Làng làm đàn Đào Xá với nỗi lo thất truyền

KTĐT - Từng nức tiếng xa gần với nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống, nhưng làng nghề làm đàn Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa) đang đứng trước nguy cơ mai một. Ước muốn duy trì, gìn giữ tổ nghiệp cha ông đã trở thành niềm trăn trở khôn nguôi của những người làm nghề độc đáo và công phu này.
Vang bóng một thời
Người làng Đào Xá vẫn luôn tự hào với nghề làm đàn vốn từ lâu đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Không cuộc thi hay chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc dân tộc nào là vắng mặt nhạc cụ do các nghệ nhân làng Đào Xá làm ra. Đào Xá nổi tiếng với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc từ đàn bầu, đàn đáy, đàn nguyệt, đến đàn nhị, đàn tứ. Theo các vị cao niên, nghề làm đàn có ở Đào Xá ngót nghét 200 năm. Đã một thời nghề chế tác nhạc cụ cổ truyền trở thành nguồn thu nhập chính của người dân trong làng. Sản phẩm của làng có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc. Từ Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Sài Gòn... đều có cửa hàng của người Đào Xá. Đặc biệt, đàn Đào Xá còn được nhiều du khách nước ngoài biết đến, không ít người cất công đến tận làng để mua được cây đàn ưng ý.

Nghệ nhân Đào Văn Soạn cẩn thận, trau chuốt từng phím đàn.

Thế nhưng, có một thời gian khá dài sản phẩm của làng không tiêu thụ được do bị "lãng quên", các xưởng làm đàn vì thế mà lần lượt tan rã. Những người gắn bó với nghề làm đàn phải chuyển sang làm nghề mộc và nhiều nghề khác để kiếm kế sinh nhai. Phải đến khi có chính sách phục hồi những giá trị văn hóa cổ truyền, nghề đàn Đào Xá mới dần được khôi phục. Tuy nhiên, những người chế tác nhạc cụ truyền thống của làng còn lại rất ít. Ông Đào Văn Soạn, 74 tuổi là người cao tuổi nhất làng hiện nay còn làm nghề. Vừa cẩn thận sửa những phím đàn, ông Soạn tâm sự: "Để ra được một cây đàn như ý phải trải qua rất nhiều công đoạn cùng với sự tỉ mẩn và khéo léo của những người thợ tài hoa". Gỗ làm đàn phải là gỗ trắc hoặc gỗ vông. Qua khâu xử lý, gỗ được pha đúng độ dày mỏng, to bé. Hiện nay, máy móc có thể tham gia vào một số công đoạn nhưng cơ bản người thợ vẫn phải làm thủ công từ vào khuôn làm hộp đàn, ghép cần, làm phím, lên dây... đến khâu cuối cùng là tráng sơn, rồi khảm trai để trang trí họa tiết, hoa văn. Trong đó, quan trọng nhất là khâu thẩm âm để đạt yêu cầu chuẩn về âm nhạc hay yêu cầu của người chơi đàn. Theo ông Soạn, để làm được một chiếc đàn hoàn chỉnh phải mất ít nhất một tuần.
Giữ nghề
Với quyết tâm vực dậy nghề của cha ông, ông Soạn đã mở lớp dạy nghề cho những thanh niên muốn theo học. Để theo được nghề lắm công phu này, người thợ cũng phải mất từ 2 – 3 năm và phải có tâm với nghề. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện. Tất cả đều làm theo phương pháp thủ công. Với bất cứ ai đã theo học nghề này trọn vẹn thì đều có thể là được tất cả các loại đàn dân tộc một cách thuần thục. Để trở thành một nghệ nhân chế tác đàn không dễ. "Cái khó nhất khi làm đàn là khâu âm thanh. Người thợ phải biết căn chỉnh, vừa phải biết thẩm âm để làm sao cho đàn đạt được chuẩn mực nhất định" – ông Soạn cho biết. Anh Đào Văn Khương – một thợ trẻ tâm sự "Ít ai thiết tha với cây đàn như xưa vì họ không thể sống được với nghề. Vì vậy, nếu không phải là người yêu nhạc cụ dân tộc, yêu nghề thì không thể làm được". Giờ đây làng Đào Xá đã qua độ khốn khó, từng bước hòa nhập với cơ chế thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Hiện tại, do nhu cầu sử dụng các nhạc cụ truyền thống cao nên những hộ gia đình làm đàn vẫn có thu nhập khá. Song người làng Đào Xá vẫn trăn trở bởi nỗi niềm làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một. Cả làng chỉ còn khoảng 10 hộ làm nghề mà lớp nghệ nhân đều cũng đã ở vào tuổi xế chiều. "Lớp thanh niên trẻ giờ không mấy mặn mà, họ đi làm nhiều nghề khác, nhất là làm ở khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) cách làng khoảng 5 km vì có thu nhập cao hơn" - ông Soạn nói, mắt đượm buồn.
Năm 2009, làng nghề Đào Xá được TP công nhận là làng nghề truyền thống. Sản phẩm làng nghề được bày bán ở khắp nơi nhưng nỗi lo một ngày nào đó làng nghề sẽ mai một hoặc thất truyền vẫn canh cánh trong lòng của những nghệ nhân nơi đây. Niềm mong mỏi lớn nhất của nghệ nhân Đào Văn Soạn cũng như người làng Đào Xá là được TP, các ngành chức năng quan tâm, có cơ chế chính sách để duy trì và bảo tồn làng nghề.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/van-hoa/ha-noi-van-hien/2015/03/8102abcf/lang-lam-dan-dao-xa-voi-noi-lo-that-truyen/