Làng lưu giữ văn hóa tâm linh của người Việt

Những ngôi làng tồn tại song hành cùng thời gian, khoác cho mình chiếc áo trầm tư của bao kí ức về một làng quê Việt cổ với những nét đẹp văn hóa đậm chất dân gian, với di tích lịch sử tự bao đời cùng những câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Làng Việt như một hồn quê không thể thiếu trong tâm tưởng của mỗi người vừa thân thương, vừa gần gũi.

Làng Phú Xá là một ngôi làng như thế, với những di tích lịch sử từ xưa cho đến nay, người dân trong làng còn thuộc bài thơ ca ngợi chốn tổ quê hương: “Phú Xá có mái đình cong/ Có mộ bà Điểm có ông nghè Kiều/ Đình làng làm tại trong triều/ Nguyên do nhờ có cụ Kiều xin ra/ Chuyện này kể tự xa xưa/ Lập làng Phú Xá cũng là từ đây/ Mùa thu năm ấy, đình này/ Đón Hồ Chủ tịch qua đây vào thành...”.

Dấu ấn Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Dọc triền đê sông Hồng lộng gió, đến chân cầu Nhật Tân ta thấy biển chỉ vào làng Phú Xá là một ngôi làng cổ thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngay từ đầu làng đã thấy một khu di tích lịch sử cấp thành phố, đó là mộ của nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm, trong một khuôn viên rộng chừng 40 m vuông, xung quanh là cây xanh xào xạc. Những cây đại trổ hoa rơi lác đác xuống thềm. Bà an nghỉ cùng hai người phụ nữ là vợ cả và vợ hai của cụ Nguyễn Kiều - quan lớn trong triều Lê - Trịnh.

Năm 2011, UBND phường Phú Thượng đã làm lễ hợp táng đưa cụ Nguyễn Kiều về quy tập cùng mộ bà Đoàn Thị Điểm và hai người vợ đầu của ông.

Đình Phú Xá sau khi trùng tu tôn tạo.

Bà Đoàn Thị Điểm là người huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, từ nhỏ bà đã nổi tiếng hay chữ và có tài đối đáp. Trong kho tàng truyện dân gian Thăng Long còn để lại nhiều giai thoại tài đối đáp thông minh, hóm hỉnh của bà qua những cuộc tiếp xúc với các danh sĩ cùng thời như danh sỹ Đặng Trần Côn, tiến sỹ Nhữ Đình Toản, tiến sĩ Nguyễn Công Phái...

Bà Điểm chẳng những có văn tài xuất chúng mà nhan sắc cũng vô cùng kiều diễm, cử chỉ đoan trang, thông minh mẫn tiệp, tiếng lành đồn xa khắp các trấn. Tiến sĩ Nguyễn Kiều sinh năm 1695 trong một gia đình nhà Nho người làng Phú Xá. Năm 18 tuổi ông thi đỗ hương nguyên, năm 21 tuổi đỗ tiến sĩ khoa thi năm Ất Mùi 1715. (Ông là một trong tác giả hệ thống văn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Được ban sắc giữ chức Cẩn sự tá lang Hiệu úy Hàn lâm Viện. Tuổi trẻ tài cao nên tiến sĩ Nguyễn Kiều được Thượng thư Lê Anh Tuấn yêu mến gả con gái là Lê Thị Hằng. Cuộc sống vợ chồng vừa mới bắt đầu thì không may bà Hằng qua đời khi tuổi mới đôi mươi. Ít lâu sau, quan Thượng thư Nguyễn Quý Đức gả con gái là Nguyễn Thị Đoan, cuộc hôn nhân này mang đến cho tiến sĩ Nguyễn Kiều 2 người con trai và 1 người con gái.

