Làng khô đón Tết

Những ngày này, các làng khô trong tỉnh bước vào cao điểm chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Năm nay, đơn đặt hàng Tết của các cơ sở chế biến khô có từ rất sớm, số lượng đặt hàng tăng từ 2-3 lần so năm trước.

Không khí tất bật

Năm nay, không khí xuân xuất hiện ở các làng khô cá trong tỉnh sớm hơn mọi năm gần 2 tháng do đơn đặt hàng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý đã có từ những ngày đầu tháng 10. Thương lái mua hàng từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Long An, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ… về làng khô trong tỉnh để khảo sát năng lực sản xuất, giá bán sản phẩm, nguyên liệu đầu vào… từ rất sớm.

Sau khi khảo sát, thương lái đã đặt những đơn hàng đầu tiên. “Sở dĩ nhiều đầu mối mua hàng về đây tìm nguồn hàng là bởi trong năm, giá nguyên liệu luôn ở mức cao, họ sợ Tết năm nay không có đủ hàng để cung cấp, vì vậy tranh thủ đến đặt hàng sớm” - chị Trần Thị Vẹn (Chủ cơ sở chế biến khô cá sặc bổi Năm Vẹn, xã Khánh An, An Phú, An Giang) thông tin.

Ở làng khô Khánh An, ngay từ 3 giờ sáng, người làm khô đã thức dậy để bắt đầu ngày mới. Người thì đánh vẩy, chặt kỳ, mổ bụng, người thì làm cá cho sạch, đưa cá lên giàn (cho ráo nước) rồi mang đi ướp muối.

“Không khí làm việc ở đây rất nhộn nhịp. Năm nay, làng khô đón Tết rất vui vì các đầu mối đặt hàng nhiều, từ đó người dân có thu nhập cao. Năm nay cả nước xuất hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi nên khô cá bán rất chạy” - chị Nguyễn Thị Lan (Chủ cơ sở chế biến khô cá, xã Khánh An) chia sẻ.

Không chỉ có các cơ sở chế biến tất bật với công việc, mà những thương lái chuyên đi mua cá nguyên liệu cũng “chạy đôn, chạy đáo”, lo đủ lượng hàng để giao cho cơ sở chế biến.

“Sự khác biệt của năm nay so những năm trước là thị trường tiêu thụ khô với số lượng rất lớn. Ngày Tết có được vài con khô nướng hoặc chiên ăn với cơm còn gì bằng, đặc biệt khi nhâm nhi rượu, bia, đây là loại mồi ăn hoài không ngán” - anh Lê Văn Nam (thương lái bán cá xã Khánh An) phân tích.

Sản lượng tăng

Ngày thường, cơ sở chế biến khô cá sặc bổi của chị Lan chỉ cần 500kg nguyên liệu là có thể đáp ứng đủ hàng hóa cho các đầu mối. Vào mùa Tết, năng lực sản xuất tăng lên 800-1.000kg/ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Hiện, sản phẩm từ các làng khô ở đây được thương lái mang đi bán khắp cả nước.

“Ở miền Trung vẫn có khô cá nhưng đa phần là khô cá biển, vị rất mặn. Khách bây giờ tìm mua khô cá có vị lạt, trong đó có khô lá lóc, cá sặc bổi nên sản phẩm từ các làng khô mang ra Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình… bán được lắm. Khô ướp lạt, thịt cá rất thơm” - chị Đỗ Thị Nam (tiểu thương ở Quảng Bình) chia sẻ.

Sản lượng tăng nhanh, ngoài thị trường nội địa, còn phải kể đến thị trường xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch. Khô cá của các cơ sở chế biến trong tỉnh được xuất sang Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc...

Bà con kiều bào ở nước ngoài về thăm quê, mỗi người khi quay trở lại quốc gia mình đang sống, đều mang theo đặc sản quê nhà làm quà tặng cho bạn bè, người thân, vì vậy sản phẩm của các làng khô được tiêu thụ rất mạnh qua kênh này.

Hiện tại, các làng khô ở khu vực biên giới như: Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông (An Phú), Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu, An Giang) bán cho thương lái Campuchia từ 5-7 tấn sản phẩm/ ngày.

Từ đây, khô được đóng gói, hút chân không và chở đi tiêu thụ ở Campuchia, Thái Lan. Sự khác biệt trong chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường năm nay, đa phần các cơ sở chế biến đều tập trung đầu tư mang tính “chiều sâu”. Cụ thể, từ khâu nguyên liệu đến chế biến thành phẩm, các cơ sở từng bước đã khép kín quy trình để kiểm soát chất lượng.

Box: “Người tiêu dùng thường quan tâm xem sản phẩm có chất bảo quản hay không? Nếu sản phẩm có chất bảo quản sẽ khó bán được hàng. Từ cách mua hàng như thế nên các cơ sở chế biến khô cá muốn tồn tại, chỉ có con đường duy nhất là làm cho sản phẩm mình ngày càng sạch và ngon hơn bằng hình thức bảo quản lạnh”- chị Nguyễn Thị Lan (Chủ cơ sở chế biến khô cá ở xã Khánh An, An Phú) chia sẻ.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/lang-kho-don-tet-a263158.html