Làng hoa đào mùa bấm ngọn

Để có những cây đào rực rỡ mỗi dịp tết đến xuân về, người trồng hoa ở làng đào đã mất một năm ròng rã vất vả trên đồng ruộng.

 Chị Đỗ Thị Chung, tổ 5, phường Cam Giá đang bấm ngọn tạo dáng cho đào. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Chị Đỗ Thị Chung, tổ 5, phường Cam Giá đang bấm ngọn tạo dáng cho đào. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đào Cam Giá

Trong cái nắng như đổ lửa của mùa hè 2020, chúng tôi tận mắt chứng những giọt mồ hôi thánh thót rơi xuống đất để kết thành những mùa xuân đất nước. Làng nghề trồng hoa đào Cam Giá (phường Cam Giá, TP Thái Nguyên) là một trong những làng nghề có nhiều tỷ phú nông dân nhất của tỉnh Thái Nguyên.

Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 7km về phía nam, phường Cam Giá là địa danh nổi tiếng vì có Khu gang thép Thái Nguyên, cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, nơi một thời gian dài tụ hội những kỹ sư giỏi, công nhân tay nghề bậc cao. Chính vì vậy, người dân nơi đây khá nhanh chóng tiếp cận với những cái mới trong lao động sản xuất.

Nói về nguồn gốc cây đào, loài cây này có ở đất Cam Giá từ xa xưa, là loại đào ăn quả chim bay qua đánh rơi hạt, tự mọc thành cây rồi trổ hoa rực rỡ mỗi độ xuân về. Đấy là loại đào rừng, khác với đào cảnh được cụ Nguyễn Văn Trực, ở tổ 7, vốn quê ở Nhật Tân, lấy giống về trồng năm 1983.

Đào Nhật Tân được trồng tại Cam Giá hợp đất, nở đẹp rực rỡ nên được nhiều người hàng xóm xin cắt cành về chơi tết, dần dà nhiều người nơi khác đến tìm mua.

Khoảng năm 1990, cụ Trực trồng được 1.000 gốc đào, Tết nào cũng không đủ bán, bà con trong xóm thấy hiệu quả kinh tế bèn học trồng theo.

Được công nhận Làng nghề năm 2012, hiện toàn phường có trên 200 hộ trồng hoa đào tại hầu hết các tổ dân phố, hàng năm vào mỗi dịp vui tết đón xuân làng nghề cung cấp hàng chục nghìn cây hoa đào đẹp.

Điều khiến người ta phải trầm trồ khi đến thăm làng đào Cam Giá là vô số những ngôi biệt thự thấp thoáng giữa những vườn đào xanh mướt vào mùa hè, hồng rực vào đầu xuân. Đa số người trồng đào là các hộ nông dân có đất đai rộng rãi.

Đó là những thửa ruộng thụt cấy lúa vụ được vụ mất của thời trước, là những mảnh vườn toàn sỏi cuội cây sắn cây chè cũng còi cọc không lớn nổi. Nghề trồng hoa đào đã biến đổi một vùng đất nghèo giáp ranh khu Gang thép Thái Nguyên thành một vùng quê trù phú và những chủ nhân có trong tay gia tài nhiều tỷ đồng.

Vừa là loài hoa đẹp, dễ trồng lại có giá trị kinh tế, cây đào nhanh chóng được trồng khắp nơi, đến nay vùng đào Cam Giá đã có đến gần 50ha, hầu hết các vườn tạp đã chặt bỏ để trồng đào, nhiều ruộng lúa không hiệu quả cũng được nâng nền để trồng đào.

Các hộ có vườn đào trị giá nhiều tỷ đồng được nhiều người biết đến như vườn Kiên Tuất, vườn Bằng Thanh, vườn Sơn Hằng, vườn Phương Nhung, vườn Cúc Đoàn…

Mỗi vườn có đến hàng trăm cây đào cổ thụ. Các hộ trồng ít cũng có đến gần trăm cây đào thế. Vào dịp cuối năm, làng đào nhộn nhịp suốt cả ngày lẫn đêm, nườm nượp khách đến chọn đào, đến ngắm hoa chụp ảnh, nhà vườn trắng đêm đánh đào chuyển cho khách.

