Lăng kính bạn đọc: Sao lại dạy trẻ mầm non cách dập lửa?

Việc 3 trẻ mầm non đang học ở Cơ sở mầm non tư thục Tuổi Thơ (xã Duy Minh, H.Duy Tiên, Hà Nam) bị bỏng nặng khi được các cô dạy kỹ năng phòng chống cháy nổ khiến bạn đọc bức xúc.

Một cháu bị bỏng được sơ cứu - Ảnh: V.Đ

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 9.8, các cô giáo tại Cơ sở mầm non tư thục Tuổi Thơ đổ cồn vào mâm nhôm rồi châm lửa đốt để dạy 25 trẻ mần non về kỹ năng phòng chống cháy nổ. Đúng lúc đó, gió từ cửa sổ lùa vào làm cồn đang cháy lan bỏng 3 cháu nhỏ phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, sau đó chuyển lên Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.

Ông Trần Quang Tuyến, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo H.Duy Tiên, cho biết sự cố xảy ra trong giờ học kỹ năng kêu cứu và thoát hiểm, có trong chương trình giáo dục mầm non. Cụ thể, trong chương trình giáo dục mầm non có lồng ghép việc dạy kỹ năng sống, bao gồm bài hướng dẫn cho trẻ kỹ năng kêu cứu và thoát hiểm khi gặp nguy hiểm. Đáng lưu ý, theo ông Tuyến, các cô giáo tại Cơ sở mầm non tư thục Tuổi Thơ đã được Công an tỉnh Hà Nam hướng dẫn và cấp chứng chỉ về kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm (?!).

Rập khuôn máy móc

Nhiều bạn đọc (BĐ) rất bất ngờ với việc dạy trẻ mầm non học kỹ năng phòng chống cháy nổ như thế này. "Đối với lứa tuổi mẫu giáo thì nước ngoài người ta dạy gặp lửa thì tránh xa lập tức, tìm cách chạy thoát thân, cũng như các cách để tìm nơi an toàn hoặc báo cho người lớn đến xử lý... Trong khi ở nước mình thì lại dạy như thế này. Tuổi này còn chưa biết vệ sinh cá nhân mà ở đó phòng chống cháy nổ", BĐ Duy Nghĩa (TP.HCM) bức xúc.

“Khi gặp hỏa hoạn, trên thế giới người ta chỉ dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm mở cửa và chạy thôi. Đến học sinh cấp 2 còn phải dạy thoát hiểm chứ ở đó mà dạy trẻ mầm non dập lửa!", BĐ Mudita Dan (Phú Thọ) viết. Còn BĐ Mạnh Xuân (TP.HCM) nêu ý kiến: “Dạy kỹ năng sống cho trẻ em là điều cần thiết, trên thế giới vẫn làm. Tuy nhiên không phải là cách rập khuôn máy móc như các cô giáo tại Cơ sở mầm non Tuổi Thơ làm. Nên nhớ ở tuổi này các cháu còn lo cho bản thân mình chưa xong thì làm gì có khả năng dập được lửa mà dạy. Có dạy thì chúng cũng không thể tự làm. Sao không dạy chúng cách nhận diện nguy hiểm, cách thoát thân nhanh nhất khi có hỏa hoạn".

Chỉ nên dùng hình ảnh, mô hình minh họa

Nhận định về vụ việc trên, thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM, cho rằng: “Việc để trẻ mầm non mới 1 - 5 tuổi tham gia học kỹ năng phòng chống cháy nổ như vậy là không phù hợp. Cô giáo dạy kỹ năng mà lại thiếu kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, không lường được nguy hiểm khi dùng cồn để đốt. Khi cồn gặp không khí, tiếp xúc với ô xy và gặp gió thì ngọn lửa bùng lên rất mạnh, không cẩn thận là bị tạt vào người nếu ngồi gần”.

Nhiều BĐ đồng tình và cho rằng ngay cả những người trưởng thành muốn thực tập về phòng cháy chữa cháy thì việc đầu tiên là phải học cách phòng, chuẩn bị sẵn sàng tất cả các dụng cụ dập lửa khi thực hành và phải do một lực lượng chuyên nghiệp hướng dẫn. “Đó là lý do tại sao các lớp tập huấn về PCCC cho bảo vệ doanh nghiệp, dân phố, các phường xã địa phương phải có cảnh sát PCCC huấn luyện kỹ năng, chứ không phải ai làm cũng được”, BĐ Đức Phúc (TP.HCM) viết.

BĐ Kim Ngân (Hà Nội) cho rằng: "Học các kỹ năng sống, sinh tồn là cần thiết cho các bé. Tuy nhiên cần bài bản và phương pháp hợp lý, tùy từng lứa tuổi mà dạy những kỹ năng cần thiết, phù hợp. Ngoài ra, việc dạy cho các bé nên thể hiện qua các hình ảnh, mô hình minh họa là tốt nhất để không gây nguy hiểm cho các bé".

Dạy học sinh ở độ tuổi này nên dùng giáo cụ đơn giản nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của các cháu. Tốt nhất dùng giáo cụ giả, không nên dùng đồ thật.

Đoàn Văn An (Quảng Nam)

Phải xem lại luôn cách dạy và cấp chứng chỉ của Công an Hà Nam. Có chứng chỉ sao lại hành động như vậy, mở cửa khi đốt cồn có các cháu ngồi quanh thì gió không lùa vào mới lạ.

Dương Quang (Hà Nội)

Đ.Huân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/lang-kinh-ban-doc-sao-lai-day-tre-mam-non-cach-dap-lua-1113204.html