Lặng lẽ 'vun trồng' ngôn ngữ ông cha

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô không mấy chú trọng đến tiếng nói, chữ viết truyền thống của dân tộc mình. Trái ngược với họ, cô giáo trẻ Hồ Thị Tư lại miệt mài góp nhặt, lặng lẽ ươm trồng hạt giống tình yêu ngôn ngữ ông cha. Đối với cô, hạnh phúc lớn nhất là được chung tay gìn giữ nét tinh hoa văn hóa dân tộc.

Cô giáo Hồ Thị Tư chia sẻ với học sinh về những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Ảnh: Tây Long

Cô giáo Hồ Thị Tư chia sẻ với học sinh về những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Ảnh: Tây Long

Học chữ để giữ cội nguồn

Ở miền núi rừng phía Tây tỉnh Quảng Trị, hầu như ai cũng biết Hồ Thị Tư. Cô được mọi người chú ý bởi giọng hát trong tựa nước nguồn, thánh thót như tiếng chim gọi bạn. Không những thế, cô còn là đạo diễn, MC, diễn viên… có tiếng. Tưởng chừng cô Tư chỉ "thăng hoa" dưới ánh đèn sân khấu, nào ngờ người giáo viên tâm huyết này còn tỏa sáng trên bục giảng. Hiện nay, ngoài việc làm Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa, cô còn đứng lớp, dạy tiếng Bru - Vân Kiều.

Trước đây, vốn ngôn ngữ Bru - Vân Kiều của Hồ Thị Tư gần như bằng không. Bố cô là người Vân Kiều, mẹ mang dòng máu Pa Kô. Ông bà dùng Tiếng Việt để kết nối nhau và nuôi dạy con cái. Thế nên, dù mang hai dòng máu, Tư vẫn tròn mắt mỗi khi nghe bố mẹ nói tiếng bản địa. Bấy giờ, cô gái vùng cao tự nhủ: "Tiếng nói, chữ viết là vốn quý của dân tộc. Nếu quay lưng với nó thì mình cũng như những người Vân Kiều, Pa Kô khác sớm muộn gì cũng mất gốc". Thế rồi, Tư mày mò tự học. "Giống như mạch nước ngầm, chỉ cần khơi ra là tuôn chảy, mình tiếp thu tiếng Vân Kiều, Pa Kô khá nhanh. Khi biết tiếng rồi, mình khát khao học chữ nhưng lúc đó không tìm ra thầy dạy" - cô giáo Hồ Thị Tư chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Hồ Thị Tư tham gia Liên hoan tiếng hát truyền hình tỉnh và đạt giải Ba. Từ đó, cô gái Vân Kiều bắt đầu xuất hiện ở nhiều sân khấu lớn, nhỏ. Khán giả ấn tượng cô Tư không chỉ vì giọng hát, mà còn bởi lối trò chuyện thông minh, sắc sảo. Cũng nhờ đó, cô bén duyên với truyền hình. Cô giáo vùng cao kể: "Khi mới được mời làm phát thanh viên, mình ngậm ngùi từ chối bởi không biết chữ Bru - Vân Kiều. Điều ấy khiến mình rất hổ thẹn. May mắn là mình đã gặp thầy giáo Hồ Xuân Long và được thầy chắp cánh".

Đến giờ, Hồ Thị Tư vẫn thầm cám ơn quãng thời gian làm phát thanh viên. Hình ảnh cô phủ sóng rộng khắp, về từng nếp nhà, thôn bản. Cô Tư nhận được rất nhiều tình cảm từ đồng bào vùng cao. Một số bà con cất công tìm gặp, chia sẻ với cô về nét độc đáo của ngôn ngữ bản địa; giúp sửa một số lỗi phát âm; chia sẻ về cách dịch thuật, dùng ngữ điệu... Nhờ đó, Hồ Thị Tư đã khám phá thêm điều hay và thực sự "say" tiếng Bru - Vân Kiều.

Ở vùng cao tỉnh Quảng Trị, việc tìm ra một người trẻ vừa thông hiểu ngôn ngữ Bru - Vân Kiều, vừa có năng khiếu sư phạm được ví như "mò kim đáy bể". Thế nên, nhiều lời mời cộng tác đã đến với Tư, song cô chỉ nhận đứng lớp, giảng dạy tiếng Bru - Vân Kiều cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng cao.