Vườn đào “nhà nghèo”

Vườn đào của gia đình chị Đỗ Thị Chung, ở tổ 5, diện tích gần 1 sào, trồng 160 cây đào. Chị đang bấm ngọn tạo dáng cho 100 cây thế tự do và 60 cây cắt bán cành.

Trồng đào cả chục năm nay, tết nào chị cũng có khách đến mua buôn tại vườn, đào cây thì từ 400-500 nghìn đồng, đào cành giá 120 nghìn đồng. Đào nhà chị có 2 giống chính là đào bích và đào phai cánh kép, người dân thành phố thích đào bích còn khách ở các huyện lại thích đào phai hơn.

Theo như chị Chung tự nhận thì chị trồng đào theo kiểu nhà nghèo, tức là vốn liếng bỏ ra rất ít thôi, gần như bỏ công sức ra là chính.

Đây nhé, giống cũng tự làm. Đào gốc thì tự mua hạt hoặc cây con đào rừng, còn gọi là “đào ma” về giâm, được vài chục ngày bắt đầu ghép mắt. Mắt cũng là tự túc, từ cây đào cho hoa đẹp của nhà để lại hoặc xin cành từ các vườn đào “nhà giàu” có những cây “đẹp đến nức nở”.

Thường là gieo hạt cho cây mọc lên, ăn tết xong thì bắt đầu ghép mắt cho đào. Cây đào năm đầu sẽ cắt bán ngọn để lại gốc, năm thứ 2 bắt đầu thành đào cây.

Vốn phải bỏ ra cho mỗi gốc đào nếu là mua cây con thì cứ 100 nghìn đồng được 100 cây, chia ra mỗi cây có 1.000 đồng thôi, không đáng gì. Cứ gối nhau như vậy, vườn đào bán hết lượt này lại có ngay lượt khác thay thế.

Để nuôi dưỡng cây đào “tăm” đó, cần rất nhiều dinh dưỡng. Đầu tiên là khâu làm đất, cần chuẩn bị phân gà lẫn với phân trâu bò đều đã ủ mục. Khi đào đến tuổi “cập kê”, lại cần chế phẩm để “dưỡng nhan”.

Bí quyết làm đào đẹp của chị Chung để cây đào rất mập khỏe, hoa thắm to, có độ bền đến cả tháng là bột đậu tương pha với nước mía ép. Đậu tương nghiền mịn như bột, pha theo công thức 1kg bột đậu, 30 lít nước sạch và 0,5 lít nước mía, ngâm hỗn hợp đó trong thùng 3 tháng thì đem dùng để tưới cây.

Đấy, lát bấm ngọn xong chị sẽ hái đỗ, tranh thủ lúc đào còn nhỏ thì trồng xen đỗ để lấy hạt, 1 sào đào này mỗi năm cần cả yến đậu tương. Được chăm sóc tốt như vậy nên có những cây cho hoa siêu bền, bông đẹp đến cả tháng tính từ lúc chớm nở cho đến lúc tàn.

Anh Nguyễn Văn Bằng với vườn đào cổ thụ trị giá nhiều tỷ đồng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Chị Chung tâm sự, hoa đào gần như không thể thiếu để đón xuân nên mỗi nhà dù chưa mấy dư dật cũng vẫn mua đào, đào của gia đình chị hướng đến những khách hàng bình dân. Dù giá bán không cao nhưng chị vẫn chăm sóc thật chu đáo để có những cây đào thật khỏe, đẹp đem lại niềm vui, niềm hy vọng năm mới cho các gia đình.

“Vườn đào đại gia”

Ngược lại với chị Chung, vườn đào của anh Nguyễn Văn Bằng, 41 tuổi, ở tổ 4 lại toàn đào cổ thụ, chỉ cho thuê chứ không bán.

Anh Bằng hiện là Phó Chủ tịch Hội trồng Hoa đào Cam Giá. Bắt đầu chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa đào thương phẩm gần 20 năm nay, anh Bằng đang có 400 cây đào “siêu to”, trên diện tích hơn 1 mẫu đất. Đào này đều có nguồn gốc từ đào tự nhiên hàng chục năm tuổi, được tìm mua về, cây có mặt lâu nhất tại vườn cũng đã hơn chục năm.

