Làng nghề: Nét đẹp văn hóa đặc trưng Thăng Long – Hà Nội

Sáng nay (25/11) tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ đã diễn ra Hội thảo 'Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống – trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô'. Hội thảo do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức nhằm định hướng, gợi mở các giải pháp mang tính đột phá trong việc liên kết giữa làng nghề truyền thống và doanh nghiệp.

Đến dự và tham luận tại Hội thảo có các đại biểu Trung ương, các nhà quản lý văn hóa các tỉnh thành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống… cùng các đơn vị, hiệp hội: Làng nghề Việt Nam, Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Việt Nam, Viện Kinh tế - xã hội Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội…

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng báo cáo đề dẫn Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho biết: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định 12 lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa….trong đó có thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng của công nghiệp văn hóa với nhiều lợi thế để phát triển như số lượng làng nghề, nghệ nhân, nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, gần gũi với đời sống người dân miền quê như lục bình, chuối, mây, tre, nứa…

Triển khai thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Chương trình-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn ” 2016 – 2020, Hà Nọi đang hướng tới ây dựng “Thành phố sáng tạo” với nền tảng là các ngành công nghiệp mũi nhọn của Thủ đô. Phát triển ngành thủ công mỹ nghệ ở làng nghề truyền thống Hà Nội trở thành ngành “Công nghiệp sáng tạo” mũi nhọn là một trong những nội dung quan trọng của Đề án phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, rất cần thiết sự kết nối với các doanh nghiệp để xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của làng nghề.

Toàn cảnh Hội thảo.

Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống – trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” với mong muốn được trao đổi, thảo luận các vấn đề xung quanh các nội dung: Tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề truyền thống Thăng Long – Hà Nội; những thuận lợi, khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, đặc biệt trong việc kết nối doanh nghiệp với làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân của làng nghề.

Tại Hội thảo đã có hơn 10 ý kiến tham luận của các đơn vị đại diện tham dự. Chuyên gia cao cấp Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam đưa ra 2 ý kiến tham luận: Di sản văn hóa và văn hóa làng nghề và ý kiến tham luận Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Theo Chuyên gia Trần Quốc Tuấn, di sản văn hóa làng nghề Việt Nam là những di sản văn hóa thể hiện qua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã đạt mức độ tinh xảo, hoàn mỹ, độc đáo có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được sản sinh và lưu truyền trong các làng nghề truyển thống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa làng nghề, vừa nhằm phát huy , quảng bá tinh hoa văn hóa làng nghề, vừa tạo điều kiện tăng nguồn thu cho cư dân làng nghề và đóng góp vào việc tu tạo, bảo vệ di sản.

Còn PGS.TS Đỗ Thị Hảo, UVCH Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội thì cho rằng, Hà Nội là nơi hội tụ mọi “tài khéo”, mọi tinh hoa “khéo tay hay nghề” của cả nước. Một yếu tố nữa, Hà Nội còn là thủ đô của cả nước, một thị trường tiêu thụ lớn, không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn mở rộng ra nước ngoài. Dây là những điều kiện kích thích cho nghề thủ công nói chung và thủ công mỹ nghệ nói riêng của Hà Nội phát triển.

Nếu như chủ trương của Nhà nước, những kế hoạch của thành phố được thực thi một cách hiệu quả và đến tận các làng nghề thì chắc chắn nghề thủ công Hà Nội, những làng nghề Hà Nội sẽ có bước tiến dài và phát triển một cách bền vững xứng với truyền thống và tiềm năng nghề thủ công Thăng Long – Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang trở thành một điểm du lịch mới hấp dẫn đối với du khách quốc tế và một số sản phẩm làng nghề xuất khẩu của Hà Nội được đánh giá cao như mây tre đan, đồ thủ công mỹ nghệ, sơn mài, chạm khảm… thì việc giải quyết những khó khăn, thách thức còn tồn đọng được dặt ra là vô cùng cấp bách. Tuy nhiên giải pháp hiệu quả nhất chính là tăng cường kết nối doanh nghiệp với việc phát triển du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Bởi chỉ có giải pháp này mới giải quyết được thách thức về việc cân đối giữa sự phát triển kinh tế làng nghề mà vẫn giữ gìn được nét truyền thống.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng:

“Thủ đô Hà Nội với lịch sử nghìn năm văn hiến là nơi tập trung nhiều làng nghề và có nghề (chiếm gần 30% tổng số làng nghề và làng có nghề của cả nước), trong đó đã có 305 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã với các nghề như khảm trai, sơn mài, làm nón, da giày, điêu khắc gỗ, tơ lụa…Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời nhất cả nước.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, làng nghề đã thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng Thăng Long – Hà Nội. Làng nghề truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương mà còn là nơi bảo tồn, phát huy những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền thống từ đời này sang đời khác qua bàn tay tài hoa, tâm huyết và trí tuệ của lớp lớp nghệ nhân, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Bài và ảnh: Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lang-nghe-net-dep-van-hoa-dac-trung-thang-long-ha-noi-83550.html