Loan phòng chưa được lâu, năm 30 tuổi bà qua đời, tiến sĩ Nguyễn Kiều sống trong cảnh phòng không giá lạnh. Năm 1742, nhận được ấn tín của triều đình đi sứ sang Trung Quốc, trước khi lên đường, tiến sĩ đã nên duyên chồng vợ với Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Lúc đấy tiến sĩ Nguyễn Kiều 47 tuổi còn Hồng Hà nữ sĩ bước sang tuổi 37.

Lấy vợ chưa đầy tháng thì tiến sĩ Nguyễn Kiều đi sứ sang nhà Thanh, Trung Quốc. Đoàn Thị Điểm lúc này ở nhà chăm mẹ già, các con chồng như máu mủ tình thân. Sau 3 năm đi sứ, năm 1745, tiến sĩ Nguyễn Kiều về nước, đoàn tụ với vợ chưa được bao lâu thì năm 1748, ông được triều đình cử Trấn Sở Nghệ An. Lần này ông tha thiết mời bà đi cùng vào nơi nhậm chức.

Gia phả của dòng họ ghi lại cảnh đi này: “Khi đến gần phố Cát, đoàn thuyền dừng lại để bà Điểm lên làm lễ ở đền Sòng, nơi thờ công chúa Liễu Hạnh. Bà Điểm bị cảm lạnh ở đây, mặc dù đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng không khỏi, bà qua đời vào ngày 11-9 năm Mậu Thìn (1748) hưởng dương 44 tuổi. Linh cữu của bà được đưa về quê hương chồng tại làng Phú Xá. Ông Kiều vô cùng thương xót, làm bài văn tế vợ rất bi ai.

Ngôi đình cổ có tự lâu đời

Đình Phú Xá nằm sâu trong làng, đi qua những con ngõ ngoằn ngoèo nhưng lại gần với đê sông Hồng, chỉ cách mươi bước chân là ra đường nhựa dài tít tắp. Sân đình rộng có cây roi già mấy trăm năm tuổi. Có tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thờ ở sân đình. Trong đình không khí uy nghiêm, bảng lảng mùi nhang khói.

Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Kiều bên trong đình Phú Xá.

Ông Nguyễn Quốc Thiện, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phú Thượng, giờ là trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng và cũng là người chép sử của làng kể: “Đầu thế kỉ XVIII, đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9. Cụ nghè Nguyễn Kiều giữ chức Đô Ngự sử Tước Cẩm Xuyên Hầu Binh Bộ Tả thị lang Phó Tể tướng đã xin được một cung điện làm sai quy cách của nhà vua và cho chuyển cái cung điện đó từ trong thành Thăng Long theo dòng sông Tô Lịch vào sông Thiên Phù về làng Phú Xá để xây dựng đình.

Hiện nay, chính giữa hậu cung là hai bộ ngai thờ Thành Hoàng, Nhị vị Đại vương, bên phải thờ tiến sĩ Nguyễn Kiều và nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm. Bên trái thờ kiệu quan Hà Bá. Gian bên trong đình thờ 2 kiệu, (kiệu anh và kiệu em) từ thời hậu Lê. Trong đình còn có 2 ngựa thần, 1 đôi hạc, 2 bộ chấp kính, 2 ông phỗng đá và 1 chum Ngô để trong ngày hội, dân làng tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng về đình.

Trong đình còn có ban thờ cụ Thánh Tăng, là một sự tích độc đáo. Chuyện kể rằng từ lâu lắm rồi, sau khi xây đình được ít lâu thì làng Phú Xá có bức tượng một cậu bé 14-15 tuổi, khuôn mặt hiền hậu, xiêm áo lộng lẫy gấm điều đến đoạn ngoặt vào làng có ghềnh đá bạc và dòng thác, những vật trôi từ thượng nguồn xuống đều dừng lại ở ghềnh đá bạc này. Các bô lão trong làng trông thấy bức tượng thì cầm sào đẩy bức tượng qua dòng thác. Nhưng chỉ một lúc sau là bức tượng lại theo dòng nước quay lại ghềnh đá bạc.

