Làng làm kèn đồng thủ công Phạm Pháo

Giữ gìn nghề làm kèn đã gắn bó hàng trăm năm, làng Phạm Pháo là nơi hiếm hoi ở Việt Nam sản xuất và sửa chữa loại nhạc cụ này.

Trước năm 1945, làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) đã có đội kèn Tây phục vụ các hoạt động tôn giáo. Việc có các đội kèn dẫn đến nhu cầu sửa chữa nhạc cụ lúc hư hỏng. Người dân Phạm Pháo ngoài tìm hiểu để sửa chữa còn tự làm ra những cây kèn đồng.

Trước năm 1945, làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) đã có đội kèn Tây phục vụ các hoạt động tôn giáo. Việc có các đội kèn dẫn đến nhu cầu sửa chữa nhạc cụ lúc hư hỏng. Người dân Phạm Pháo ngoài tìm hiểu để sửa chữa còn tự làm ra những cây kèn đồng.

Những miếng đồng mỏng được người thợ ép định hình bằng máy thủy lực, sau đó dùng búa gò khít các mối.

Còn loa kèn được úp lên khuôn bê tông tự chế rồi gõ cho đến vành miệng tròn đều. Với truyền thống 3 đời làm kèn, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết công việc này đòi hỏi sự chính xác trong từng công đoạn thì kèn thổi mới chuẩn âm và bền.

Điểm đặc biệt của kèn Phạm Pháo là được làm thủ công. Chỉ những chiếc kèn to thì mới sử dụng đến máy móc. Việc làm kèn đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, chính xác trong từng công đoạn.

Bà Hằng (vợ ông Hưởng) cho biết mỗi cây kèn đồng thường có 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc. Đây là bộ phận quan trọng nhất của kèn và rất hay hỏng, phải là người thợ lành nghề mới chỉnh được pháo.

Ngoài làm những cây kèn mới, nơi đây còn sửa chữa các loại kèn đủ chủng loại từ khắp các địa phương gửi về. Những cây kèn khi đến tay thợ sẽ được vệ sinh cho mới, hàn lại những mối đã bong hoặc bị ôxi hóa.

"Công việc chủ yếu ở xưởng hàng ngày là sửa chữa kèn từ các nơi gửi về. Tôi chỉ sản xuất kèn khi có người đặt. Kèn bây giờ người ta mua hàng bãi ở nước ngoài về mông má rồi bán ra thị trường với giá rẻ, mình làm kèn nhỏ giá thành không cạnh tranh được với họ", ông Hưởng nói.

Ngoài việc làm mới và sửa chữa kèn, các hộ gia đình ở Phạm Pháo cũng nhập những chiếc kèn của các nước khác về bán lại.

Nhiều người mê kèn ở khắp nới tìm đến tận xưởng gia đình ông Hưởng để chọn và thử kèn. Hầu như những người thợ làm kèn ở đây đều đi học nhạc kèn khi còn là thanh niên.

Ngoài công việc thợ làm kèn, ông Hưởng còn là thầy kèn của nhiều đội kèn trong vùng. Vợ chồng ông Hưởng có thể chơi được nhiều loại kèn và nhạc cụ khác nhau.

Với người dân ở làng xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định, tiếng kèn rất thân thuộc và nhà thờ nào cũng có đội kèn riêng.

Trẻ mới sinh ra đã được làm lễ rửa tội trong tiếng kèn. Đám ma cũng có đội kèn và ngày lên đường nhập ngũ cũng có tiếng của loại nhạc cụ này.

Hình ảnh chiếc kèn đồng Phạm Pháo xuất hiện tại một buổi lễ "Các đẳng linh hồn" của những người theo Công giáo. Họ quan niệm đó là ngày con cái kính nhớ về tổ tiên.

Hoàng Đông

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lang-lam-ken-dong-duy-nhat-o-viet-nam-post1027825.html