Làng nghề gỗ loay hoay trong bối cảnh hội nhập

Sáng nay (19/1), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo làng nghề gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và các lựa chọn về chính sách phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội nghị

Từ thực trạng sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ của 5 làng nghề gỗ vùng đồng bằng sông Hồng gồm: La Xuyên, Vạn Điểm, Đồng Kỵ, Liên Hà, Hữu Bằng, ông Đặng Việt Quang - chuyên gia Tổ chức Forest Trend cho biết, trong những năm vừa qua đã có những tín hiệu rõ ràng thể hiện sự dịch chuyển trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong các làng nghề gỗ theo hướng thân thiện với môi trường, thể hiện ở số lượng các loài gỗ quý hiếm có rủi ro cao về tính pháp lý, nguồn gốc từ nhập khẩu giảm, trong khi các loài gỗ thân thiện với môi trường tăng. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh ngành gỗ của Việt Nam đang đi theo hướng bền vững hơn về nguồn nguyên liệu, thân thiện hơn về môi trường.

Bên cạnh những dịch chuyển tích cực là những rủi ro và khó khăn mà các hộ trong làng nghề đang phải đối mặt. Ông Nguyễn Tôn Quyền – Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho hay, đến nay, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề còn mang đậm tính tự phát; hiểu biết về các quy định pháp lý còn hạn chế.

Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) được Chính phủ Việt Nam và EU cơ bản thống nhất vào tháng 5/2017 có mục tiêu loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng, đưa ra các quy định cụ thể về tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ. Với thực trạng sản xuất kinh doanh của các hộ trong làng nghề hiện nay, hầu hết các hộ tại các làng nghề được khảo sát không thể đáp ứng với các quy định này.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, lựa chọn chính sách tốt nhất cho các hộ tại các làng nghề gỗ hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập là hỗ trợ chính thức hóa các hộ này. Chính thức hóa là cơ sở giúp các hộ đáp ứng được với các yêu cầu của VPA, bao gồm tuân thủ các quy định hiện hành về các khía cạnh như sử dụng nguyên liệu đầu vào, sử dụng lao động, các biện pháp bảo vệ môi trường. Chính thức hóa sẽ có cơ hội giúp hộ cải thiện điều kiện làm việc, đáp ứng các yêu cầu về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ, tạo nguồn thu cho ngân sách quốc gia.

Ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh, trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các cam kết nhằm loại bỏ nguồn gỗ bất hợp pháp, hỗ trợ các hộ chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh doanh chính thức là hết sức cần thiết. Để làm được việc này không chỉ đòi hỏi mối quan tâm xác đáng và các ưu tiên của Chính phủ mà còn có vai trò quan trọng của cộng đồng quốc tế, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và bản thân các hộ tại các làng nghề hiện nay.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/lang-nghe-go-loay-hoay-trong-boi-canh-hoi-nhap.html