Nói về nghề, anh Bằng cho biết những năm đầu cũng trồng đào cây đào cành, sau này tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng thì chuyên làm đào cổ thụ. Gốc đào phải dày công đi tìm mua khắp các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn.

Phải đến xem tận nơi và thuê người đào gốc đúng kỹ thuật vì đào rừng tự nhiên tuổi thọ lâu năm nếu không biết cách đào gốc và chăm sóc thì cây càng cổ thụ càng nhanh chết.

Anh Bằng cho rằng cho thuê đào cổ thụ là một cách để bảo tồn đào, bởi lẽ nhà vườn có kỹ thuật chăm sóc thì cây mới khỏe mạnh tươi tốt và nở hoa đúng dịp tết, còn nếu chỉ đi khai thác rồi “bán đứt” cho người chơi thì khả năng đào chết sẽ lên tới 100%.

Ngay cả đào rừng tự nhiên, không phải cây nào cũng có thể trồng được, sau khá nhiều bài học đắt giá tốn kém hàng chục triệu đồng, anh Bằng rút ra kinh nghiệm phải chọn kỹ cây không bị sâu bệnh, dáng thế đẹp và đặc biệt là bộ rễ phải khỏe mạnh. Đánh cây hoàn toàn thủ công bằng cuốc xẻng đảm bảo giữ bộ rễ nguyên vẹn.

Anh Bằng từng mất đến dăm bảy năm ròng rã “theo đuổi” cây đào của một hộ dân ở khu vực hồ Ba Bể, chỉ là cây đào ăn quả bình thường thôi, một lần đi chơi qua nhìn thấy bèn lọt mắt xanh, mê mẩn mãi không nguôi được. Thấy mình kiên trì quá, ông chủ nhà cảm động nên đồng ý bán với giá 7 triệu đồng cách đây 3 năm.

Đón được “người trong mộng” về, anh bèn bỏ công miệt mài chăm sóc, trang điểm, tỉa cành, ghép mắt... đến mùa hoa vừa rồi thì “em nó” đăng quang “hoa hậu”, đẹp đến nỗi anh em làng nghề ai cũng phải đến chiêm ngưỡng, xuýt xoa, thế rồi “em nó” “nên duyên” với một đại gia Hà Nội với giá 80 triệu đồng.

Bàn về những rủi ro của nghề làm đào, anh Bằng cho rằng người mới trồng đào thì phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Tình trạng đào “câm” không chịu hé nụ hoặc nở tóe loe quá sớm thực sự là nỗi hãi hùng của nhiều hộ làm nghề, song đối với các hộ đã làm lâu năm thì không sợ mất mùa.

Anh Bằng cho rằng để hoa nở đúng tết dựa trên kinh nghiệm là chính, thời tiết chỉ là yếu tố phụ. Bí quyết của họ là thời điểm tuốt lá và tăng cường dinh dưỡng cho cây. Nghe tin dự báo thời tiết chuẩn bị có đợt rét đậm thì bổ sung các loại phân bón để cây khỏe mạnh, bất chấp gió rét.

Thông thường, các làng đào tuốt lá vào tháng 10 âm lịch, trước tết 2 tháng để đào kịp nở từ giữa tháng Chạp. Song đào cổ giá trị lớn, nhà vườn phải căn cứ vào từng giống đào, sức khỏe của từng cây để tính thời điểm tuốt lá.

Doanh thu hàng năm trừ chi phí vẫn lãi cả tỷ đồng, anh Bằng khiêm tốn nhận về mặt làm giàu thì anh chưa bằng một số hộ khác. Ở làng đào, hàng chục hộ có thu nhập hàng năm trên 500 triệu từ cây đào. Các hộ không chuyên, làm ít cũng vẫn có cái tết đàng hoàng, so với những người đi tiên phong của làng nghề, những người làm sau thuận lợi, nhàn hơn nhiều vì không chỉ được kinh nghiệm, kỹ thuật mà còn sẵn sàng cho mắt ghép và đổi công ghép, uốn tỉa.

Đồng Văn Thưởng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lang-hoa-dao-mua-bam-ngon-d268590.html