Lang Lang và hành trình ngàn dặm: Câu chuyện vượt ra ngoài biên giới của âm nhạc

'Lang Lang và hành trình ngàn dặm' là cuốn tự truyện về 'thần đồng âm nhạc' Lang Lang, vừa được Edibooks xuất bản tháng 8-2018. Sinh năm 1982 tại Thẩm Dương, một một thành phố công nghiệp ở miền Bắc Trung Quốc, cha mẹ anh có sự nghiệp âm nhạc bị gián đoạn bởi Cách mạng Văn hóa. Lang Lang nổi lên là một trong những nghệ sĩ piano vĩ đại nhất cuối thế kỷ 20.

Dù là người nổi tiếng nhưng rất ít người ở phương Tây biết tới cuộc hành trình đầy đau đớn từ thời thơ ấu của anh - một thần đồng âm nhạc, trải qua những năm tháng khó khăn ở Bắc Kinh và đạt tới thành công ngày hôm nay.

“Lang Lang và hành trình ngàn dặm” là một câu chuyện đầy kịch tính của một gia đình đã hy sinh mọi thứ: Cuộc hôn nhân của bố mẹ, sự an toàn về tài chính, tuổi thơ của Lang Lang và danh tiếng trong giới âm nhạc cổ điển Trung Quốc - nhờ niềm tin vào tài năng của cậu bé ấy. Câu chuyện tiết lộ mối quan hệ căng thẳng dữ dội giữa cậu bé Lang Lang và cha mình, người sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu để giúp cho con trai mình trở thành một ngôi sao.

Ngay từ đầu câu chuyện, “Số Một” được nhắc đến nhiều lần, “Là cụm từ cửa miệng của bố tôi, và cả mẹ tôi, họ luôn nhắc đi nhắc lại hết lần này tới lần khác. Đó cũng là cụm từ cửa miệng của bạn bè bố mẹ tôi và con cái họ”. Và, trong văn hóa từ thời thơ ấu của Lang Lang, trở thành người giỏi nhất có nghĩa là có tất cả.

Tất cả mọi chuyện đều bắt đầu khi bố mẹ anh phát hiện ra rằng Lang Lang có năng khiếu âm nhạc.

Cha của Lang Lang là công nhân tại một nhà máy sản xuất ô tô nhưng mơ ước trở thành nghệ nhân chơi đàn nhị, còn mẹ khi mang thai luôn nghe nhạc cổ điển với hy vọng truyền cho con năng khiếu bẩm sinh. Với áp lực dữ dội từ người cha, và vị trí “Số Một” trong tâm thức, Lang Lang đã có mặt tại các cuộc thi piano từ nhỏ tới lớn từ khi lên 5 tuổi; rồi sau đó là các cuộc thi, luyện tập triền miên, và những xung đột với người cha có lúc đến khắc nghiệt. "Cha tôi dù có khắt khe với tôi khi còn nhỏ nhưng ông ấy thực sự đã chia sẻ với tôi cả cuộc sống. Ông học và leo cùng tôi từng bước. Khi tôi đạt thành công cũng là lúc ông thực hiện được giấc mơ của mình. Buổi biểu diễn đó là khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời cha con tôi. Cha và mẹ có cách yêu khác nhau, họ cũng có những quan điểm khác biệt nhưng trong sự nghiệp của tôi cả hai đều có cùng điểm chung đó là ủng hộ hết sức", Lang Lang chia sẻ.

Còn với mẹ anh, người phụ nữ lặng lẽ đi cạnh những năm tháng luyện tập và thành công của Lang Lang mà không than vãn một lời, khiến Lang Lang luôn cảm nhận được sự thiếu vắng và hơi ấm của bà: “Mẹ yêu tôi tới mức không hề quan tâm tới hạnh phúc cá nhân. Đổi lại, tôi còn yêu mẹ nhiều hơn thế, và suốt những năm tháng đằng đẵng luyện tập 8, 9, 10 tiếng một ngày, tôi không bao giờ thôi cảm nhận về một nỗi đau thiếu mẹ. Trái tim tôi bật khóc vì mẹ. Tôi tiếp tục khóc vì mẹ suốt quãng đời thơ ấu của tôi, và nói thực lòng là, cả cho tới mãi sau này”.

Bìa cuốn sách.

Cùng với David Ritz, đồng tác giả của nhiều cuốn tự truyện ăn khách, “Lang Lang và hành trình ngàn dặm” là một câu chuyện đầy cảm hứng, giúp cho độc giả cảm nhận và đánh giá cao lòng dũng cảm, cũng như những hy sinh cần thiết để đạt tới sự nổi tiếng, về cái giá mà những người làm cha làm mẹ và chính đứa trẻ phải trả cho danh xưng “thần đồng”.

“Âm nhạc mở ra cả thế giới trước mắt tôi, một đứa bé đến từ một vùng quê của Trung Quốc đang trong quá trình công nghiệp hóa. Đứa bé đó giờ đây mỗi tuần đều biểu diễn tại một nước khác nhau và chẳng hề có một mái nhà thực sự, nó chỉ có thể lưu giữ những mái nhà ấm áp trong tim mình: Trung Quốc - đất mẹ yêu thương của tôi; châu Âu - vùng đất của những người hùng âm nhạc trong lòng tôi; và Mỹ - vùng đất đã biến đổi và giúp tôi trưởng thành.

Khi tôi đi qua nhiều đất nước, tôi thường xuyên được hỏi về âm nhạc, về tuổi thơ của mình, và về việc thu hẹp khoảng cách giữa phương Đông và phương Tây. Cách dễ nhất để trả lời cho những câu hỏi đó chính là bằng câu chuyện này. Câu chuyện của tôi kể về âm nhạc: Âm nhạc cổ điển, âm nhạc Trung Hoa, những thứ âm nhạc vẫn mãi luôn văng vẳng trong trí óc tôi...

Câu chuyện của tôi kể về quê hương mình: Một đất nước cổ kính, hiện đại, với những giá trị tinh thần đậm chất Trung Hoa, và cũng chính là đất mẹ của tôi...

Câu chuyện của tôi cũng kể về phương Tây, quê hương thứ hai của tôi, nơi đã đón chào và định hình nên cuộc sống của tôi khi trưởng thành”.

Đó là tâm sự của Lang Lang, và dường như cũng suy nghĩ của độc giả khi đọc xong cuốn sách này.

MINH DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/lang-lang-va-hanh-trinh-ngan-dam-cau-chuyen-vuot-ra-ngoai-bien-gioi-cua-am-nhac-546761