Làng hoa Tết Vĩnh Yên vào Xuân

Không nổi tiếng như các làng hoa ở Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ… âm thầm, lặng lẽ, cứ mỗi độ xuân về Làng nghề truyền thống trồng hoa Tết ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn chậu hoa, góp thêm sắc mầu tươi thắm. Đời sống các hộ trồng hoa cũng khá hơn qua từng mùa xuân.

Làng nghề truyền thống trồng hoa Tết Vĩnh Yên vào xuân.

Làng nghề truyền thống trồng hoa Tết Vĩnh Yên vào xuân.

NDĐT - Không nổi tiếng như các làng hoa ở Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ… âm thầm, lặng lẽ, cứ mỗi độ xuân về Làng nghề truyền thống trồng hoa Tết ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn chậu hoa, góp thêm sắc mầu tươi thắm. Đời sống các hộ trồng hoa cũng khá hơn qua từng mùa xuân.

Hằng năm, cứ vào những ngày cận Tết, về các ấp Vĩnh Yên, Vĩnh Hưng xã Long Đức, thành phố Trà Vinh chúng ta sẽ bắt gặp từng mảng màu xanh, đỏ, tím, hồng, vàng… của các loại hoa đan xen nhau, tạo nên bức tranh lớn, rực rỡ. Cùng với không khí tất bật của những người trồng hoa, chăm bón cho hoa nở đẹp, nở đúng ngày Tết, chuẩn bị hành trang cho các chậu hoa lên đường phục vụ các chợ xuân.

Thạch Thị Khonc Thi, viên chức phụ trách nông nghiệp xã Long Đức cho biết, cách đây bảy năm, khi được UBND tỉnh công nhận Làng nghề truyền thống trồng hoa Vĩnh Yên có 148 hộ chuyên trồng hoa, trên diện tích 16 ha. Hiện, làng nghề chỉ còn 114 hộ chuyên trồng hoa, nhưng diện tích trồng hoa lại tăng lên gần 20 ha, sẽ cung cấp ra thị trường gần 400 nghìn giỏ hoa các loại. Cùng với việc công nhận làng nghề truyền thống, những năm qua Nhà nước đã đầu tư hơn ba tỷ đồng để khơi thông nguồn nước và làm đường giao thông phục vụ sản xuất.

Thạch Thị Khonc Thi và Trần Văn Hào bên rẫy hoa.

Do làng hoa gần khu công nghiệp Long Đức, một số hộ chuyên trồng hoa đã chuyển đổi nghề sang làm dịch vụ, diện tích đất chuyên trồng hoa biến thành nhà trọ, hàng quán… Để duy trì và phát triển làng nghề, các hộ chuyên trồng hoa ở đây mở rộng diện tích bằng cách chuyển sang thuê đất, mua đất ở ấp lân cận để trồng. Nhiều hộ ở Sa Bình, Công Thiện Hùng cũng chuyển đất lúa sang trồng hoa, gia nhập làng nghề trồng hoa truyền thống. Điểm nổi bật của làng hoa là trồng tập trung nhiều loại hoa có màu vàng tươi, như: Cúc, vạn thọ… là những hoa theo nhiều người ưa chuộng trong những ngày Tết đến xuân về.

Theo ông Trần Văn Hào, 59 tuổi, ở tổ trồng hoa số 1 ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, làng nghề trồng hoa đã có từ lâu đời. Khi ông lớn lên đã thấy ông bà mình trồng hoa Tết và đưa ra chợ bán. Rồi theo nghề truyền thống của gia đình, mỗi năm, ông đều trồng hoa phục vụ thị trường Tết. Trước đây, những người trồng hoa ở làng nghề này chủ yếu làm theo kinh nghiệm truyền nghề. Gần đây, một số hộ tiên phong cũng đi học hỏi kinh nghiệm các nơi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cũng du nhập về một số giống mới để phong phú thêm chủng loại, sắc mầu hoa phục vụ nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ngày càng cao.

Bà Trần Thị Hoa, ở ấp Vĩnh Yên, sau khi ngã giá bán các luống hoa cúc cuối cùng cho thương lái, tươi cười nói: “Hơn 1.500 m2 đất, tôi trồng được hai nghìn giỏ hoa cúc và 1.500 giỏ hoa vạn thọ. Có bạn hàng đặt cọc hết rồi. Hoa cúc 80 nghìn đồng/cặp, còn vạn thọ thì 50 nghìn đồng/cặp; tính ra tổng thu trên 1.500 m2 đất là hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 50 triệu”. Theo bà Hoa, thấy giá này cũng hơn năm trước, nên bà quyết định bán; còn một số hộ quanh đó chưa chịu bán, vì họ dự đoán giá hoa cận Tết còn tăng cao hơn nữa.

Do hiệu quả kinh tế của nghề trồng hoa Tết cao, một số nông dân lân cận chưa từng trồng hoa cũng chuyển dần đất lúa sang trồng hoa và xin gia nhập làng nghề. Thạch Kim Mô Ni, nông dân Khmer chính hiệu ở ấp Sa Bình, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh là một điển hình cụ thể. Mô Ni nói rằng, trước kia anh chỉ chuyên trồng lúa, nhưng do đất bị phèn, mặn nên năng suất lúa không cao. Những năm trước, chính quyền địa phương vận động, khuyến khích chuyển đổi cây trồng, anh thử chuyển gần hai nghìn mét vuông đất qua trồng mầu. Anh thấy có lợi hơn trồng lúa gấp hai đến ba lần.

Thạch Kim Mô Ni nói, gần đây, thấy các hộ trồng hoa tết lời quá, nên năm trước tôi đi học kinh nghiệm và thử trồng 800 giỏ hoa cúc; vừa bán vừa tặng người thân quen cũng lời hơn năm triệu đồng. Vụ hoa Tết năm nay, anh trồng hơn 1.200 giỏ, theo thời giá hiện tại, ước tính có lời hơn 20 triệu đồng. Nếu so các hộ chuyên trồng hoa Tết thu nhập của anh không nhiều, nhưng với riêng anh cũng là số tiền khá lớn để vui ba ngày Tết Nguyên Đán.

Thạch Kim Mô Ni (nhân vật trong bài), một nông dân vừa mới theo nghề trồng hoa Tết.

Bên cạnh Làng hoa Vĩnh Yên, Long Đức, ở thành phố Trà Vinh còn có HTX Hoa kiễng Thanh Bình, chủ yếu ở ấp Long Bình, phường 4. Nơi đây là thủ phủ của các loài hoa giấy, hằng năm cũng tham gia thị trường Tết hơn 100 nghìn giỏ hoa các loại.

Những ngày cận Tết, các vùng trồng hoa ở thành phố Trà Vinh luôn nhộn nhịp. Không khí tất bật giao hàng cho các thương lái mang đi các chợ xa. Gánh gồng, chở ra chợ hoa thành phố, nhiều người mua hoa lẻ cũng đến tận ruộng để chọn những giỏ đẹp nhất, ưng ý nhất. Tiếng nói, tiếng cười, niềm vui của những hộ trồng hoa, được mùa, được giá vang một góc thành phố Trà Vinh.

ĐẶNG VĂN BƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/35552202-lang-hoa-tet-vinh-yen-vao-xuan.html