Làng mẫu thường xuyên bị tố không chuyên nghiệp: Vì chọn 'người ngoại đạo' làm vedette?

Không lạ lẫm gì khi vài hôm, giới giải trí lại rộ lên tin đồn, cô A, người mẫu B, ca sĩ B chảnh chọe, bỏ show, bỏ tập, thiếu chuyên nghiệp trên sàn catwalk. Lần này, đối tượng bị chỉ trích là Hương Giang...

Thì cũng đúng thôi, một ca sĩ, một hoa hậu, tự dưng được mời vị trí vedette cho một đêm diễn thời trang, làm sao có thể hiểu được quy tắc của đêm diễn thời trang (như lời Hương Giang giải thích).

Đây cũng là bài học cho các nhà thiết kế và các show thời trang Việt, khi mà cứ thích chọn người ngoài ngành vào vị trí trung tâm, khoác lên họ những trang phục lộng lẫy rồi bảo họ đi trên đường băng trình diễn, bất chấp mọi quy luật.

Rõ ràng, đến các người mẫu chuyên nghiệp nhất cũng rất vất vả mới có thể có một suất trình diễn. Trước các sự kiện thời trang, họ phải gửi hồ sơ cá nhân để tham gia tuyển chọn (thường gọi là casting). Để được các nhà mốt lựa chọn trình diễn, ngoài kỹ năng catwalk, người mẫu ấy phải có diện mạo phù hợp, hình thể phù hợp với trang phục.

Ở nước ngoài, các tiêu chuẩn casting người mẫu rất khắt khe, mỗi nhà mốt lại có yêu cầu khác nhau về mẫu. Đến các ngôi sao làng thời trang, người mẫu trình diễn có kinh nghiệm vẫn phải casting và hoàn toàn có thể bị loại.

Hương Giang lý giải việc “lỡ” màn trình diễn catwalk của mình là do chưa hiểu hết những quy tắc riêng của ngành thời trang. (Ảnh tư liệu)

Hương Giang lý giải việc “lỡ” màn trình diễn catwalk của mình là do chưa hiểu hết những quy tắc riêng của ngành thời trang. (Ảnh tư liệu)

Nếu để ý, có thể thấy các nhà mốt nước ngoài coi trọng diện mạo và thể hình của người mẫu, xem có phù hợp với bộ sưu tập họ sắp trình diễn hay không. Kha Mỹ Vân, Cao Thiên Trang, Hoàng Thùy, Tuyết Lan… từng phải rất vất vả mới có được một suất diễn ở các tuần lễ thời trang quốc tế.

Tiêu chí quan trọng nhất là tôn vinh thiết kế, người mẫu phải làm nổi bật bộ trang phục, chứ không phải để khán giả ngồi xem mặt cô mẫu nào xinh, người ai chuẩn và bốc lửa hơn.

Làng mẫu thế giới có khách mời cho đêm diễn, tuy nhiên khá hiếm hoi và khách mời ấy dù hoạt động ở ngành khác nhưng không xa lạ với giới thời trang, họ có thể đã là người mẫu từ trước đó.

Còn ở Việt Nam, hầu hết hoa hậu sau đăng quang đi diễn thời trang, kiểu như “hoa hậu lấn sân người mẫu”, ở chiều ngược lại, cũng có người mẫu đi thi hoa hậu, như Mâu Thủy và Hoàng Thùy. Nhà thiết kế thân ai, thì mời luôn họ diễn trang phục của mình, thậm chí cho thành vedette luôn. Kiểu như Hoàng Thùy Linh, Đông Nhi… vốn nổi tiếng trong giới ca sĩ, được mời thành người mẫu trung tâm của bộ sưu tập, dù cả chiều cao lẫn kỹ năng đều chưa thể phù hợp với sàn catwalk.

Đến ngay cả Bùi Tiến Dũng, mới nổi sau thành tích ấn tượng của đội tuyển U23 ở giải U23 châu Á, ngay lập tức đã trở thành khách mời trên sàn catwalk. Tất nhiên, Dũng lóng ngóng đút trượt tay vào túi quần khi đang trình diễn cũng chẳng làm sao, vì khán giả không đang xem người mẫu, không xem trang phục mà đang xem một người nổi tiếng diễn catwalk.