Cô Hồ Thị Tư trò chyện với học sinh về chữ Bru - Vân Kiều. Ảnh: Tây Long

Nỗi niềm người "gieo" chữ

Mỗi lần nghe tin Hồ Thị Tư giảng dạy lớp mới, nhiều cán bộ rục rịch thu xếp công việc để đăng ký tham gia. Thực tế ấy trái ngược với buổi đầu cô Tư đứng lớp. Nhìn vào tuổi đời, một số người tỏ ra hoài nghi về vốn kiến thức và kinh nghiệm của cô. "Lúc ấy, mình buồn lắm. Mình tự nhủ cần thay đổi cách dạy vốn đã đi vào lối mòn để giúp học viên vừa cảm thấy thoải mái, gần gũi vừa tiếp thu nhiều kiến thức" - Tư bày tỏ.

Hiện nay, vẫn chưa có trường học hay cuốn giáo trình chính thống nào hướng dẫn dạy tiếng Bru - Vân Kiều. Bản thân cô Tư cũng như các giáo viên khác phải tự vạch ra con đường ngắn nhất để đưa học trò đến với con chữ đại ngàn. Trong khi đó, việc giảng dạy học viên lớn tuổi yêu cầu người đứng lớp phải thực sự có kỹ năng. Hiểu điều đó, Hồ Thị Tư luôn xem mình là bạn đồng hành của học viên. Song song với dạy tiếng và chữ Bru - Vân Kiều, cô xây dựng nhiều tình huống thực tế; chia sẻ các nhạc khúc, bài thơ, câu chuyện dân gian của đồng bào vùng cao; tổ chức trao đổi, thảo luận nhóm… Nhờ thế, lớp học Bru - Vân Kiều của cô luôn sôi nổi, lôi cuốn học viên. Không còn mang nặng suy nghĩ học để lấy chứng chỉ, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức đã yêu thích thứ ngôn ngữ độc đáo của đồng bào vùng cao.

Dạy tiếng và chữ Bru - Vân Kiều vốn đã khó, giúp học viên áp dụng vào giao tiếp hàng ngày, phù hợp với phông văn hóa địa phương còn khó khăn hơn. Trước thực tế đó, bản thân Hồ Thị Tư luôn miệt mài học tập, tìm hiểu các phong tục, tập quán của dân tộc mình để truyền dạy cho học trò. Từ lớp học của cô, các học viên đã "gỡ rối" được nhiều vấn đề trong mối quan hệ với đồng bào vùng cao.

Một cán bộ dân số huyện kể: "Trước đây, mỗi lần vào nhà dân bản để tuyên truyền chủ trương, chính sách, thấy bà con mời bánh trái, mình thường từ chối vì ngại. Sau đó, mình nghe cô Tư bật mí, đây là một nét văn hóa của người Vân Kiều, Pa Kô. Thường thì chỉ có khách quý, bà con mới mời mọc như vậy. Nếu bị từ chối thì sẽ làm họ phiền lòng, không cởi mở với khách". Cũng vỡ vạc nhiều điều từ lớp học của cô, một nữ học viên bộc bạch: "Mình ở miền xuôi, hễ đến nhà ai đó là bước vào luôn gian chính. Ở các bản làng vùng cao lại khác, nam có thể ngồi ở bất cứ vị trí nào trong nhà, còn nữ thì nhất quyết không được ngồi ở gian chính, nơi thờ tự. Nhờ lời khuyên của cô Tư mà nhiều lần mình không… phạm húy".

Đến giờ, cô Hồ Thị Tư không thể nhớ hết những gương mặt học viên. Điều khiến cô hạnh phúc nhất là những cán bộ, công chức, viên chức bước ra từ lớp học đều khá thông thạo tiếng Bru - Vân Kiều. Nhờ thế, mối quan hệ giữa cán bộ người Kinh với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô càng được thắt chặt. Đối với cô, hạnh phúc lớn nhất là mỗi lần đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, nghe bà con khen học viên của mình nói tiếng Bru - Vân Kiều không thua kém người bản địa.

Từ khi gắn bó với lớp học dành cho các cán bộ, công chức, viên chức, lịch làm việc của cô Hồ Thị Tư gần như kín mít. Tuy vậy, cô vẫn nuôi mong muốn một ngày gần nhất được đứng lớp, truyền thụ vốn ngôn ngữ bản địa cho học trò vùng cao. Lâu nay, cô khá trăn trở khi chứng kiến ngay tại ngôi trường mình đang quản lý, giảng dạy, hầu hết học sinh chỉ biết tiếng Bru - Vân Kiều ở mức trung bình. Về chữ viết, đa phần các em đều xa lạ. "Đây là thế hệ tương lai của người Vân Kiều, Pa Kô. Nếu ngay tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình các em còn không thông tỏ thì nay mai lấy ai giữ gìn tinh hoa văn hóa?" - cô Tư nói, ánh mắt nhìn về phía xa xăm.

Tây Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lang-le-vun-trong-ngon-ngu-ong-cha/