Làng miến Khánh Xuân tất bật sau Tết

Sau Tết Nguyên đán, gần 50 hộ dân thuộc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ sản xuất bún - miến - phở khô Chi Lăng tất bật sản xuất giao cho khách hàng.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều xã viên thuộc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ sản xuất bún - miến - phở khô Chi Lăng, Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) tấp nập sản xuất để giao cho khách hàng.

Bà Hoàng Thị Luyến (39 tuổi - 18 năm gắng bó vưới nghề làm miến) cho biết, trước đây vợ chồng sinh sống bằng nghề trồng cà phê, hồ tiêu nhưng thấy mức thu nhập bấp bênh nên quyết định chuyển sang làm miến, phở khô.

Thời gian đầu, các công đoạn làm miến đều được làm thủ công. Từ ngâm gạo, xay bột đến máy ép miến đều sử dụng dụng cụ thô sơ, cần nhiều sức. Những năm gần đây, các gia đình chuyển sản xuất miến, phở khô bằng máy móc.

Theo bà Luyến, do đưa máy móc vào sản xuất nên mỗi ngày làm khoảng 3 tạ gạo, riêng những ngày giáp Tết sản xuất đến 5 tạ, cho thu nhập hơn 1 triệu đồng/người/ngày.

Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ sản xuất bún - miến - phở khô Chi Lăng có gần 50 xã viên. Tuy nhiên, mỗi xã viên có một thương hiệu miến riêng.

Tại cơ sở sản xuất miến của gia đình bà Hoàng Dẻo (50 tuổi) cách đó 50 m cũng đang tất bật sản xuất miến, phở để giao cho khách hàng. Bà Dẻo dùng máy để ép bột cho khô nước trước khi đưa đi sản xuất.

Để kịp số lượng sản phẩm giao cho khách hàng, cả nhà bà Dẻo phải làm việc liên tục. Theo bà Dẻo, mỗi năm gia đình lãi từ 200 đến 300 triệu đồng từ làm miến.

Trước khi đưa miến đi phơi, những chùm miến được rửa qua nước lạnh, tuốt thủ công để làm tơi, như vậy sẽ khô nhanh hơn.

Miến được phơi trên các sào tre.

Trước đây, các hộ dân còn làm thủ công, phơi ngoài đường nên không đảm bảo vệ sinh. Sau khi thành lập hợp tác xã, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân làm nhà lồng để phơi miến nhằm đảm bảo vệ sinh.

Các sào miến được phơi cách xa nhau để nhanh khô.

Để miến nhanh khô, các gia đình còn sắm thêm quạt công suất lớn. Nếu miến phơi nắng lớn thì khoảng 2 ngày mới khô, riêng có thêm quạt thì chỉ mất một ngày.

Để đảm bảo sợi miến khô đều, nhiệt độ trong nhà lồng luôn ở mức trên 30 độ C.

Theo một lãnh đạo phường Khánh Xuân, vừa qua địa phương đã trình hồ sơ đến UBND TP Buôn Ma Thuột đăng ký sản phẩm OCOP cho miến khô và liên kết các đơn vị tiêu thụ sản phẩm cho bà con. “Sản phẩm miến Chi Lăng đã được đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc, sản phẩm chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần khẳng định thương hiệu. Nhiều năm qua, hợp tác xã làm miến đã giúp cho hàng chục hộ dân có được mức thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế của địa phương”, lãnh đạo phường Khánh Xuân nói.

Quang Yên

Quang Yên

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lang-mien-khanh-xuan-tat-bat-sau-tet-i285007.html