Làng Heg 'lạ kỳ' chốn rừng thẳm

Ở làng Heg (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có 22 hộ với 75 nhân khẩu dựng nhà, làm rẫy và sinh sống '5 không' suốt 10 năm nay.

Dù đang sống giữa thế kỷ 21, thế nhưng cả làng chỉ có 5 đến 6 người biết chữ, thậm chí có người còn không nhớ tên tuổi, năm sinh của mình...

Ngôi làng kỳ lạ

Vượt qua gần 100km đường đất, băng qua nhiều con suối cạn và những đoạn đường đất, đá lởm chởm, chúng tôi đặt chân đến ngôi làng Heg giữa buổi trưa hè nắng gắt. Con đường rừng quanh co dưới cái nắng như muốn thiêu đốt mọi thứ từ cây cối, con vật, đến những người dân bản địa và du khách ghé ngang.

Ngôi làng 5 không giữa chốn thâm sơn. Ảnh Trần Hiền

Bước vào đầu làng, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi, những đứa trẻ còi cọc trên tay cầm quả xoài rừng ăn ngon lành. Bé Đinh Thoanh (8 tuổi) cười nói: “Quả này ngon lắm đấy, không tin cô cứ ăn thử là biết. Bố mẹ con đi làm rẫy hết cả rồi, con và em ở nhà trông nhà”.

Khi chúng tôi hỏi bé: "Tại sao con không đi học mà ngồi đây?", bé đáp: “Có trường đâu mà đi học ạ, bình thường con đi làm rẫy cùng bố mẹ, nay được ở nhà...”. Ngôi làng cũng có đến mấy chục ngôi nhà và rất nhiều đứa trẻ đang ở độ tuổi học hành nhưng lại chẳng thấy bóng dáng điểm trường nào.

Những đứa trẻ hái xoài rừng ăn. Ảnh Trần Hiền

Làng Heg được bao bọc bởi 3 ngọn núi Cheng Leng, Lờ Pá và N’Nheng. Ngôi làng gần như biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Với 22 hộ và 75 nhân khẩu, cả ngôi làng chỉ có vỏn vẹn 1 ống nước duy nhất được dẫn từ trên núi xuống. Giữa buổi trưa hè nắng nóng, từ 3-4 hộ lại chen nhau hứng những giọt nước từ ống nước này, những đứa trẻ đầu trần chân đất thỉnh thoảng lại chạy ra giữa làng ngửa miệng dưới ống uống nước. Những khi nước cạn, cả làng lại phải đi cả mấy cây số mới có giọt nước để ăn uống, tắm rửa.

Nguồn nước tắm giặt, ăn uống duy nhất của cả làng là chiếc ống bé tí được dẫn từ trên núi xuống. Ảnh Trần Hiền

Được biết, trước đây người dân ở làng đã được đưa đến nơi ở mới theo diện di dời, giải phóng mặt bằng để xây dựng hồ thủy lợi Ayun Hạ (Phú Thiện, Gia Lai) song người dân làng lại quay về nơi ở cũ trong rừng sâu để sinh sống. Giữa buổi trưa hè, trời nóng như đổ lửa, cụ bà Đinh Bê vẫn đầu trần nhặt từng mẩu phân bò nhét vội vào bao kiếm tiền mua gạo, mua thức ăn.

“Tôi đã sinh sống ở đây được 10 năm nay, hàng ngày tôi đi nhặt phân bò mỗi bao như này tôi bán được 30.000 đồng. Ở đây bà con đa số là chữa bệnh bằng các loại cây cỏ thôi, ít ai đến bệnh viện lắm, đường lại xa xôi nữa...”, bà Đinh Bê tâm sự.

Chuyện buồn làng Heg

Tìm mãi cả làng, chúng tôi mới thấy một người biết chữ, đó là ông Mai Văn Ân. Ông Ân kể: “Trước đây, chúng tôi ở ngoài xã Chư A Thai cuộc sống cũng đầy đủ, có đường, có điện... nhưng lại thiếu đất sản xuất nên vào đây sinh sống. Nói thật cả làng cũng chẳng mấy ai biết chữ. Thu hoạch nông sản thì chở bằng xe máy băng rừng hay dùng thuyền chở qua hồ Ayun Hạ ra xã Ayun hoặc xã Đak Trôi bán lại cho người ta rồi mua thêm thức ăn và vật dụng mang về. Khi cần mua vật liệu làm nhà thì chèo thuyền qua xã Ayun nói họ chở thuyền vào bán cho”.

Ngồi gần đó, vợ ông Ân đã gần 40 tuổi nhưng cũng không nhớ nổi họ tên khai sinh của mình, giờ mọi người cứ gọi là Đinh Thanh.

Không được đi học, những đứa trẻ đầu trần chân đất nô đùa giữa trưa hè nắng nóng. Ảnh Trần Hiền

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Jăi - Trưởng làng Heg cho biết: “Trước đây, năm 2000 khi tỉnh Gia Lai có chủ trương xây dựng hồ thủy lợi Ayun Hạ, nguy cơ ngập cao nên tỉnh đã di dời toàn bộ làng Heg theo diện tái định cư. Thế nhưng, sau khi hồ thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành, tôi cùng một số bà con quay lại làng cũ phát hiện ngôi làng không hề bị ngập, cộng thêm việc không đủ đất sản xuất ở nơi ở mới nên làng đã quyết định quay về và sinh sống cho đến bây giờ”.

Ông Phùng Trung Toàn - Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết, sau khi nhận được phản ánh, các cơ quan chức năng của xã cũng như của huyện Phú Thiện đã trực tiếp đến các điểm làng trên núi để rà soát số hộ, số nhân khẩu, qua đó có phương án giải quyết tình trạng trên. Cũng theo ông Toàn, khi đưa đến các làng tái định cư, xã cũng đã cấp đất sản xuất cho người dân nên không có chuyện người dân thiếu đất sản xuất.

Dù đã gần 40 tuổi và đã có 1 người con nhưng người phụ nữ này vẫn không biết tên khai sinh của mình. Ảnh Trần Hiền

“Hiện nay, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo huyện Phú Thiện và xã Chư A Thai tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên theo hướng vận động nhân dân trở về làng tái định cư. Xã đã rà soát và dành quỹ đất riêng để cấp cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp trong trường hợp thiếu đất sản xuất.

Dù vậy, xã cũng xác định đây là nhiệm vụ khó khăn bởi tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số là sinh sống tại các khu vực đồi núi đã quen. Tuy nhiên, chính quyền xã vẫn quyết tâm vận động bà con trở về, để người dân đặc biệt là trẻ em ở ngôi làng này được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách xã hội”, ông Toàn nhấn mạnh.

Trần Hiền

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/lang-heg-la-ky-chon-rung-tham-882317.html