Làng hoa Tây Tựu bừng sắc ven đô

Làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vốn nổi tiếng xưa nay là nơi chuyên trồng và cung cấp hoa cho các chợ hoa lớn của Thủ đô. Mấy năm gần đây, mặc dù tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất trồng hoa bị thu hẹp nhưng những người dân Tây Tựu không vì thế mà xa rời nghề truyền thống của làng. Họ mạnh dạn tìm đến những ''vùng đất mới'' ở các huyện ngoại thành và cùng nhau dựng lên những ''làng hoa Tây Tựu'' mới cung cấp các loài hoa có quy mô, số lượng lớn không kém.

Cách đây chừng 10 năm, trên những cánh đồng, vùng bãi của huyện Đan Phượng, Phúc Thọ chỉ độc canh cây lúa, rau màu thì nay nơi đây giờ đã trở thành những vựa hoa đủ màu sắc và được nhiều người biết tới.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Khắc Chiến, một nông dân đến từ làng hoa Tây Tựu đang thuê đất ở khu đồng Gò Tám (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) để trồng hoa, chia sẻ nhiều bí quyết về nghề. "Ly là loài hoa "khó tính", đất luôn phải sạch, đủ chất dinh dưỡng. Vì thế phương pháp dưỡng đất, phòng bệnh bằng giải pháp sinh học là rất quan trọng" - anh Chiến vừa giải thích vừa chỉ tay về phía ruộng đậu tương xanh tốt.

Anh tươi cười nói: "Ruộng đậu tương 8 sào gia đình trồng không thu quả, chỉ để lấy lá. Khi cây phát triển tốt nhất, tôi sẽ cắt ủ làm phân bón.Sau vụ đậu tương, đất được phay kỹ rồi tháo nước ngâm ít ngày khử chua, phòng trừ dịch bệnh để sau này cây hoa phát triển tốt".Nhà ở phường Tây Tựu (cách Hạ Mỗ chừng 10km), từ cách đây 5 năm, anh Chiến đã "khăn gói” đến Hạ Mỗ thuê 2 mẫu đất để trồng hoa.

Người dân Tây Tựu phát triển nghề hoa ở Đan Phượng

Người dân Tây Tựu phát triển nghề hoa ở Đan Phượng

Ban đầu cũng có nhiều nghi ngại, vì nghề trồng hoa đòi hỏi điều kiện khắt khe, nhất là thổ nhưỡng và khí hậu. ‘‘Mọi thứ diễn ra thuận lợi’’ - anh Chiến cho biết –‘‘chất đất ở Hạ Mỗ hợp với cây hoa mà ít nơi có được, bông hoa tươi, cánh dày và đậm màu’’.Hiện tại, gia đình anh đang trồng hoa cúc, hoa loa kèn và một số diện tích đang cho đất "nghỉ” để chờ xuống giống hoa ly.

Nằm sát ruộng hoa của anh Chiến là vựa hoa loa kèn, hoa cúc đang độ tươi sắc của anh Nguyễn Văn Thành. Thăm vườn hoa đúng lúc anh Thành cùng hai người khác đang tất bật cắt hoa để sáng sớm hôm sau kịp “đổ buôn” ở chợ Quảng Bá. Anh Thành cho biết, 1,5 mẫu hoa cúc đang cho thu hoạch và so với mọi năm thì “cũng tạm được...”.

“Trồng hoa tuy vất vả nhưng cần cù, chịu khó và thời tiết ủng hộ thì mỗi sào đất một năm cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng. Vì thế nên khi đất đai bị thu hẹp, người dân Tây Tựu đã tỏa đi khắp nơi thuê đất trồng hoa”. Cả anh Thành, anh Chiến, đều đưa ra thông tin hiện có đến 80% người trồng hoa Tây Tựu đi tìm “vùng đất mới” để phát triển nghề, trong đó đất Hạ Mỗ được nhiều người ưa thích.

Rời ruộng hoa nhà anh Thành, chúng tôi bắt gặp vợ chồng anh chị Toàn – Thủy trên ruộng hoa đồng tiền trải dài đang bừng sắc. Anh chị hồ hởi cho biết: Sau gần 5 năm mang nghề trồng hoa từ Tây Tựu đến Hạ Mỗ, ngoài việc giữ được nghề truyền thống của cha ông, kinh tế của gia đình cũng được nâng lên đáng kể. Anh chị cũng có dự định thuê thêm đất ở một số xã khác để phát triển thêm diện tích trồng hoa loa kèn, hoa hồng và một số loại hoa khác đang được thị trường ưa chuộng.

