Lắng nghe kinh nghiệm từ Anh quốc về quản lý dữ liệu trong Chính phủ điện tử

Ngày nay, các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến dữ liệu mở trong xây dựng Chính phủ điện tử. Thực hiện công khai dữ liệu Chính phủ để khai thác thông tin sẽ mang lại lợi ích cho cả quốc gia. Tuy nhiên đối với nước ta, mô hình này còn khá mới, cần học hỏi từ các nước phát triển. Chuyên gia Thom Townsend đã có những chia sẻ hữu ích về quá trình mở dữ liệu tại Anh quốc và ứng dụng với bối cảnh tại Việt Nam.

Ông Tom Townsend, trưởng bộ phận Chính sách Dữ liệu, bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông & Thể thao chia sẻ kinh nghiệm quản lý dữ liệu trong chính phủ điện tử tại Tọa đàm "Mở dữ liệu Chính phủ - Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh" do Viện Nghiên cứu Chính s

Ông Tom Townsend, trưởng bộ phận Chính sách Dữ liệu, bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông & Thể thao chia sẻ kinh nghiệm quản lý dữ liệu trong chính phủ điện tử tại Tọa đàm "Mở dữ liệu Chính phủ - Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh" do Viện Nghiên cứu Chính s

Gỡ bỏ rào cản pháp lý

Hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới, có quá nhiều luật và đạo luật khiến các cơ quan chính phủ không chắc chắn về việc có được phép chia sẻ dữ liệu hay không. Theo ông Thom Townsend, lý do cho việc các cơ quan chính phủ từ chối chia sẻ dữ liệu là họ chưa nắm được luật, mặt khác có thể lợi dụng việc không hiểu để diễn giải sai luật. Sau 3 năm nghiên cứu và tổng hợp các lý do cơ bản từ chối chia sẻ dữ liệu, Anh quốc đã ban hành Đạo luật kinh tế số, đưa ra 5 quyền hạn pháp lý cho phép các bộ chia sẻ dữ liệu trong nội bộ.

“Càng đơn giản càng tốt”

Chuyên gia đến từ Anh quốc chia sẻ kinh nghiệm quản lý và bảo vệ dữ liệu Chính phủ điện tử

Để đơn giản các quy định về chia sẻ dữ liệu, mới đây Anh quốc vừa công bố “Quy định chung về bảo vệ dữ liệu”, đề cập đến 6 điểm bao gồm các lý do, cơ sở cho phép chia sẻ dữ liệu. Luật này áp dụng cho cả cơ quan Chính phủ và khu vực tư nhân, đặt nguyên tắc “Đồng thuận” lên hàng đầu. Cụ thể, nguyên tắc này nêu rõ: “Cá nhân bày tỏ sự đồng thuận rõ ràng, không có điểm mờ ám cho phép chúng ta quyền xử lý dữ liệu của họ, xử lý dữ liệu cá nhân vì một mục đích rõ ràng, cụ thể”.

Tuy nhiên trong quá trình đơn giản hóa, phía Anh quốc cũng gặp những thách thức về mặt kỹ thuật, đó là chất lượng dữ liệu và sự tiếp cận dữ liệu. Theo khảo sát của ông Thom Townsend, đây cũng chính là thách thức lớn nhất trong việc xây dựng kho dữ liệu mở tại Việt Nam.

Giải pháp của Anh quốc đưa ra trong việc giải quyết khó khăn về chất lượng dữ liệu là hợp nhất thông tin. Để tích hợp tất cả thông tin vào một kho duy nhất đòi hỏi tất cả dữ liệu phải thống nhất, đảm bảo độ chính xác và được lưu trữ một lần trên hệ thống, dễ dàng tra cứu cho các lần sau. Cụ thể, ông Thom đưa ra ví dụ về tiếp cận dữ liệu thông qua API, bao gồm bảng thông tin cập nhật dữ liệu một lần, những lần sau không phải nhập lại nữa tránh việc sai sót trong quá trình nhập liệu làm nhiễu thông tin.

