Lăng kính văn hóa: Để không gian nghệ thuật công cộng không chết yểu

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao khi biết phố bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật Phúc Tân (Hà Nội) bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí bị người dân xung quanh khu vực chiếm dụng.

Điều này làm tôi nhớ đến cách đây ít lâu từng đưa một người bạn từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội với mong muốn được đến chụp ảnh phố bích họa Phùng Hưng sau hai năm đại dịch Covid-19. Nhưng khi ấy bạn đành ra về trong tiếc nuối. Trên đoạn phố bạn tôi mong được nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật, nhiều ô mái vòm chỉ còn trơ lại tường, có những đoạn nhếch nhác, vướng bãi xe, ghế đá đổ nằm chỏng chơ. Tác phẩm của các nghệ sĩ Lee Seung Hyun, Oh Ye Seul và Choi Lak Won, Triệu Minh Hải... đã biến mất hoàn toàn, chỉ còn bảng giới thiệu. Tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế và Lê Đăng Ninh bị mất cả một góc lớn. Một số tác phẩm bị du khách thiếu ý thức gạch xóa, xâm hại... Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở không gian nghệ thuật Phúc Tân. Điều này khiến cho những người yêu nghệ thuật xót xa vì đây vốn là tâm huyết, trí tuệ của nhiều người, đặc biệt là các nghệ sĩ. Liệu rằng có mấy nghệ sĩ không buồn khi nhìn lại “đứa con tinh thần” của mình?!

Một tác phẩm thuộc dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Ảnh: Báo Thể thao và văn hóa

Một tác phẩm thuộc dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Ảnh: Báo Thể thao và văn hóa

Trước khi trở thành những không gian nghệ thuật, điểm đến văn hóa, du lịch, những nơi này “đại diện” cho phần phố phường nhếch nhác. Đoạn phố Phùng Hưng có rất nhiều vấn đề như hôi thối, ẩm mốc vì vệ sinh công cộng, ô nhiễm môi trường, hàng quán lấn chiếm vỉa hè... Còn Phúc Tân là khu tập kết rác thải nhiều năm. Khi mới hình thành, phố bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật Phúc Tân được công chúng hào hứng đón nhận. Những người dân quanh khu vực hồ hởi bởi những đoạn đường trước kia họ phải bịt mũi, chạy thật nhanh mỗi khi đi qua nay được thong thả ngắm nhìn, trở thành nơi giao lưu của hàng xóm láng giềng. Được sáng tạo bởi những nghệ sĩ có tâm, vì tình yêu Hà Nội nên những không gian giàu tính nghệ thuật này đã góp phần thay đổi bộ mặt cho phố phường và cũng tạo ra nơi giao lưu cho cộng đồng, nơi những nghệ sĩ truyền vào đó tình yêu với nghệ thuật. Với nhiều người, phố bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật Phúc Tân đại diện cho hình ảnh một Hà Nội yêu cái đẹp, lấy đẹp dẹp xấu.

Tuy nhiên, như một lẽ tất yếu, đây không phải là những tác phẩm đóng khung trong bảo tàng hay phòng trưng bày, mà nó hòa chung với hơi thở của cộng đồng nên những dự án nghệ thuật công cộng thường chỉ giữ được nguyên vẹn giá trị trong vòng một vài năm, sau đó sẽ bị xuống cấp hoặc cần thay đổi để phù hợp với hơi thở của cuộc sống. Không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân, Phùng Hưng cũng khó tránh khỏi quy luật này. Có điều, trong khi những không gian nghệ thuật tương tự còn quá ít tại Thủ đô, chúng ta cần bảo vệ, không để những cái đã có chết dần chết mòn. Điều đó không chỉ dành cho những “đứa con tinh thần” của các nghệ sĩ, để họ yên tâm tiếp tục cống hiến tài năng cho nghệ thuật, mà còn cho cộng đồng địa phương và du khách. Do đó, những không gian nghệ thuật này cần được duy tu, bảo trì, bổ sung thường xuyên. Muốn thế, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, đầu tư; người dân quanh khu vực cũng cần có ý thức bảo vệ của chung để dù “sống” giữa bụi bặm của phố phường nhưng những tác phẩm nghệ thuật vẫn mang đến sự gắn kết giữa người dân địa phương, tạo ra vẻ đẹp của nếp sống văn minh và thu hút du khách.

HIỀN VINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-de-khong-gian-nghe-thuat-cong-cong-khong-chet-yeu-702597