm trường bằng ngân sách và xã hội hóa theo một phương thức có sức thuyết phục cho người dân đóng góp mà rất hài lòng vì con em họ được thụ hưởng. Các ngôi trường mới xây phải hiện đại trong thời kỳ công nghệ. Từ lớp học, bàn ghế HS, hội trường, nhà ăn, bếp ăn bán trú, phòng làm việc GV (có thể học tập mô hình trường học ở Singapore) sân chơi, bãi tập, nhà đa năng, thư viện...

Nâng cao trình độ đội ngũ quản lý và GV

Đổi mới SGK cũng là cơ hội nâng cao trình độ đội ngũ quản lý và GV. Ban giám hiệu các trường phải có trình độ tổ chức, quản lý về chuyên môn và quản lý trường học. Phải tự học, tự trau dồi để nâng cao và biết tiếp nhận cái mới để ngôi trường, lớp học, giáo dục hiệu quả. Nên chiêu mộ người tài giỏi và đưa người tài đi học tập nước ngoài với yêu cầu thật cụ thể, rõ ràng.

Ngoài ra, cải tổ lại việc học ngoại ngữ một cách toàn diện, đưa GV và có thể HS ra nước ngoài để rèn luyện và cũng để học tập, quan sát cách học của các nước tiên tiến.

Tôi cũng mong Sở GD-ĐT nên tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến các bậc lão thành giáo dục. Người đã đi qua, nhìn lại sẽ phát hiện nhiều điều giúp ích cho giáo dục.

Đối với các trường bán trú, cần đào tạo chính quy đội ngũ bảo mẫu. Bảo mẫu gắn liền với sinh hoạt, chăm sóc HS tiểu học. Việc tuyển và nghỉ việc hằng năm của bảo mẫu là thiếu chuyên nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, nhân cách và ứng xử của HS.

Nhà ăn HS cũng nên học theo các nước là tổ chức hướng dẫn cho HS tự phục vụ, kể cả dọn dẹp và vệ sinh, qua đó, HS biết và quý trọng nơi ăn và học của mình. Nhà bếp và bếp trưởng cũng phải chuyên nghiệp. Nơi cung cấp thực phẩm phải vệ sinh và cần công khai cho phụ huynh biết vì đó là sức khỏe con em họ và cũng là tương lai thể trạng của công dân.

SGK là một trong nhiều phương tiện nhằm đạt được mục đích trồng người. Các nhà xuất bản và các công ty hãy làm thật sự vì HS, không vì lợi ích nhóm, không để người dân nghĩ là các nhà xuất bản đang dùng mọi phương cách vì lợi nhuận và các tác giả chỉ trích, chê bai vì tác quyền.

Vì lợi ích trăm năm trồng người. Tôi mong ước những người có trách nhiệm coi lần đổi mới này là cơ hội để thật sự đổi mới, đem lại niềm tin cho nhân dân và cho TP HCM.

Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng Phòng Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/doi-moi-sgk-la-co-hoi-nang-tam-giao-duc-20200113211445638.htm