Lắng nghe mùa xuân về

'Em ơi mùa xuân đến rồi đó, thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời/ Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn người đến với muôn đời/ Xuân ước vọng ngàn năm lại tới nghe lòng vui phơi phới kìa em nắng đã lên rồi mừng xuân hát lên thôi'.

Côn Đảo vào Xuân. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Côn Đảo vào Xuân. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Mùa xuân với màu sắc rực rỡ, hương thơm kỳ ảo và thanh âm rộn rã trải khắp muôn nơi luôn là nguồn cảm hứng lớn lao bất tận cho các văn nghệ sĩ. Dường như không một nhà thơ lớn nào không có một vài bài thơ về mùa xuân và tương tự cũng rất hiếm có một nhạc sĩ nào không có một vài ca khúc chào xuân mới. Có hàng trăm ca khúc Việt viết về mùa xuân như “Bến Xuân” (Văn Cao- Phạm Duy), Xuân và tuổi trẻ (La Hối) đầu những năm 40 thế kỷ trước; Đón xuân, Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương), Xuân đã về, Cánh thiệp đầu xuân (Minh Kỳ) đầu thập niên 50, Anh cho em mùa xuân (Nguyễn Hiền), Xuân chiến khu (Xuân Hồng) thập niên 60 vẫn liên tục vang lên song hành cùng những bản hit đình đám gần đây nhất như “Chúc Tết Việt Nam” (Hoàng Khang), “Chúc Tết” (nhạc Hoa lời Việt - Khởi My), “Mùa xuân long phụng sum vầy” (Quang Huy), “Để Mị nói cho mà nghe” (Thịnh Kainz - Kata Trần)…

Một trong những bài hát về mùa xuân được hát nhiều nhất suốt gần 45 năm qua chính là ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” sáng tác vào dịp giáp Tết Bính Thìn năm 1976 của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là mùa xuân đầu tiên nước nhà thống nhất. Niềm vui hòa bình, đoàn tụ đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ gạo cội viết lên những lời ca tràn đầy cảm xúc với giai điệu du dương, sâu lắng: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ một trưa nắng cho bao tâm hồn…”. Mùa xuân thống nhất đầu tiên ấy cũng là niềm cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ khác. Nếu nhạc sĩ Cao Việt Bách reo ca: “Em ơi vút lên một tiếng đàn kìa đàn đã so dây, cung đàn đã lựa phím ớ ơ/ Đất nước mình xôn xao mùa vui đang nở rộ. Bình minh chiến thắng reo ca, xuân về non nước bao la... Đường vui nay bước thênh thang/ Tâm hồn lộng gió em ơi….” thì nhạc sĩ Xuân Hồng lại cảm thấy “Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà” trên thành phố vừa được vinh dự mang tên Bác.

Có hai bài hát về mùa xuân ra đời cuối thập niên 70 cũng rất nổi tiếng. Đó là bài “Mùa xuân đến rồi đó” của nhạc sĩ Trần Chung với lời ca ngắn gọn, sâu sắc, giản dị, dễ hát, dễ thuộc cộng với đường nét giai điệu náo nức, mới mẻ ngay khi vừa được phát sóng trên đài tiếng nói Việt Nam vào dịp tết Mậu Ngọ đã nhanh chóng được công chúng đón nhận. Cũng là những lời trao gửi nhắc nhở của đôi lứa yêu nhau nhưng bài “Tình ca mùa xuân” của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ Nguyễn Loan ra đời năm 1979, thời điểm chiến tranh biên giới lại được ngân lên bằng những nốt nhạc sâu lắng và mượt mà “Em ơi em mùa xuân đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá giữa trời xanh xanh thẳm/ mùi hương nào rất quen nghe như làn môi ấm nghe đâu từ sâu thẳm đất chuyển mình sinh sôi”. Một ca khúc rất nổi tiếng viết về mùa xuân khác của nhạc sĩ Trần Hoàn là bài “Mùa Xuân nho nhỏ”, được phổ từ bài thơ được làm ngay trước khi mất của nhà thơ Thanh Hải dễ khiến ta xao xuyến, bồi hồi “Mọc giữa dòng sông xanh một bông hoa tím biếc… Một mùa Xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời. Mùa Xuân, mùa Xuân, mùa Xuân tôi xin hát khúc nam ai, nam bằng…”.

Nhạc sĩ Xuân Hồng, người được mệnh danh là “nhạc sĩ của mùa xuân” khi có đến 3 bài hát về mùa xuân nổi tiếng: Xuân chiến khu, Mùa xuân trên TP.Hồ Chí Minh và Mùa xuân bên cửa sổ. Mùa xuân bên cửa sổ với những câu tả thực rất táo bạo: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau…” là một bản tình ca mùa xuân tràn đầy sức sống được những người trẻ, đặc biệt là những người lính vô cùng yêu thích.

Năm 1986 đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Những bản nhạc trẻ nhẹ nhàng của một thế hệ nhạc sĩ mới tài năng như: Thanh Tùng, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Trần Tiến, An Thuyên, Phú Quang, Ngọc Đại, Ngọc Châu, Quốc Dũng… bắt đầu xuất hiện thay thế cho những ca khúc còn nặng tính tuyên truyền. “Lời tỏ tình của mùa Xuân” với hình ảnh trong trẻo về đôi bạn trẻ thong dong “đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm” cùng lời tỏ tình: “Em ơi nghe chăng mùa Xuân, mùa Xuân hát ở trong lòng… Em ơi nghe chăng tình yêu, tình yêu hé nở ban đầu… như con tim yêu thương nồng say…” của nhạc sĩ Thanh Tùng như phát pháo hiệu đầu tiên mở đầu cho hàng loạt bản tình ca mùa xuân khác. Những “Hơi thở mùa Xuân”, “Ðánh thức tầm xuân”, “Lắng nghe mùa xuân về” của Dương Thụ, “Điệp khúc mùa xuân” của Quốc Dũng, “Thì thầm mùa xuân” của Ngọc Châu, “Hoa cỏ mùa xuân” của Bảo Chấn và đặc biệt bài “Nắng có còn Xuân” của nhạc sĩ Đức Trí.

Mỗi năm chúng ta lại có thêm nhiều những ca khúc mới viết về mùa xuân. Mỗi bản nhạc dù được khai thác những khía cạnh, lát cắt riêng của cuộc sống từ tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước, niềm vui sum vầy, đoàn tụ, những nỗi nhớ, niềm thương, ước mơ và hy vọng nhưng hầu hết đều có một điểm chung đó là khiến cho lòng ta thêm ấm áp, yên vui và khiến cho mùa xuân thêm phần ý nghĩa.

AN AN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202002/lang-nghe-mua-xuan-ve-890950/