Lắng nghe người dân hiến kế: Bảo vệ giá trị di sản văn hóa đô thị

Di sản văn hóa đô thị cần được coi là tài sản hơn là gánh nặng của hiện tại, từ đó có ứng xử phù hợp trong bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển kinh tế di sản

Di sản văn hóa (DSVH) đô thị có thể hiểu một cách cụ thể là tập hợp các địa điểm, vị trí, khu phố, công trình và tập quán mà một xã hội được kế thừa từ quá khứ, muốn bảo tồn và truyền lại cho thế hệ tương lai. Di sản vật thể của đô thị thường tập trung ở khu vực trung tâm bao gồm các công sở, công trình công cộng mang dấu ấn hình thành và phát triển đô thị. Đó là những công trình nếu chưa đẹp về kiến trúc (theo cách nhìn ngày nay) thì cũng là tiêu biểu của kiến trúc một thời, đồng thời ẩn chứa trong nó biết bao ký ức và câu chuyện về lịch sử và con người đô thị.

Nguồn vốn xã hội

Sức sống của DSVH là nhờ con người, do con người mang lại. Muốn vậy, con người phải có sự hiểu biết, trân trọng những giá trị của di sản, có kiến thức để bảo vệ, trùng tu tôn tạo di sản (kéo dài tuổi thọ di tích).

DSVH là một nguồn vốn xã hội, vì nó góp phần mang lại sự giàu có về tinh thần và vật chất cho con người. Do đó, cần được coi là tài sản hơn là gánh nặng của hiện tại, từ đó nhận diện các loại hình, tính chất, giá trị của di sản... để có ứng xử phù hợp trong bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển kinh tế di sản.

Có một vấn đề luôn được đề cập đến trong quy hoạch đô thị lâu nay, đó chính là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị, bên nào sẽ thắng hay có phương pháp nào mà hai bên cùng thắng? Lựa chọn lợi ích kinh tế trước mắt hay lâu dài, lựa chọn lợi ích của một nhóm nhỏ hay của cộng đồng? Trả lời thế nào thì sẽ tìm ra phương pháp giải quyết như thế đó.

Với một đô thị, người ta nhìn nhận lịch sử của nó đầu tiên qua lịch sử kiến trúc đô thị ở khu trung tâm. Quy hoạch đô thị Sài Gòn đặc trưng thường được biết đến là từ thời Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trung tâm Sài Gòn dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, văn hóa và khảo cổ, có thể nhận thấy có ít nhất vùng lõi đô thị phải được bảo tồn nguyên vẹn. Chính quyền TP HCM phải đưa chiến lược bảo vệ DSVH đô thị vào chiến lược phát triển văn hóa và phát triển kinh tế. Bởi vì di sản cũng có thể làm ra những giá trị kinh tế, chứ không phải chỉ được bảo tồn như những hiện vật nằm trong tủ kính của viện bảo tàng.

Căn biệt thự cổ xây dựng thời Pháp trong hẻm 267 Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM vẫn còn nguyên vẹnẢnh: Lê Phong

Căn biệt thự cổ xây dựng thời Pháp trong hẻm 267 Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM vẫn còn nguyên vẹnẢnh: Lê Phong

Công cụ bảo tồn và phát huy giá trị

Thực trạng đang diễn ra trong vài năm gần đây tại trung tâm TP HCM mang lại sự lo ngại cho nhiều người yêu quý và có trách nhiệm với TP này. Sự đa dạng mới làm nên bản sắc văn hóa nhưng Sài Gòn - TP HCM với những kiến trúc hiện đại hiện hữu ở khu trung tâm chẳng khác gì kiến trúc của nhiều TP trên thế giới, không còn nhận ra nét riêng. Tìm ra đâu đặc trưng năng động, phóng khoáng, bao dung của TP HCM khi mà diện mạo của nó cũng giống các TP khác?

Việc kiểm kê, xếp hạng các cấp bậc (danh mục cần được bảo tồn, di tích lịch sử - văn hóa cấp TP, cấp quốc gia) cho các công trình có niên đại khoảng 100 năm trở lên là biện pháp đầu tiên để ngăn ngừa tình trạng di tích bị phá hủy hoặc sửa chữa làm biến dạng, cũng như căn cứ vào đó đưa ra phương thức và thực thi công tác trùng tu một cách phù hợp. Đặc biệt cần kiểm soát việc thực hiện nghiêm túc Luật DSVH và những luật khác áp dụng cho đô thị với tất cả đối tượng: người dân, nhà đầu tư, cơ quan nhà nước… Tránh trường hợp chỉ có người dân bị kiểm soát còn các đối tượng khác thì không.

Ngoài nguồn ngân sách ít ỏi của nhà nước dành cho việc bảo tồn DSVH đô thị, cần có nhiều nguồn kinh phí khác của xã hội tham gia và có nghĩa vụ tham gia. Đó là từ các nhà đầu tư bất động sản vào khu vực di sản hay cơ quan nhà nước sử dụng công trình di sản. Ngoài việc tuân thủ các quy định khác của khu vực di sản, họ cần phải có nghĩa vụ về tài chính đóng góp vào việc bảo tồn cảnh quan và chính công trình di sản.

Khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư bảo tồn, trùng tu DSVH dưới sự hướng dẫn kiểm soát về chuyên môn, kỹ thuật của các cơ quan khoa học. Ưu đãi chính sách thuế hoặc nguồn thu dịch vụ có từ DSVH cho các cá nhân và nhà đầu tư… như ở Campuchia và Thái Lan đã thực hiện rất có hiệu quả.

Ngoài ra, thông tin - truyền thông cũng rất quan trọng, cung cấp cho cộng đồng và du khách những tiềm năng của DSVH đô thị Sài Gòn - TP HCM. Quảng bá về DSVH, tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng tham gia các chính sách và giám sát công tác bảo tồn DSVH. Thúc đẩy sự đổi mới nhận thức và ứng xử với DSVH.

Đặc biệt, các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và cứu vãn các giá trị DSVH vì luôn phản ánh, thông tin kịp thời về kiến thức tri thức khoa học mới về DSVH; phản ánh ý kiến nhiều chiều (người dân, nhà khoa học, nhà quản lý…) khi có một sự việc vi phạm DSVH. Khi cần có tiếng nói "trái chiều" để bảo vệ DSVH thì báo chí, truyền thông có lợi thế được dư luận xã hội chú ý và lên tiếng ủng hộ.

Khi người dân chưa có đầy đủ ý thức, luật pháp và các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh thì ý chí của chính quyền đô thị rất quan trọng. Từ ý chí này sẽ có quyết sách, giải pháp bảo vệ di sản.

TS Nguyễn Thị Hậu

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-bao-ve-gia-tri-di-san-van-hoa-do-thi-20200114214559537.htm