Giải pháp quản lý dải dữ liệu

Quản lý dữ liệu là một vấn đề lớn đối với mỗi quốc gia. Tại Anh quốc, ước tính có đến 45.000 tập dữ liệu đã được công bố, tuy nhiên chỉ một phần nhỏ trong số đó hữu ích. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để đạt được hiệu quả tối ưu trong việc quản lý dữ liệu, nhất là dữ liệu mở của Chính phủ?

Ông Thom Townsend chia sẻ, Anh quốc hiện nay đang chú trọng việc chia sẻ dữ liệu mở một cách có hiệu quả. Thay vì công bố hàng loạt dữ liệu lên thì hiện tại Chính phủ Anh đã cải cách theo hướng người dùng có thể tìm kiếm thông tin phù hợp theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, Anh quốc còn đẩy mạnh sự tương tác của các cá nhân, doanh nghiệp trong kho dữ liệu mở của Chính phủ. “Bản thân dữ liệu không có giá trị gì cả, khi nào có dữ liệu cộng với sự tham gia mới tạo ra giá trị. Tôi nghĩ ở Anh chúng tôi đã dành nhiều thời gian chỉ tập trung nhiều và dữ liệu và đến thời điểm hiện tại cần nói nhiều hơn đến phần 2 của chương trình là sự tham gia”, ông Thom Townsend chia sẻ.

Một trong những hiệu quả đạt được từ việc quản lý dữ liệu thông minh tại Anh quốc là thương mại hóa dữ liệu. London là nơi có hệ thống cơ sở dữ liệu giao thông vận tải chi tiết nhất thế giới và công bố dữ liệu hoàn toàn miễn phí. Theo nghiên cứu, giá trị thu được từ dữ liệu giao thông vận tải tại Anh quốc là 167 triệu bảng (khoảng 300 triệu USD).

Citymapper là ví dụ điển hình của doanh nghiệp sử dụng dữ liệu công khai của chính phủ để đóng góp ý tưởng cho chính phủ. Ảnh: CItymapper

Ví dụ điển hình cho sự thành công này là công ty Citymapper, doanh nghiệp áp dụng mô hình xe buýt thông minh không chạy theo lộ trình tuyến mà đón khách linh động theo nhu cầu sử dụng. Công ty này đã đàm phán với các cơ quan Chính phủ theo tầm nhìn: thay vì đặt tuyến cố định tại sao không sử dụng dữ liệu có trong tay để biến tuyến đó thay đổi theo ngày, theo năm để đáp ứng nhu cầu người dùng. Họ sử dụng dữ liệu mở về giao thông cho phép theo dõi điểm đón khách, từ đó thay đối lộ trình phù hợp. Kết quả sau khi áp dụng mô hình, định giá doanh nghiệp này đã lên đến hơn 1 tỷ USD. Đây là bài học kinh nghiệm giúp Chính phủ nhận ra những hiệu quả khi quản lý dữ liệu đúng cách.

Có nên tính phí dữ liệu?

Không chỉ Anh quốc, rất nhiều quốc gia đang băn khoăn trong vấn đề tính phí dữ liệu. Theo những chia sẻ từ ông Thom Townsend, hệ thống dữ liệu không gian địa lý của Anh quốc gồm nhiều công cụ thu thập khác nhau như dữ liệu vệ tinh, hình ảnh chụp từ máy bay trên cao… hàng năm tốn khoảng 350 triệu GBP. Chính phủ đang bán dữ liệu đó, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và start up lại muốn tiếp cận miễn phí. Chính phủ đã có tranh cãi về việc phân quyền tính phí dữ liệu. Anh quốc đã tạm thời đưa ra dự án 3 năm theo cơ chế miễn phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính phí cho doanh nghiệp lớn. Mô hình này hiện vẫn đang tiến hành theo dự án và lấy ý kiến điều chỉnh.

Khánh LinhViệt Anh

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/lang-nghe-kinh-nghiem-tu-anh-quoc-ve-quan-ly-du-lieu-trong-chinh-phu-dien-tu-307347.html