Vì sử dụng nhiều “người ngoại đạo” mà cứ thi thoảng làng mốt lại có chuyện: Hai hoa hậu tranh nhau vị trí vedette, đến mức nhà thiết kế phải đi ra đi vào cùng hai người, đến hai lần. Và vì thế mới có chuyện, ca sĩ Hương Giang ngồi trong phòng một mình, không ai nhắc ra trình diễn, kết cục là… lỡ luôn phần trình diễn của mình.

Hương Giang đang là cái tên rất gây chú ý, khi chiến thắng vang dội tại cuộc thi Hoa hậu chuyển giới quốc tế với rất nhiều lời khen ngợi. Trước đó, Hương Giang là ca sĩ, thỉnh thoảng có tham gia vài game show truyền hình, chứ chưa bao giờ đóng vai trò là người mẫu chuyên nghiệp.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước sự việc Hương Giang Idol bị NTK Hà Duy tố mắc bệnh ngôi sao và tố chảnh chọe, thiếu chuyên nghiệp trong show diễn của NTK này. Trước đó, theo giới thiệu, Hương Giang Idol và Phạm Hương sẽ là vedette kết màn tuy nhiên khi kết thúc, chỉ mình Phạm Hương xuất hiện. Nhiều người tỏ ra thắc mắc khi Hương Giang đã tới chụp ảnh thảm đỏ nhưng không được trình diễn.

Mới đây, trước những lời tố, Hương Giang Idol đã chính thức lên tiếng trên trang cá nhân. Chia sẻ về sự cố, Hương Giang thừa nhận, cô cảm thấy buồn khi đã sẵn sàng diễn nhưng không được ai mời lên sân khấu. Tuy nhiên, cô khẳng định chưa từng đổ lỗi cho Ban tổ chức bởi, với cô, việc làm người mẫu hay vedette là điều xa lạ so với những kinh nghiệm trong quá khứ.

Nhiều người trong nghề cho rằng, việc Hương Giang cứ ngồi một mình tại phòng thay đồ chính là biểu hiện của việc thiếu chuyên nghiệp. Tại sao không thấy ai nhắc, cô lại không hỏi và tại sao chỉ có duy nhất mình ngồi trong phòng, các người mẫu cùng trình diễn khác đi đâu, cô không thắc mắc, để rồi làm lỡ phần trình diễn của chính mình.

Khoan bàn có phải Hương Giang chảnh chọe thiếu chuyên nghiệp hay không, mà rõ ràng việc này đúng phần nào như Hương Giang nói: Nó xa lạ đối với một cá nhân không phải người mẫu – một người ngoại đạo. Khi nhà thiết kế mời khách, họ phải chú ý đến khách mời, khách mời lại phải chú ý làm tròn vai trò của mình, nếu là một người mẫu chuyên nghiệp, chắc chắn không có chuyện “ngồi chờ người gọi ra diễn nhưng không thấy ai”.

Thời trang Việt những năm gần đây đang có xu hướng tiệm cận hơn với hơi thở thời trang quốc tế, điều này thể hiện ở rất nhiều điểm: Các tuần lễ thời trang quốc tế tại Việt Nam ngày càng thu hút giới mộ điệu, các bộ sưu tập có tính ứng dụng, bắt kịp xu hướng thời trang thế giới, các người mẫu có cơ hội trình diễn nước ngoài nhiều hơn.

Nhưng để chuyên nghiệp, thời trang cũng cần những cá nhân chuyên nghiệp, nếu ham mê những “cá nhân ngoại đạo” chỉ vì họ nổi tiếng chứ chưa phù hợp, thì sàn diễn trong nước vẫn còn những chuyện tương tự xảy ra, chỉ ồn ào và không giúp gì cho việc tôn vinh một bộ sưu tập.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/lang-mau-thuong-xuyen-bi-to-khong-chuyen-nghiep-vi-chon-nguoi-ngoai-dao-lam-vedette-118450.html