Lãng mạn bản Cát Cát

Đa phần những người đã đến du lịch ở Sa Pa (Lào Cai) đều không quên ghé thăm bản Cát Cát, nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn. Đây là điểm du lịch lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu khám phá đời sống người dân vùng cao Tây Bắc.

Từ TP Hạ Long đến Sa Pa khoảng 447km, bạn có thể đi bằng xe khách tuyến Hạ Long – Lào Cai của hãng Phúc Xuyên hoặc đi xe riêng. Bản Cát Cát ở xã San Sả Hồ, nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 3km, đường giao thông tốt, có thể đi xe đến tận bản.

Bản Cát Cát được hình thành từ thế kỷ 19. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã chọn Cát Cát làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức và gọi là Catscat, sau đó được người dân Việt hóa thành Cát Cát (Tiếng Pháp Catscat tạm dịch là Mèo Mèo, tương tự tiếng Anh thì Cat cũng là mèo, rất có thể Cát Cát để chỉ một bản tập trung người Mông sinh sống).

Đường vào bản Cát Cát (ảnh chụp từ tháng 1/2020)

Đường vào bản Cát Cát (ảnh chụp từ tháng 1/2020)

Chúng tôi đến bản Cát Cát vào tháng Giêng nên thời tiết khá ẩm ướt. Con đường vào bản nhiều đoạn được lát đá. Sắc màu của bản hiện dần ra qua các ngôi nhà người Mông được làm bằng gỗ 3 gian, mái lợp ván gỗ, vách thưng bằng gỗ xẻ. Mỗi ngôi nhà đều có 3 cửa ra vào.

Người hướng dẫn cho biết, bình thường nếu gia đình người Mông không làm dịch vụ bán hàng, thì cửa chính thường đóng kín, họ chỉ mở cửa phụ ở hai gian bên, cửa chính chỉ mở khi gia đình có công việc.

Hiện nay, do việc phát triển du lịch, đa phần các ngôi nhà đều được mở cửa, người dân bán quần áo thổ cẩm, túi xách, khăn quấn hoa văn đậm nét người Mông… Một số gia đình làm các nghề thủ công se sợi lanh dệt vải. Công việc hàng ngày của họ nhưng cũng gây tò mò cho nhiều du khách.

Cuộc sống ở bản Cát Cát rất sôi động trước dịch Covid-19.

Bản Cát Cát còn lưu giữ khá tốt các nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải. Các sản phẩm thổ cẩm do bà con làm ra có độ tinh xảo cao, phong phú về họa tiết trang trí. Người Mông ở bản Cát Cát nhiều người còn có nghề chế tác các sản phẩm bằng đồng, hay bạc rất tinh xảo và đẹp mắt.

Cuộc sống trước đây nhiều năm xa các đô thị đông đúc, do vậy đã thành truyền thống bà con tự đan các dụng cụ hàng ngày cho mình để sản xuất như: Rổ, gùi đeo lưng…, hay tự rèn các con dao đi rừng.

Khí hậu ở bản Cát Cát có nhiều ngày ẩm ướt hơn các vùng khác nên rất nhiều cánh đồng hoa được trồng trên đường dẫn vào bản luôn tỏa hương khoe sắc.

Các loại hoa như bất tử, hướng dương, hồng, cúc... nổi bật giữa nền trời màu xanh vẩn vơ những đám mây trắng khi trời nắng, hay nhòa nhòa các dãy núi xa xa lãng đãng trong mầu sương khi trời âm u, tạo thành bức tranh thiên nhiên thật lãng mạn.

Gần như quanh năm, các cánh đồng hoa ở đầu bản Cát Cát đều khoe sắc.

Trung tâm bản Cát Cát là nơi hội tụ của 3 dòng suối ngày đêm chảy rì rào, gồm các suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc. Nơi đây có ngọn thác Cát Cát (còn gọi là thác Tiên Sa) nguồn nước dồi dào, bọt tung trắng xóa. Bên cạnh thác có cầu Si, cầu A Lử sàn bằng gỗ, từ đây nhìn ra dòng thác Cát Cát đầy dáng vẻ thơ mộng.

Cát Cát còn quyến rũ du khách với các điệu múa của các cô gái bản, điệu khèn, tiếng đàn môi của các chàng trai say đắm. Nếu thích, bạn cũng có thể hòa cùng các cô gái Mông trong các điệu múa, nhảy sạp rộn ràng.

Bản Cát Cát được coi là bản đẹp nhất của vùng cao Tây Bắc, để lại cho chúng ta những kỷ niệm khó quên khi đã đến nơi này.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202004/lang-man-ban-cat-cat-2479608/