Lắng nghe người dân hiến kế: Đánh thức tiềm năng Cần Giờ

Xét về điều kiện để thiết kế, tổ chức các tour du lịch hấp dẫn kèm theo những sản phẩm dịch vụ phong phú thì Cần Giờ không thiếu

Cách trung tâm TP HCM 50 km, huyện Cần Giờ có diện tích hơn 71.000 ha, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch. Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, với tổng diện tích 38.556 ha.

Không thiếu điểm hấp dẫn

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, từng nói Cần Giờ là nơi đầu sóng ngọn gió và là lá chắn của TP HCM với sứ mệnh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. TP cần có chủ trương tổng thể xây dựng phát triển Cần Giờ theo hướng nền kinh tế xanh, kinh tế sinh thái và TP thông minh.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, dịch vụ - du lịch đóng góp 41% tổng thu của huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, tiềm năng của Cần Giờ vẫn chưa được "đánh thức". Lượng khách đến Cần Giờ mới chiếm khoảng 6% lượng khách đến TP HCM, huyện có 15 tài nguyên du lịch nhưng mới khai thác một nửa trong số đó. Cụ thể, huyện chỉ mới khai thác du lịch sinh thái, sông nước, hầu như không có điểm vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng chất lượng. Ví dụ Khu Du lịch sinh thái Dần Xây vừa có rừng ngập mặn vừa có biển, đan xen là các kênh rạch đẹp. Quá nhiều lợi thế nhưng khai thác, đầu tư chưa đúng tầm nên bao năm qua, tiềm năng bị bỏ phí.

Trong khi đó, một địa phương muốn thu hút khách, trước hết phải có nhiều sản phẩm du lịch kèm theo các sản phẩm dịch vụ; thiết kế, tổ chức được nhiều tour hấp dẫn. Xét về điều kiện để thiết kế, tổ chức các tour du lịch hấp dẫn thì Cần Giờ không thiếu.

Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng vẫn chưa thể cất cánh Ảnh: Hoàng Triều

Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng vẫn chưa thể cất cánh Ảnh: Hoàng Triều

Với hơn 13 km đường biển, hệ thống sông ngòi, rừng ngập mặn; khu di tích lịch sử cấp quốc gia chiến khu Rừng Sác; lễ hội truyền thống của ngư dân Cần Giờ là di sản phi vật thể quốc gia; các làng nghề truyền thống của người dân như nghề muối, các mô hình nuôi trồng thủy hải sản, nuôi chim yến… là những điểm dừng chân lý thú cho khách du lịch. Cái thiếu của Cần Giờ chính là hạ tầng giao thông - rào cản lớn, tiện ích công cộng thiếu và sản phẩm du lịch nghèo nàn.

Xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể

Để du lịch Cần Giờ "cất cánh", phát triển tương xứng với tiềm năng của mình, địa phương, UBND TP và Sở Du lịch TP cần phối hợp xây dựng kế hoạch, đề án phát triển du lịch cụ thể; có chính sách hỗ trợ địa phương làm điểm đến (khách đến thì ở đâu, ăn gì, chơi gì, tiêu xài vào cái gì?). Đặc biệt, ưu tiên trước hết cho việc phát triển hạ tầng giao thông. Thời gian qua, dù huyện đã có nhiều hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư trong và ngoài nước nhưng rào cản về giao thông khiến du lịch Cần Giờ chưa thể cất cánh.

Hiện Cần Giờ mới chỉ dừng ở việc đến xem, còn các dịch vụ bổ trợ không có. Vì thế, cần đầu tư mạnh cho sản phẩm, dịch vụ bên cạnh hạ tầng. Ví dụ, hình thức mua đặc sản địa phương từ người đánh bắt, sản xuất rồi chế biến tại chỗ rất được ưa chuộng, nên khai thác tốt loại hình này, góp phần quảng bá đặc sản của địa phương; đồng thời tiêu thụ nông sản, thủy hải sản, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Các tour du lịch nên thiết kế hợp lý, hấp dẫn với nhiều nội dung, kết hợp hài hòa các phương tiện thủy - bộ đưa khách đến những điểm tham quan; mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, các sản phẩm, dịch vụ gia tăng...

Do những yếu tố tự nhiên, biển Cần Giờ không tắm được nên du lịch nghỉ dưỡng phải tạo ra dịch vụ nhân tạo như các bãi tắm, bãi biển, hồ nhân tạo...

Gắn du lịch với chăm lo công nhân

Theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM đều phải ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Theo đó, phần phúc lợi mà DN chăm lo cho NLĐ có mục tham quan nghỉ mát với chi phí 1 triệu đồng/lần/người (tùy từng DN mà có mức chi cụ thể). Với mức chi này, nếu đi tham quan, nghỉ mát ở xa thì NLĐ phải bỏ thêm tiền túi, thường là một khoản không nhỏ khiến nhiều người cân nhắc.

Những đơn vị làm du lịch tại Cần Giờ nên kết nối với các DN trên địa bàn TP để tổ chức các tour tham quan nghỉ mát cho NLĐ. Từ Cần Giờ, nên tính toán bố trí các xuồng máy, canô chở du khách qua TP Vũng Tàu tắm biển vào buổi chiều hoặc sáng sớm và đưa nội dung này vào chương trình tour để du khách có thêm lựa chọn. Nếu làm được việc này, có thể giữ chân du khách ở lại Cần Giờ qua đêm, thưởng thức hải sản và sử dụng các dịch vụ khác.

Tiềm năng du lịch trong đối tượng công nhân, NLĐ là rất lớn, đây cũng là cách để chăm lo đời sống tinh thần cho lực lượng này.

Đơn vị đồng hành:

Hồ Xuân Lâm - Trịnh Thanh Toàn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-danh-thuc-tiem-nang-can-gio-2019112821212897.htm