Lăng kính Bạn đọc: Sớm tìm ra thủ phạm phá vườn dừa để dân không hoang mang

Câu chuyện vườn dừa ở Vĩnh Long bị sinh vật lạ khoét gốc ăn củ hủ dừa khiến nông dân như 'ngồi trên đống lửa', dù đã báo chính quyền địa phương tìm giải pháp.

Người dân tự mua lưới cứng về bao để bảo vệ các gốc dừa còn lại - Ảnh: Xuân Phúc

Củ hủ dừa (còn gọi là cổ hủ dừa, đọt dừa) là phần lõi non nhất trên thân cây dừa, được ví như phần tủy sống của cây. Nó được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Muốn có củ hủ dừa, người ta phải đốn cả một cây dừa để lấy. Vì vậy, nhiều bạn đọc (BĐ) đặc biệt quan tâm “sinh vật lạ là sinh vật nào?” mà lại chuyên ăn củ hủ dừa khiến chủ vườn thiệt hại nặng.

Hiến kế truy tìm

- “Theo tôi, đây là do con dúi (một loại gặm nhấm có hình dáng giống con chuột nhưng thân hình to hơn, có con cân nặng 1,4 kg), nó chuyên ăn măng và gốc tre, nứa. Dúi ở trên rừng Tây nguyên rất nhiều, giá bán dao động khoảng 800.000 đồng/kg bởi thịt của nó ngon ngọt”.

Trung Thực (Bình Dương)

Trước tình trạng vườn dừa bị cắn phá, nông dân nghi đây là loài gặm nhấm gây ra nên đã mua thuốc diệt chuột, gài bẫy nhưng vẫn không mang lại kết quả. Thế là người dân phải mua lưới cứng về bao quanh các gốc dừa chưa bị cắn phá để bảo vệ và báo chính quyền địa phương. Ông Âu Trọng Hữu, cán bộ nông nghiệp xã Tân An Luông (H.Vũng Liêm), cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng sinh vật lạ cắn phá khiến cây dừa chết tại địa phương. “Chính quyền xã đã đưa ra nhiều giả thuyết, phương án đưa ra là đắp bùn quanh gốc và quanh khu vực để khi con vật đến sẽ để lại dấu chân, như vậy sẽ xác định đó là con vật gì, hoặc dùng bẫy đặt bắt, và nên dùng lưới bao quanh gốc dừa để bảo vệ”, ông Hữu cho biết.

Gốc dừa gần 2 năm tuổi bị sinh vật lạ cắn một lỗ tròn và hết phần củ hủ

Một BĐ ở TP.HCM cho rằng do chuột cắn và đề nghị nên gắn camera để biết chính xác con vật gì. Đồng tình với ý kiến trên, BĐ Lê Long (Bắc Kạn) cho rằng chỉ cần đặt vài camera là biết ngay, đừng thụ động ngồi đưa ra giả thuyết này nọ... BĐ Tiên (Bình Thuận), Nguyen Van (TP.HCM) thì băn khoăn vì tới 500 ha dừa, camera đâu mà gắn hết.

Có BĐ cho là do sóc ăn, BĐ khác thì cho là do con dúi. “Có khi nào nhà ai nuôi con dúi để thoát ra ngoài nó cắn ăn gốc dừa không? Vì loài dúi rất thích ăn gốc tre, gốc dừa”, BĐ Văn Nghến (Quảng Ninh) cho biết. BĐ Danh Giang cũng cho là con dúi, vì nuôi dúi khá kinh tế nên nhiều người nuôi, có thể dúi sổng ra ngoài...

Khẩn trương giúp nông dân

- “Con gì mà nó ăn khôn và gắt thế nhỉ? Lựa toàn là củ hủ dừa để ăn. Khả năng là chuột rồi. Cả bầy chuột mà phá thì bao nhiêu củ hủ đó ăn thua gì”.

Tung Lam (TP.HCM)

Nhiều BĐ đề nghị các ban ngành địa phương (xã, huyện) cùng vào cuộc để giúp đỡ nông dân. Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Tân An Luông, cho biết chính quyền địa phương đã phối hợp ngành chức năng huyện, tỉnh xuống khảo sát, nắm tình hình và tìm phương án ứng phó.

BĐ Truong Son (TP.HCM) chia sẻ: “Nghe ông Sang nói vậy cũng tạm yên lòng. Hy vọng các ngành chức năng sớm tìm ra thủ phạm để có cách bảo vệ cây dừa, để người nông dân không còn phải "ngồi trên đống lửa" nữa”. Trong khi đó, BĐ An Hai (Long An) cũng kêu gọi các ban ngành giúp đỡ người nông dân theo dõi sinh vật lạ, vì họ chưa có đủ tiền bạc và kiến thức để gắn camera. Hơn nữa đây là lần đầu tiên có hiện tượng sinh vật lạ cắn phá vườn dừa, nên rất cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ban ngành, để tránh hoang mang trong dân.

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/lang-kinh-ban-doc-som-tim-ra-thu-pham-pha-vuon-dua-de-dan-khong-hoang-mang-1112969.html