Các cụ thấy bức tượng thiêng nên vớt lên. Các bô lão trong làng thấy bức tượng là cậu bé còn trẻ nên để thờ, lấy ngày ngày rằm Trung thu làm ngày giỗ và là để thờ ở nơi tuần, đinh, miếu mạo, điếm canh dọc triền đê. Cụ Thánh Tăng sau nhiều năm được thờ ở khắp nơi lại được các cụ trong làng rước về đình. Nhìn cụ Thánh Tăng dung mạo uy nghiêm tráng lệ, áo gấm phủ điều bên cạnh là cây đèn ông sao tết Trung thu dành cho trẻ nhỏ vừa ấm áp vừa trang trọng.

Trong đình còn thờ một kiệu quan Hà Bá, chuyện rằng: Khi xưa có xóm Hồng Phú sinh sống dưới thuyền trên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, quanh năm người dân sống bằng nghề chài lưới và trên một chiếc thuyền thờ kiệu quan Hà Bá. Sau này, xóm Hồng Phú xát nhập vào làng Phú Xá, thời gian lâu ngày thuyền chở kiệu thờ quan Hà Bá bị vỡ ra, hư hỏng nặng, bà con trong xóm Hồng Phú mới chuyển kiệu quan Hà Bá vào thờ tự ở trong đình.

Ban thờ Nhị vị Đại vương trong ngôi đình.

Trong gia phả của đình, nhà chép sử của làng Nguyễn Quốc Thiện kể: “Đầu năm 1954 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên đà thắng lợi, một số đơn vị quân đội viễn chinh của Pháp bị thua trận ở phía Bắc đã rút về đóng quân ở đình làng. Để bảo toàn tài sản của đình, nhân dân đã vận chuyển toàn bộ di sản quý về chùa Phú Xá để cất giữ và bảo quản đến ngày hôm nay.

Đến năm 1959, do thăng trầm của lịch sử, ngôi đình bị phá bỏ hoàn toàn để xây dựng trường cấp I và cấp II Phú Thượng. Năm 1974, trường học chuyển đi nơi khác, toàn bộ khu nền đình cũ và trường học được cấp cho người dân ở. Hiện nay, đình có một nhà văn chỉ, một cây roi cổ và khu tưởng niệm ngày 23-8-1945 Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc qua bến đò Phú Xá vào đình làng nghỉ trước khi về Thủ đô Hà Nội viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày 10-10-1990, UBND TP Hà Nội đã cho xây dựng tượng dài kỉ niệm ở nơi đây. Đình Phú Xá sau nhiều lần trùng tu, giờ trang nghiêm, bề thế, là một điểm nhấn của không gian văn hóa tâm linh lịch sử.”

Chùa Phúc Hoa

Chùa nằm trong làng Phú Xá được xây dựng vào cuối thế kỉ XVIII, sau nhiều lần trùng tu, hiện nay chùa vẫn mang dáng dấp cổ kính u tịch hài hòa với mây trời cây cối. Trong khoảng sân rộng của nhà chùa là những đóa cúc họa mi mềm mại, thanh khiết.

Ông Nguyễn Quốc Thiện, trưởng ban lễ hội đình làng, cho biết: Ngôi chùa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là cơ sở hoạt động cách mạng. Đến cuối năm 1946, khi tiếng súng kháng chiến nổ ra ở Hà Nội, chùa Phúc Hoa là nơi cất giữ lương thực và là nơi làm bánh chè lam để tiếp tế vào nội thành cho quân và dân ta đang chiến đấu ở Liên khu I (khu vực hồ Hoàn Kiếm). Sau đó, chùa bị giặc Pháp tràn vào làng phá chùa, đập tượng. Nhân dân và các phật tử phải đào hầm ngay trong chùa để cất giấu các pho tượng và những vật quý để bảo vệ và giữ gìn cho đến ngày hòa bình lập lại.