Nhờ có những người dân làng hoa Tây Tựu, nghề “làm đẹp cho đời” cứ thế lan tỏa và “thấm dần” ở đất Hạ Mỗ và phát triển sang một số xã lân cận. Theo bà Tạ Thị Bình, Hợp tác xã nông nghiệp Hạ Mỗ: Nghề trồng hoa xuất hiện ở Hạ Mỗ từ năm 2008. Ban đầu chỉ có 3 hộ dân ở phường Tây Tựu về đây thuê đất trồng. Thấy hiệu quả, dần dà, số hộ đến thuê đất ngày càng nhiều và người dân Hạ Mỗ nhanh nhạy học theo.

Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện tốt nhất để cho các hộ tích tụ ruộng đất, có thửa lớn để sản xuất.Ở Hạ Mỗ, các chủ trồng hoa thuê đất của nhân dân, khi làm hợp đồng có sự chứng kiến của cụm trưởng cụm dân cư, đại diện hợp tác xã và UBND xã.Hợp đồng thuê đất từ 3 đến 5 năm và chủ yếu trồng hoa ly, loa kèn và hoa cúc.

Từ những ruộng cấy lúa hiệu quả không cao, giờ đây vùng trồng hoa của xã Hạ Mỗ đã mở rộng được 102ha. Trong đó có dự án 50ha hoa cao sản triển khai từ năm 2013 và sau đó ít lâu là dự án 12,8ha tại cánh đồng Hoa Tràng. Những dự án này đã làm thay đổi diện mạo quê hương. “Đường đi, lối lại khang trang, sạch đẹp.Kênh mương nội đồng tưới, tiêu bảo đảm tốt.Trạm điện phục vụ đầy đủ điện sản xuất.Nông thôn đổi mới thực sự từ đây...” - bà Bình vui vẻ cho biết.

Từ những bước đi ban đầu của những người dân Tây Tựu, với những chính sách đột phá, phù hợp thực tiễn, đến nay huyện Đan Phượng đã chuyển đổi được trên 1.000ha, trong đó vùng sản xuất hoa diện tích khoảng 400ha chủ yếu trồng hoa ly, tập trung ở các xã Hạ Mỗ, Tân Lập, Tân Hội và Đồng Tháp. Qua thực tế cho thấy, thu nhập từ trồng hoa ly cho hiệu quả cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác, ước đạt bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.

Nói về nghề trồng hoa ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: “Đan Phượng là huyện ven đô đất chật, người đông, bình quân diện tích đất nông nghiệp chỉ 10 thước/khẩu nên trồng lúa hiệu quả sẽ không cao. Thực tế này đặt ra cho huyện phải tìm các cây trồng, vật nuôi giá trị cao để đưa vào canh tác và cây hoa là lựa chọn phù hợp”.

Để hỗ trợ nhân rộng các vùng chuyển đổi, trong đó có vùng hoa, huyện Đan Phượng đã triển khai dồn điền đổi thửa; xây dựng các dự án, hỗ trợ hạ tầng, giống, phân bón.Liên quan đến tích tụ ruộng đất, do quỹ đất công có hạn nên các cơ sở trồng hoa trên địa bàn huyện đều phải thuê lại đất của nông dân với thời gian nhất định.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thạc Hùng, người dân nơi khác tự đứng ra thuê sẽ rất khó bởi người dân chưa tin, hoặc phải làm việc với từng hộ dân mất nhiều thời gian. Tháo gỡ khó khăn, đầu năm 2017, huyện đã giao cho UBND các xã và HTX đứng ra làm “trọng tài”, thuê lại đất nông nghiệp của nông dân sau đó giao cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. “Việc này lợi cho doanh nghiệp, cũng lợi cho nông dân bởi những xã này có nghề dịch vụ, thương mại phát triển nên người dân ít quan tâm đến sản xuất nông nghiệp”.

L. Hằng - Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lang-hoa-tay-tuu-bung-sac-ven-do-80204.html