Làng hoa vào vụ Tết

Còn khoảng ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nghệ nhân những làng hoa ở Hà Nội đang hối hả hoàn tất khâu cuối cùng để đưa không khí xuân đến với mọi nhà. Người trồng hoa Hà Nội tự hào rằng, họ có thể làm giàu nhờ việc làm đẹp cho đời.

Ngược tuyến đường từ trung tâm thành phố lên tuyến đê Nghi Tàm - Âu Cơ những ngày này đã thấy lác đác người chở hoa, cây cảnh. Càng gần “dinh đào” Nhật Tân (quận Tây Hồ), càng gặp nhiều chuyến xe mang theo sắc hồng hoa đào. Tiết trời se lạnh, mờ sương, cảm giác Tết đến rất gần. Ngoài đê, bãi sông bây giờ đã trở thành cánh đồng hoa đào ngút tầm mắt, khung cảnh hết sức nhộn nhịp. Các hộ trồng đào bắt đầu đánh đào lên chậu, hoặc khoanh đất quanh những gốc cây để sẵn sàng phục vụ khách khi có nhu cầu. Anh Khương Hồng Phong, một người gốc Nhật Tân, gia đình nhiều đời trồng đào cho biết: “Tiết trời cứ se lạnh như những ngày qua thì năm nay khả năng sẽ trúng vụ đào. Chỉ một số hộ ít kinh nghiệm thì hoa nở sớm, với những gia đình trồng đào lâu năm, trừ những năm thời tiết quá khắc nghiệt có nguy cơ mất mùa, còn lại, chúng tôi nghe ngóng thời tiết từ rằm tháng tám để chuẩn bị điều chỉnh. Kinh nghiệm các cụ truyền lại là xem trăng rằm để nhận biết. Từ lúc tuốt lá đến lúc hoa nở khoảng 55 ngày. Nếu trời lạnh thì tuốt lá sớm hơn một chút”. Vườn đào mấy trăm cây của gia đình anh Phong đều đang độ chúm chím, chừng hơn mười ngày nữa sẽ nở bung. Một số gia đình có hoa nở sớm, đang tỉa bớt bông già, để cây dồn sức cho những bông còn lại. Người dân Nhật Tân liên tục cải tạo và mở rộng diện tích trồng đào lên tới hơn 50 ha; đồng thời giữ thế mạnh trồng đào thế, có giá trị kinh tế cao.

Ngay sát Nhật Tân là phường Tứ Liên - vốn là mảnh đất “đệ nhất quất” của Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên Lê Văn Thủy cho biết: “Diện tích trồng quất của Tứ Liên khoảng hơn 30 ha. Người dân ở đây có truyền thống trồng quất cảnh, tay nghề cao, đồng thời, cũng rất nhanh nhạy trong nắm bắt xu thế mới của thị trường. Mấy năm trở lại đây, người dân đầu tư trồng quất bonsai trong lọ, trong bồn chậu với những thế đẹp, được thị trường ưa chuộng”. Những vườn quất ven sông của Tứ Liên đã nhuộm mầu vàng. Những quả quất no tròn, tượng trưng cho năm mới đủ đầy đã sẵn sàng chuyển giao cho khách. Chủ vườn quất Quang Tú chia sẻ: “Chuẩn bị cho Tết Kỷ Hợi, nhà tôi đầu tư hơn 400 chậu quất thế. Làm quất thế đầu tư lớn, từ bình, lọ, giống, cho tới công chăm sóc. Khi đưa trồng vào bình gốm, môi trường khác hẳn nên chỉ sơ suất là cây chết. Thời gian vất vả nhất với người trồng quất là từ tháng sáu đến tháng chín âm lịch. Năm nay, thời điểm đó nắng nhiều nên chúng tôi gặp không ít khó khăn”. Với người Tứ Liên, niềm vui được nhân đôi khi chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi cũng là lúc phường tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Làng nghề quất cảnh truyền thống. Với danh hiệu này, thương hiệu quất Tứ Liên tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường.

Thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 3.000 ha diện tích trồng hoa, cây cảnh các loại. Ngoài khu vực trồng đào, quất cảnh truyền thống tại các phường Nhật Tân, Tứ Liên, Phú Thượng (quận Tây Hồ), các khu vực trồng hoa, cây cảnh lớn khác của Hà Nội gồm: Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm); Uy Nỗ, Tiên Dương (huyện Đông Anh); Mê Linh (huyện Mê Linh); Hồng Vân (huyện Thường Tín); Song Phượng (huyện Đan Phượng)... và một số xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Gia Lâm... Trong đó, Tây Tựu là vùng trồng hoa nổi tiếng của thành phố với khoảng 200 ha. Người dân Tây Tựu chủ yếu trồng các loại hoa: hồng, cúc, lay ơn, thược dược, vi-ô-lét và hoa ly.

Tháng 11, 12-2018 thời tiết ấm, một số hộ trồng hoa ly phải cắt hoa bán sớm. Song, sang đến tháng 1-2019, thời tiết chuyển hướng thuận lợi hơn. Hai năm trở lại đây, nhiều hộ trồng hồng trong chậu để bán cho người dân chơi Tết. Đặc điểm của hồng trồng chậu là thời gian chơi được dài, hoa đẹp, cho nên người dân rất ưa thích. Bà Nguyễn Thị Tình, phường Tây Tựu cho biết: “Một sào trồng hoa hồng thông thường có thể cho doanh thu 30 triệu đồng, còn một sào trồng hồng trong chậu, doanh thu gấp gần hai lần. Song, kỹ thuật chăm sóc hồng chậu đòi hỏi cao hơn, công việc cũng vất vả hơn”. Huyện Mê Linh cũng là một trong những vùng trồng hoa lớn của Hà Nội. Bên cạnh trồng hồng bán cành, bán chậu bình dân, nhiều hộ đầu tư trồng những gốc hồng cổ, có tuổi đời cao. Anh Ngô Hoàng Sơn là một điển hình trong việc trồng các loại hồng cao cấp. Một chậu hồng của gia đình anh có giá bán khoảng hai triệu đồng. Cá biệt, một số hộ trồng hồng bonsai, hồng cổ, bán giá khoảng mười triệu đồng/chậu.

Trồng hoa, cây cảnh là một ngành kinh tế quan trọng, đem lại thu nhập cao cho các hộ gia đình. Nhìn vào những làng hoa, có thể thấy đời sống kinh tế của người dân đi lên rõ rệt. Nhiều hộ gia đình làm giàu với nghề trồng hoa, lợi nhuận được đầu tư trở lại, bằng việc ứng dụng các công nghệ hiện đại hơn. Những người trồng hoa Hà Nội tự hào về việc làm giàu bằng cách làm đẹp cho đời.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38902102-lang-hoa-vao-vu-tet.html