Làng họa sĩ Cổ Đô

Làng Cổ Đô thuộc huyện Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 70 km, là quê hương của nhiều họa sĩ Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam với hoạt động mỹ thuật sôi nổi, Cổ Đô được mọi người yêu mến gọi là 'Làng họa sĩ', được Sở Du lịch Hà Nội gắn biển 'Điểm đến của du lịch'.

Tác phẩm “Nét xưa” của tác giả Nguyễn Trường Yên.

Tác phẩm “Nét xưa” của tác giả Nguyễn Trường Yên.

Làng Cổ Đô thuộc huyện Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 70 km, là quê hương của nhiều họa sĩ Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam với hoạt động mỹ thuật sôi nổi, Cổ Đô được mọi người yêu mến gọi là “Làng họa sĩ”, được Sở Du lịch Hà Nội gắn biển “Điểm đến của du lịch”.

Cổ Đô là một làng quê yên ả trải dài ven đê sông Hồng, nơi giao thoa giữa ba con sông lớn với Ngã ba Hạc nổi danh; là làng lụa, làng thơ, làng nghề làm bún truyền thống; vùng đất của những danh nhân với các tên tuổi Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Thượng thư Nguyễn Bá Lân.

Kế tục truyền thống của quê hương, nhiều năm nay, Cổ Đô được mệnh danh làng họa sĩ với những hoạt động mỹ thuật sôi nổi. Người đầu tiên khởi xướng và truyền tình yêu hội họa cho dân làng là cố họa sĩ Sỹ Tốt, Giải thưởng Nhà nước, tác giả của những tác phẩm: Ơ Bố; Tiếng đàn bầu, Lúa non buổi sớm, Em nào cũng được đi học… Mấy chục năm qua, ông cùng con trai là họa sĩ La Vuông trực tiếp dạy vẽ cho nhiều thế hệ họa sĩ và người yêu hội họa. Cổ Đô hiện có 12 họa sĩ là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng mỹ thuật; có Câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật Cổ Đô và đặc biệt là hai bảo tàng hội họa: Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ năm 2016 và Bảo tàng Sỹ Tốt và gia đình đặt tại nhà riêng cố họa sĩ Sỹ Tốt. Ngoài ra, còn có hàng chục phòng tranh cá nhân của các họa sĩ “chân đất”, chủ yếu tự trưng bày tác phẩm của mình. Thời gian qua, CLB Mỹ thuật Cổ Đô tổ chức nhiều triển lãm và lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ em trong khu vực. Bảo tàng của làng rộng hơn 5.000 m2, là địa chỉ thu hút những tâm hồn giàu tình yêu hội họa, ngày càng nhiều em nhỏ muốn được tham gia lớp học vẽ tại đây. Năm 2018 mới có hơn 80 học sinh Cổ Đô và bốn xã lân cận, thì năm 2019 có tới 143 em trong làng và tám vùng lân cận tham dự…

Các họa sĩ Cổ Đô chủ yếu sáng tác về chủ đề quê hương nơi họ sinh ra và lớn lên theo phong cách hiện thực; bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mài, màu nước. Vào những ngày tháng 11 này, Triển lãm Sắc màu quê hương 5 của CLB Mỹ thuật Cổ Đô vừa ra mắt công chúng tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Người xem bắt gặp ở đó những hình ảnh về cuộc sống con người, thiên nhiên vùng quê Cổ Đô và xứ Đoài thân thương. Vẻ đơn sơ mộc mạc ngàn đời của làng xóm hiển hiện qua Góc quê, Nét xưa (Trường Yên), Ngõ quê (Tuấn Minh), Cổng quê (Đào Xuân Quang), Nét thôn Đoài (Chu Duy Lê)…; khung cảnh sông nước bình yên và cuộc sống lao động đời thường được khắc họa trong Thuyền trên sông (Sỹ Tuấn), Góc xóm chài (Đào Xuân Quang), Xưởng cơ khí (Hoàng Việt), Kè sông (Phùng Nam), Sửa chữa sau bão (Trần Hòa)…; tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình chân chất đời thường trong Đón mẹ (Thế Tước), Tự tình (Ngọc Nho), Nỗi nhớ của mẹ (Đỗ Sự)…

Tranh của những họa sĩ Cổ Đô tuy chưa đạt đến thứ bậc cao trong nghệ thuật, nhưng sự dung dị, hồn nhiên và những nỗ lực tìm tòi, biểu đạt của các họa sĩ chuyên và không chuyên đã hứa hẹn một phong trào nghệ thuật nhiều triển vọng và chất lượng. Nếu biết nuôi dưỡng, phát huy truyền thống, cùng sự hỗ trợ của địa phương và các cấp ngành, làng Cổ Đô sẽ được khơi dậy tiềm năng văn hóa nghệ thuật, trở thành một điểm đến độc đáo của du lịch xứ Đoài.

NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/42434302-lang-hoa-si-co-do.html