Lắng nghe, đối thoại ngay từ cơ sở

Quốc hội (QH) tuần vừa qua dành riêng thời lượng cho chương trình nghị sự của kỳ họp thảo luận và nghe báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Vấn đề lâu nay vốn được xem là nội dung nóng, nhạy cảm trong xã hội, được các đại biểu QH phân tích thấu đáo, từ nhiều góc cạnh; qua đó, chuyển tải tâm tư, kiến nghị của cán bộ, người dân từ cơ sở.

Những nội dung cơ bản trong lĩnh vực KNTC được đề cập đầy đủ trong các báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân Tối cao, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của QH và Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH. Ðông đảo cử tri và nhân dân ghi nhận những nét đổi mới trong hoạt động của QH qua theo dõi các chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Về giải quyết KNTC, từ thực tiễn phát triển khách quan của đất nước nhiều năm qua, có thể nói, đây là nội dung công tác hằng năm, xuyên suốt. Tuy nhiên, tình hình KNTC có lúc, có nơi vẫn phức tạp, gay gắt. Ðến nay, nhiều nguyên nhân được các cấp, ngành, địa phương nhận thức khá đầy đủ, đó là: Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn bất cập, nhất là lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, một số chính sách về xã hội; điểm "vênh" trong bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân - Nhà nước và doanh nghiệp. Nguyên nhân khác cũng từ sự chồng chéo, xung đột nội dung quy định ngay trong các chính sách, quy định pháp luật. Nhiều đại biểu như: Trần Thị Dung (Ðiện Biên), Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) thẳng thắn chỉ rõ: Việc vi phạm pháp luật của một số cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ, nhiệm vụ, gây thiệt hại lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cơ quan, tổ chức, cá nhân là nguyên nhân gây phát sinh KNTC. Một số cơ quan, đơn vị, công tác giải quyết KNTC chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Các đại biểu QH nhận định, từ các báo cáo và chuyên đề nghiên cứu về vấn đề KNTC và an ninh nông thôn cho thấy, hầu hết các vụ việc phức tạp, các điểm nóng đều phát sinh từ cơ sở. Theo phân tích của đại biểu Ngọ Duy Hiểu, việc trong dân xảy ra hằng ngày; việc nhỏ có, việc lớn có; từ việc bình thường đến việc bức xúc phức tạp, có những việc tạo thành điểm nóng. Vấn đề đặt ra là, cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có sâu sát, gần dân, sớm nắm bắt các vấn đề trong dân hay không. Cần biết lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với người dân, cùng giải quyết các vấn đề của dân ngay từ cơ sở, khi vụ việc mới phát sinh.

Cùng chung quan điểm nêu trên, một số đại biểu cho rằng, cần gắn việc đối thoại, tiếp công dân với giải quyết KNTC. Ðề cập tình trạng vi phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, đại biểu Ðỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, có những vụ việc chưa được giải quyết triệt để, chưa "thấu tình, đạt lý", khiến KNTC kéo dài, phức tạp. Ðại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) thẳng thắn chỉ ra một số vụ việc có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc trả lời vòng vo của các cơ quan chức năng và cán bộ có thẩm quyền giải quyết các vụ việc. Chính vì không được trả lời rõ ràng, giải quyết thấu đáo cho nên sự việc kéo dài, gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng kinh tế của Nhà nước và nhân dân. Nhiều đại biểu phản ánh, vẫn còn những bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành, một số quyết định oan, sai trong hoạt động tố tụng làm phát sinh tình hình KNTC.

Tuần vừa qua, QH dành một ngày rưỡi thảo luận sâu các báo cáo quan trọng về phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng. Những nội dung này có mối quan hệ, liên kết qua lại, gần gũi công tác giải quyết KNTC. Theo ý kiến nhiều đại biểu QH, nếu giải quyết tốt công tác KNTC, sẽ phát huy cao nhất vai trò và sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Nội dung được thảo luận càng phù hợp khi tại kỳ họp này, QH thảo luận cho ý kiến về các dự án Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng.

Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, các nội dung, lĩnh vực chuyên đề về kinh tế - xã hội, phòng, chống tội phạm, hay công tác giải quyết KNTC, có nhiều đại biểu đăng ký tham gia tranh luận, đưa ra ý kiến lập luận đồng ý hay chưa đồng ý với nội dung trước. Tham gia phát biểu tranh luận có sự góp mặt ngày càng đông số lượng đại biểu trẻ, đại biểu nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số cho thấy, bước chuyển rõ nét, tích cực sang mô hình QH tranh luận đúng nghĩa, hấp dẫn và hiệu quả. Nhiều đại biểu ở các địa phương có cơ hội nêu ý kiến trước nhân dân cả nước. Thời gian, thời lượng của chương trình làm việc hợp lý, được bố trí khoa học.

Những nội dung báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết KNTC của công dân gửi đến QH, Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về lĩnh vực này là những tài liệu, căn cứ để các đại biểu QH tiếp tục xem xét thảo luận, hoàn thiện các dự án luật quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới.

Chính phủ phải chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học giỏi tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Ðất đai năm 2013, làm sao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết căn bản tình hình khiếu nại, tố cáo kéo dài suốt 10 năm qua.

Ðại biểu Phạm Trí Thức

(Thanh Hóa)

Nguyên tắc dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" dường như chưa được hiểu và thực hiện một cách đúng đắn. Ðề nghị QH đưa việc giám sát chất lượng cán bộ vào chương trình giám sát tối cao.

Ðại biểu Lưu Bình Nhưỡng

(Bến Tre)

Nguyên tắc dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" dường như chưa được hiểu và thực hiện một cách đúng đắn. Ðề nghị QH đưa việc giám sát chất lượng cán bộ vào chương trình giám sát tối cao.

Ðại biểu Lưu Bình Nhưỡng

(Bến Tre)

VĂN NGHIỆP CHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34690502-lang-nghe-doi-thoai-ngay-tu-co-so.html