Từ năm 1954 đến năm 1975, chùa Phúc Hoa ngoài việc thờ cúng phục vụ cho đời sống tâm linh tín ngưỡng còn làm kho của Hợp tác xã nông nghiệp 19/5, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nhà ươm tơ, đặc biệt khi đình làng bị phá dỡ, dân làng đã di chuyển toàn bộ đồ thờ cúng trong đình chuyển về chùa.

Đầu năm 1978, người dân trong làng dần dần khôi phục, tu sửa lại tượng phật, sửa sang lại chùa. Năm 1992, sư cụ Đàm Luyến viên tịch, việc cai quản trông nom chùa giao cho sư bác Đàm Lai. Năm 1999 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Phú Thượng đã làm lễ đón Thượng tọa Thích Thanh Ngọ ở chùa Bà Đá - Hà Nội về trụ trì tại chùa Phúc Hoa. Từ năm 2000-2002, Thượng tọa cùng nhân dân trùng tu lại toàn bộ ngôi chùa nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của kiến trúc văn hóa ngôi chùa cổ.

Hiện nay, trong chùa còn bảo lưu số lượng di vật có giá trị, quả chuông đồng đúc năm Gia Long thứ 9 (1810) và 7 tấm bia đá có niên đại Tự Đức thứ ba (1851) đến năm Bảo Đại thứ hai (1927). Chiều dần buông, tiếng chuông chùa trầm bổng ngân vang giữa không gian yên bình tĩnh lặng, tiếng chuông dìu dặt ru hồn người về với bản thể của chính mình.

Cây gạo lịch sử

Từ trên triền đê lộng gió đã thấy một cây gạo già tỏa cành lá sum sê, dưới là viên đá khắc chữ. Năm 1960, cây gạo này được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử. Mùa xuân năm 1751, trước khi qua đời, cụ nghè Nguyễn Kiều đã trồng cây gạo làm kỉ niệm ở phía Bắc đình làng, cạnh bờ sông Hồng, giáp với làng Phú Gia.

Cây gạo vào những năm 1930 có thân to cao, đến mùa hoa gạo nở đứng từ rất xa trên cầu Long Biên vẫn có thể nhìn thấy. Năm 1941 đến năm 1945, khi Phú Xá trở thành cơ sở cách mạng và là An toàn khu (ATK) của Trung ương Đảng thì cây gạo và bến đò Phú Xá trở thành đầu mối giao thông liên lạc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày Toàn quốc kháng chiến, cây gạo và bến đò Phú Xá trở thành điểm hẹn và đầu mối giao thông liên lạc của cơ sở kháng chiến phía Bắc Thủ đô, là nơi vận chuyển tài liệu và cán bộ ở vùng tự do về vùng địch hậu đảm bảo an toàn cho đến ngày giải phóng Thủ đô. Năm 2017, làng Phú Xá đã cho xây dựng tấm bia bên cạnh cây gạo lịch sử và xây dựng bến đò Phú Xá. Nhìn từ xa, giữa sông nước mênh mang, những con thuyền chạy dọc sông Hồng, bến đò Phú Xá với lối đi trải dọc trên triền đê đẹp lạ lùng như bức tranh thủy mặc hữu tình.

Vườn hoa rực rỡ khoe sắc, xanh mướt dịu êm. Hằng tháng, người ta làm lễ phóng sinh tại nơi đây và làm lễ rước vong những người chết đuối ở sông Hồng lên 2 ban thờ trên bến đò để hương khói thờ tự, cúng cháo, tụng kinh, cầu siêu, giải thoát. Bến đò Phú Xá là một điểm nhấn trong không gian văn hóa tâm linh và là nét chấm phá cho bức tranh tuyệt đẹp ở bờ sông Hồng đã ghi tên vào lịch sử của một miền quê ven nội đô.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/lang-luu-giu-van-hoa-tam-linh-cua-nguoi-viet-529605/